(ok888kk.xyz) - Cùng với các kênh thông tin chính thống có truyền thống lâu năm khác dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Website Chính phủ ra đời đã mở thêm một kênh thông tin chính thống về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trên mạng Internet. 3 năm qua, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phát lệnh hòa mạng Internet toàn cầu, Website Chính phủ đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc mong muốn tìm hiểu một cách hệ thống quá trình phát triển này, xin điểm lại một số dấu mốc trong tiến trình phát triển của Website Chính phủ.
I. Giai đoạn xây dựng Website Chính phủ
1. Ngày 7/11/2003, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Website Chính phủ
Sau một thời gian Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương chuẩn bị, ngày 7/11/2003, Thủ tướng Chính phủ quyết định (Quyết định số 229/2003/QĐ-TTg) thành lập Trang tin điện tử của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet.
|
Cách đây tròn 3 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khai trương Website Chính phủ- thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế
|
Quyết định nêu rõ, Trang tin điện tử Chính phủ là cơ quan thông tin của Chính phủ, cung cấp thông tin chính thức cho nhân dân trong nước và người nước ngoài về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác của cả nước trên mạng Internet. Trang tin điện tử Chính phủ là đầu mối kết nối hoạt động cung cấp thông tin qua Internet của cơ quan hành chính các cấp, hướng tới phục vụ triển khai hoạt động dịch vụ công về thông tin và xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa Chính phủ với nhân dân.
2. Ngày 16/1/2004, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thành viên Ban chỉ đạo Trang tin điện tử Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo
Tại Quyết định số 100/QĐ-TTg, ngày 16/1/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách các thành viên Ban chỉ đạo Trang tin điện tử Chính phủ gồm lãnh đạo một số Bộ, ngành, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo Trang tin điện tử Chính phủ có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ theo các quy định của pháp luật hiện hành và theo Quyết định số 229/2003/QĐ -TTg.
3. Ngày 16/3/2004, thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ
Ban Quản lý dự án Trang tin điện tử Chính phủ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quyết định thành lập tại Quyết định số 195/QĐ-VPCP. Tiến sỹ Nguyễn Công Hoá, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ được quyết định làm Trưởng Ban Quản lý Dự án. Ban có nhiệm vụ tổ chức thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán đầu tư Trang tin điện tử Chính phủ và làm đầy đủ các thủ tục theo quy định để trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quyết định.
4. Ngày 4/6/2004, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Dự án đầu tư và xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ
Theo Quyết định số 464/QĐ-VPVP, ngày 4/6/2004, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Dự án đầu tư và xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ với thời gian thực hiện 2 năm.
5. Ngày 24/8/2004, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chỉ định đơn vị tư vấn, thiết kế Trang tin điện tử Chính phủ
Theo giới thiệu của Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và đề nghị của Trưởng Ban Quản lý dự án Trang tin điện tử Chính phủ, tại Quyết định 790/QĐ-VPCP, ngày 24/8/2004, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ định Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, đơn vị thành viên của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) làm đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán dự án Trang tin điện tử Chính phủ.
6. Ngày 21/3/2005, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Trang tin điện tử Chính phủ
Theo Quyết định 185/QĐ-VPCP, ngày 21/3/2005, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã phê duyệt Dự án khả thi xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ. Mục tiêu đầu tư: Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trang tin điện tử Chính phủ. Các thành phần cơ bản của Trang tin điện tử Chính phủ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin sẵn sàng đáp ứng khả năng phát triển, bảo đảm yêu cầu nâng cấp, mở rộng thành cổng giao diện điện tử trong giai đoạn tiếp theo.
7. Ngày 10/10/2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định về tổ chức và hoạt động của Trang tin điện tử Chính phủ
Theo Quyết định 250/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan Trang tin điện tử của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet là đơn vị sự nghiệp, đặt tại Văn phòng Chính phủ; có chức năng trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động của Trang tin điện tử của Chính phủ trên mạng Internet; tổ chức và hoạt động theo loại hình cơ quan báo điện tử; có con dấu và tài khoản riêng. Kinh phí hoạt động do Nhà nước cấp, tổng hợp chung trong kinh phí của Văn phòng Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo Trang tin điện tử Chính phủ.
