TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2003
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2003
Bước vào Quý I năm nay, nước ta phải đương đầu với một số khó khăn về hạn hán tại Tây Nguyên và miền Trung; nguy cơ cao về cháy rừng ở diện rộng; giá cả một số nguyên, vật liệu gia tăng. Tình hình kinh tế thế giới có biến động chưa lường hết do việc Mỹ và Anh đơn phương tấn công I-rắc đang có những tác động ban đầu đến thương mại, đầu tư, du lịch nước ta.
Trong bối cảnh đó, ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là trong các tháng 2 và tháng 3 năm 2003; nhờ đó, nền kinh tế vẫn duy trì được khả năng tăng trưởng khá, tốc độ tăng GDP trong quý I năm 2003 đạt khoảng 6,9%, cao hơn cùng kỳ năm 2002 là 0,4%. Các hoạt động xã hội có những chuyển biến tích cực, nhất là triển khai các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông.
Tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong quý I năm 2003 như sau:
|
Quý I-2002
|
Quý I-2003
|
(1). Tốc độ tăng trưởng GDP (%)
|
6,5
|
6,9
|
Trong đó: Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp (%)
|
3,4
|
1,2
|
Khu vực công nghiệp và xây dựng (%)
|
7,8
|
9,4
|
Khu vực dịch vụ (%)
|
6,6
|
6,6
|
(2). Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
13,8
|
15,1
|
(3) Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp (%)
|
3,8
|
1,7
|
(4) Tốc độ tăng xuất khẩu (%)
|
-12
|
43,1
|
(5) Đầu tư xã hội so với GDP (%)
|
30,9
|
34,7
|
(6) Thu Ngân sách Nhà nước (tỷ đồng)
|
26.586
|
30.414
|
Thu NSNN/dự toán (%)
|
25,3
|
24,6
|
Thu NSNN/GDP (%)
|
24,6
|
24,8
|
(7) Chi Ngân sách nhà nước (tỷ đồng)
|
29.218
|
32.286
|
(8) Bội chi ngân sách nhà nước/GDP (%)
|
2,4
|
1,5
|
(9) Lạm phát (%)
|
2,5
|
2,5
|
(10) Tạo việc làm mới (ngh. người)
|
140
|
270
|
Tình hình thực hiện kế hoạch các ngành và lĩnh vực chủ yếu:
1. Về các hoạt động kinh tế:
1.1. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (cao hơn kế hoạch đề ra), nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh; nhiều sản phẩm có mức tăng trưởng cao và tiêu thụ tốt.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3 ước tăng 13,7% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2002. Tính chung quý I/2003, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,1%, cao hơn so với cùng kỳ 1,3% (cùng kỳ năm 2002 tăng 13,8%) và vượt kế hoạch, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 11,7%; khu vực ngoài quốc doanh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao với mức tăng trưởng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,1% (cùng kỳ năm 2002 tăng 12%).
Trong quý I/2003, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tiếp tục đạt mức tăng cao và tiêu thụ tốt so với cùng kỳ năm ngoái như thép cán tăng 29,6%, gạch lát 21,3%, sứ vệ sinh 38,3%, giấy bìa các loại 15,5%, thủy sản chế biến 22,1%, bột ngọt 26,5%, đường mật các loại 25,3%, sữa hộp 15,3%, quần áo dệt kim 29%, quần áo may sẵn 61,4%, động cơ điện 38,2%, động cơ điêzen 209%, tivi các loại 30%, quạt điện dân dụng 31,7%, ôtô các loại 47%, xe máy các loại 16,9%, ắc quy 31,6%. Riêng dầu thô khai thác sau thời kỳ sụt giảm sản lượng năm trước nay đã có tăng trưởng khá: 9,5%.
Sản xuất công nghiệp tại hầu hết các địa phương (có tỷ trọng lớn) đều tăng khá so với quý I năm 2002, như: Hà Nội tăng gần 18%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,4%, Bình Dương tăng gần 36%, Đồng Nai tăng 16,5%, Hà Tây tăng 25%, Phú Thọ tăng 24%, Vĩnh Phúc tăng gần 41%, Đà Nẵng tăng 16%, Khánh Hoà tăng gần 22%, Cần Thơ tăng gần 18%.
Tuy nhiên, công nghiệp trong quý I nổi lên một số vấn đề như sau:
- Giá nhập khẩu xăng, dầu và khí đốt hóa lỏng, phôi thép, nguyên liệu sản sản thuốc... đều tăng, làm tăng chi phí đầu vào các ngành sản xuất và dịch vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, và tiêu dùng trong nước, như: Giá thép xây dựng thông thường tăng cao do giá CIF phôi thép nhập khẩu hiện tăng lên mức 285-295 USD/tấn so với mức 220 USD/tấn vào năm trước, đã tác động đến giá thép xây dựng và ảnh hưởng đến các công trình đầu tư.
Sau khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tại I-rắc, giá dầu đã giảm xuống, nhưng nay có khả năng tăng trở lại ở mức cao sẽ tác động đến sản xuất và kinh doanh trong thời gian tới. Giá bông thế giới tăng khoảng 30-40%; đồng thời chi phí đầu vào tăng do việc giá điện, xăng, dầu, nhân công tăng nên giá thành sản xuất sợi, dệt đều tăng, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành.
- Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp đang gặp nhiều thách thức do Chiến tranh giữa Mỹ và I-rắc cũng có thể làm giảm sức mua của một số thị trường xuất khẩu chủ lực và làm kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm có thể gặp khó khăn (da, giày, may mặc...).
- Một số tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước như: Hải Phòng tăng 14%, Quảng Ninh 13,8%, Hải Dương 12,6%, Thanh Hóa 9,9%, Bà Rịa - Vũng Tàu 8,8%.
Một số sản phẩm chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, như khai thác than sạch tăng 1,2%, thuốc ống 0,7%, thuốc viên 4,4%, xà phòng các loại đạt 92,8% sản lượng cùng kỳ năm trước, máy biến thế đạt 95,5%, xe đạp hoàn chỉnh đạt 69,9%, thuốc trừ sâu đạt 98,5%...
1.2. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhưng còn nhiều khó khăn về thời tiết: rét đậm ở phía bắc, hạn hán ở Tây Nguyên, Miền Trung...
Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp quý I/2003 tăng 1,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%), đây là mức đạt thấp so với kế hoạch đề ra là 5%. Trong đó nông nghiệp tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 2%), thủy sản tăng 5,4% (cùng kỳ tăng 5,5%), lâm nghiệp tăng 1,8% (cùng kỳ tăng 1,3%).
Tính đến 15/3, cả nước đã gieo cấy xong lúa Đông Xuân với diện tích 2.977 nghìn ha, xấp xỉ diện tích cùng kỳ năm trước; trong đó các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy 1.137 nghìn ha, tăng 1,5%; các tỉnh phía Nam đã kết thúc việc gieo cấy, đạt 1.840 nghìn ha (