Trang tin điện tử Chính phủ thực hiện 14 nhóm nhiệm vụ. Trong đó một số nhiệm vụ hàng đầu là (1) chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thông tin về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Bộ, ngành, địa phương; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và các lĩnh vực khác của cả nước trên mạng Internet; (2) tuyên truyền, phổ biến trên mạng Internet các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản có giá trị pháp lý khác do cơ quan, người có thẩm quyền ở Trung ương ban hành; (3) là đầu mối chủ trì và thống nhất việc kết nối hoạt động cung cấp thông tin qua mạng Internet trên Trang tin điện tử Chính phủ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, hướng tới phục vụ triển khai hoạt động dịch vụ công về thông tin và xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa Chính phủ với nhân dân; (4) xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin điện tử chính thức của Chính phủ về tình hình và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên mạng Internet.
II. Thủ tướng Chính phủ phát lệnh đưa Website Chính phủ hòa mạng Internet toàn cầu
1. Trong không khí tưng bừng đón chào Xuân mới Bính Tuất 2006, ngày 10/1/2006, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh Website Chính phủ chính thức hoà mạng Internet toàn cầu.
Bằng sự kiện này, có thêm một kênh thông tin quan trọng, cung cấp tới nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế những thông tin về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và tình hình thời sự nổi bật trong nước một cách kịp thời, chính xác.
Phát biểu tại buổi hòa mạng, Thủ tướng Chính phủ mong muốn: Website Chính phủ như một đại diện của Chính phủ Việt Nam hiện diện cùng Website của các quốc gia khác trên mạng thông tin toàn cầu Internet, Website Chính phủ hoạt động sẽ thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian trong giao tiếp, đối thoại giữa Chính phủ với các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, giữa Chính phủ với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư để tìm ra phương án hữu hiệu xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh; đồng thời Website Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần vào kho tri thức toàn cầu Internet, làm cho bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết và tăng cường hợp tác với Việt Nam.
2. Ngày 10/8/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chỉ đạo Văn phòng Chính phủ “Phát huy thật tốt, với hiệu quả cao nhất Website Chính phủ”.
Trong những tháng đầu năm 2006, kể từ khi chính thức hòa mạng Internet toàn cầu, Website Chính phủ đã được đông đảo nhân dân và các cơ quan trong và ngoài nước thường xuyên truy cập, khai thác, được lãnh đạo Chính phủ quan tâm, theo dõi và chỉ đạo.
Ngày 10/8/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chỉ đạo Văn phòng Chính phủ “Phát huy thật tốt, với hiệu quả cao nhất Website Chính phủ”. Để thực hiện ý kiến trên đây của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các Vụ, Cục, đơn vị trong Văn phòng Chính phủ đưa Website Chính phủ vào diện được ưu tiên cung cấp thông tin. Website Chính phủ được cử cán bộ và phóng viên tham dự các cuộc họp, các hoạt động chỉ đạo, điều hành, các chuyến công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng theo đúng các quy định.
3. Ngày 3/10/2006, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Tổng Biên tập Website Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1295/QĐ-TTg ngày 3/10/2006 bổ nhiệm ông Phạm Việt Dũng, Phó Tổng Biên tập phụ trách Website Chính phủ làm Tổng Biên tập Website Chính phủ.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/10/2006, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao, Trưởng Ban chỉ đạo Website Chính phủ đã công bố Quyết định và giao nhiệm vụ cho Tổng Biên tập Phạm Việt Dũng. Tại buổi lễ này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao đã biểu dương nỗ lực phấn đấu vượt khó, ý thức trách nhiệm và những thành tích nổi bật của Website Chính phủ trong thời gian qua. Mới có gần 10 tháng hoạt động kể từ khi chính thức khai trương, hoà mạng Internet toàn cầu trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của buổi ban đầu, nhưng Website Chính phủ đã bước đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin cậy, nhân dân, doanh nghiệp quý mến, đồng thời số lượng bạn đọc cả trong và ngoài nước truy cập tăng nhanh từng ngày. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao nhấn mạnh: “Website Chính phủ đã được lãnh đạo Chính phủ đánh giá là hoạt động hiệu quả, thiết thực, có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Website Chính phủ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của các cơ quan công quyền, các cơ quan truyền thông, của nhân dân và doanh nghiệp bởi hệ thống dữ liệu phong phú; thông tin về chính sách, pháp luật, hoạt động của Chính phủ, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... kịp thời, chính xác và chính thống”.
4. Ngày 7/2/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao thăm và kiểm tra công tác đảm bảo kỹ thuật buổi đối thoại trực tuyến của Thủ tướng với nhân dân
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hạ tầng công nghệ Website Chính phủ
|
Mặc dù công việc chỉ đạo triển khai chương trình, kế hoạch công tác đầu năm rất bận rộn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao, Trưởng Ban chỉ đạo Website Chính phủ vẫn dành thời gian thăm và kiểm tra công tác đảm bảo kỹ thuật buổi đối thoại trực tuyến của Thủ tướng với nhân dân ta cả trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành hơn 30 phút khảo sát và kiểm tra công tác đảm bảo kỹ thuật, hạ tầng công nghệ, Phòng Đối thoại trực tuyến của Website Chính phủ. Thủ tướng cũng tới thăm nơi làm việc, tác nghiệp của các biên tập viên, phóng viên. Tổng Biên tập Phạm Việt Dũng, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Công Hóa đã báo cáo với Thủ tướng những bước phát triển nhanh chóng, cả những mặt còn hạn chế cần sớm khắc phục của Website Chính phủ trong thời gian qua.
Sau khi ân cần thăm hỏi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Website Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận và biểu dương những thành tích của Website Chính phủ trong thời gian qua. Thủ tướng cho biết, tuy bận nhiều công việc song vẫn thường xuyên quan tâm theo dõi hoạt động và sự phát triển của Website Chính phủ. Thủ tướng cho rằng, Website Chính phủ đã cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, chính thống cho đông đảo bạn đọc ở trong nước, nước ngoài và các cơ quan báo chí khác.
5. Ngày 9/2/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực tuyến với nhân dân qua Website Chính phủ
Cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nhân dân hôm 09/02/2007, do Website Chính phủ tổ chức, phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo VietNamNet, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện thành công, đã thu hút con số hơn 112.000 trang tin điện tử, báo chí, trong đó có hơn 89.000 trang trong nước đưa tin, bình luận với tuyệt đại đa số nhận xét, đánh giá rất tốt. Cuộc đối thoại này trở nên một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa cả về xã hội, chính trị, đối ngoại và là 1 trong 10 sự kiện công nghệ thông tin và truyền thông năm đó.
|
Cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nhân dân qua Website Chính phủ là bước đột phá về cải cách hành chính và nâng cao dân chủ XHCN nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại bùng nổ Internet
|
Cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ là sự khởi đầu cho một loạt cuộc đối thoại trực tuyến tiếp theo của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn lớn với nhân dân và doanh nghiệp, mà còn thể hiện tinh thần "thẳng thắn, trách nhiệm và gần dân" của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ qua phương thức giao tiếp mới nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.
Quyết định đối thoại trực tuyến với nhân dân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thúc đẩy Website Chính phủ quyết liệt xây dựng và hoàn thiện công nghệ giao lưu trực tuyến. Hình thức giao lưu, đối thoại qua Internet (trực tuyến) không còn xa lạ đối với hoạt động truyền thông ở nước ta. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một cuộc đối thoại trực tuyến mà khách mời là người đứng đầu Chính phủ. Số lượng người truy cập vào cổng Website Chính phủ tại thời điểm trực tuyến lên đến 1.253.069 lượt truy cập (Hits). Buổi đối thoại trực tuyến được tổ chức khoa học, chu đáo, bảo đảm kỹ thuật, tin học, an toàn an ninh... quá trình đối thoại trực tuyến diễn ra đúng theo thông lệ quốc tế. Các tổ chức công nghệ thông tin có uy tín trên thế giới, sau buổi đối thoại trực tuyến, đã đánh giá Việt Nam sánh ngang tầm số ít các nước có năng lực tổ chức thành công các cuộc đối thoại trực tuyến của nguyên thủ quốc gia như Nga, Nhật, Anh, Singapore...
Cuộc đối thoại qua Website Chính phủ là bước đột phá về cải cách hành chính và nâng cao dân chủ XHCN nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại bùng nổ Internet.
Sự kiện này cũng cho thấy vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được thể hiện một cách thiết thực trong mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.
III. Nâng cấp, phát triển Website Chính phủ thành Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
1. Ngày 10/4/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý chuyển Website Chính phủ thành Cổng thông tin điện tử Chính phủ trên Internet
Ngày 10/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ và Website Chính phủ xây dựng Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trang tin điện tử Chính phủ thành Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
2. Ngày 18/3/2008, kết thúc dự án Website Chính phủ, chuyển sang Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Ngày 18/3/2008, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ tổng kết, kết thúc dự án Website Chính phủ. Dự án Website Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ nhiệm vụ xây dựng và triển khai từ năm 2003. Đến 18/7/2005, Dự án mới khởi công, đến 30/7/2007 tổng nghiệm thu và bàn giao cho Ban Biên tập Website Chính phủ. Danh nghĩa là có 24 tháng cho việc xây dựng và vận hành thử nghiệm, nhưng trên thực tế từ 10/01/2006, Website Chính phủ đã chính thức hoạt động và được người sử dụng cả trong, ngoài nước biết đến như một địa chỉ cung cấp thông tin chính thức của Chính phủ trên Internet.
|
Tại buổi kết thúc Dự án Website Chính phủ hôm 18/3/2008, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Từ thành công của Dự án Website Chính phủ có thể rút ra những bài học quý cho việc thực thi các dự án về công nghệ thông tin
|
Tổng quyết toán Dự án là 15.641.958.861 đồng, bằng 80% tổng dự toán được duyệt (19.553.503.000 đồng). Ban Quản lý Dự án đã tiết kiệm cho Nhà nước gần 4 tỷ đồng.
Tại buổi lễ kết thúc dự án và kết thúc hoạt động của Ban chỉ đạo Website Chính phủ, với sự có mặt của đông đảo lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và đầy đủ các thành viên Ban chỉ đạo Website Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Dự án và các đối tác tham gia thi công đã có tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực rất lớn tạo nên sự thành công của Dự án. Ban Biên tập Website Chính phủ đã tiếp nhận, quản lý và vận hành tốt Website Chính phủ, phát huy hiệu quả tích cực tạo nên bước phát triển nhanh chóng, xứng đáng với sự tin cậy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đông đảo người sử dụng Website Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Từ thành công của Dự án này có thể rút ra những bài học quý cho việc thực thi các dự án về công nghệ thông tin. Đó là: Chủ trương, quyết sách trúng; Lộ trình, giải pháp triển khai đúng; Con người quản lý, thực hiện vừa có tầm, vừa có tâm.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản, đồng thời là Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Website Chính phủ khẳng định: Dự án Website Chính phủ là một dự án triển khai quyết liệt, hiệu quả, đúng các quy định của Nhà nước, trở thành một trong những hình mẫu về triển khai các dự án đầu tư phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam.
3. Ngày 27/4/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thường trực Chính phủ giao ban truyền hình trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương qua Website Chính phủ
Sáng 27/4, tại Website Chính phủ, cũng là điểm đầu cầu trung tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi giao ban truyền hình trực tuyến đầu tiên của Thường trực Chính phủ kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ trên mạng tin học với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố tại 8 đầu cầu: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2008 và việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững tại các địa phương này. Cũng từ đây, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ thường xuyên giao ban truyền hình trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương thông qua mạng thông tin điện tử.
|
Thường trực Chính phủ giao ban truyền hình trực tuyến với lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương tại đầu cầu trung tâm Website Chính phủ
|
4. Ngày 25/6/2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, tất yếu khách quan phải nâng cấp, phát triển Website Chính phủ thành Cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo đúng lộ trình đã xác định (Giai đoạn thứ nhất: 2006-2008, cung cấp thông tin dưới dạng tĩnh. Giai đoạn thứ hai: 2008-2010, chuyển sang hoạt động theo mô hình Cổng Thông tin điện tử, với chức năng Cổng tích hợp thông tin và cơ quan báo điện tử, truyền thông đa phương tiện của Chính phủ trên internet; kết nối với một phần các website của Bộ, ngành, địa phương để hình thành mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ trên internet; cung cấp thông tin về các dịch vụ công. Giai đoạn thứ ba: Từ năm 2010, hoàn thiện và phát triển nâng cao các ứng dụng của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, theo lộ trình phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam).
Ngày 25/6/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 83/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Theo Quyết định này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ là cổng tích hợp thông tin và cơ quan báo điện tử, truyền thông đa phương tiện của Chính phủ trên Internet, có chức năng tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức của Chính phủ trên Internet; đầu mối kết nối mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ trên Internet với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cơ quan liên quan; tích hợp thông tin các dịch vụ công của Chính phủ trên Internet.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được Thủ tướng Chính phủ giao quản lý trực tiếp, toàn diện Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ.
5. Ngày 5/1/2009, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phê duyệt Phương án Kỹ thuật – Kinh tế (tổng thể) triển khai Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Phương án Kỹ thuật – Kinh tế (tổng thể) triển khai Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã được Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 5/1/2009. Theo đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ kế thừa nội dung và công nghệ từ Website Chính phủ, hướng tới thiết lập Cổng giao tiếp thông tin điện tử gồm cả Báo Điện tử Chính phủ, nhằm tổ chức thu nhận, quản lý và công bố các thông tin chính thức của Chính phủ trên Internet; tạo lập đầu mối kết nối mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ trên Internet với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cơ quan liên quan; tạo lập Cổng tích hợp thông tin các dịch vụ công của Chính phủ trên Internet. Cổng thông tin điện tử sẽ cho phép người dùng truy cập mọi lúc, mọi nơi với nhiều loại thiết bị khác nhau như trình duyệt hay thiết bị di động; kết xuất thông tin để xây dựng các báo cáo nghiệp vụ; theo dõi và quản lý an toàn, an ninh cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Cổng...
6. Ngày 10/1/2009, Website Chính phủ tròn 3 tuổi
Trải qua ba năm vận hành liên tục 24/24 giờ hàng ngày an toàn, hiệu quả cao, Website Chính phủ, nay là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã góp phần đem lại tác dụng thiết thực về chính trị, tư tưởng và hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội cho đất nước cũng như tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta. Ba năm ra đời, quãng thời gian không dài so với tuổi đời của một số cơ quan thông tin, truyền thông khác, Website Chính phủ đã được giới chuyên môn đánh giá là có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng ngoài dự kiến ban đầu. Đến nay, khối lượng rất lớn thông tin đã được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ truyền tải đến người dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế. Hàng ngày có trung bình hàng triệu lượt truy cập vào Website Chính phủ cả trang tiếng Việt, tiếng Anh và Trang tin Thủ tướng Chính phủ; có hơn 3 nghìn đơn vị vào khai thác toàn văn các văn bản pháp luật mỗi ngày.
Cho đến nay, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đăng tải lên mạng toàn cầu, đồng thời tích hợp vào Trung tâm dữ liệu điện tử của Chính phủ trên Internet hơn 21.500 văn bản quy phạm pháp luật; hơn 4.500 văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ; các dữ liệu tổng hợp về tình hình kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, chưa kể hàng chục nghìn sản phẩm dữ liệu thông tin điện tử và dữ liệu điện tử đa phương tiện được lưu trữ, khai thác trong hoạt động chỉ đạo, điều hành hàng ngày của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tiếp tục vận hành tốt 11 cửa giao tiếp với nhân dân, doanh nghiệp, đã tiếp nhận và chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương xử lý theo thẩm quyền hàng nghìn thư phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Hầu hết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, xử lý, thông báo kết quả xử lý để trả lời người dân, doanh nghiệp, một số đã được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Bằng việc cung cấp dữ liệu điện tử văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành từ Trung tâm dữ liệu điện tử của Chính phủ qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hàng năm đã tiết kiệm ngân quỹ, thời gian với giá trị rất to lớn cho người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan Nhà nước so với cách khai thác văn bản kiểu truyền thống, góp phần xóa bỏ khoảng cách về không gian và thời gian trong việc tiếp nhận các thông tin chính thống của Chính phủ, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời làm cầu nối giữa Chính phủ với nhân dân và doanh nghiệp.
Văn Hiến
(tổng hợp)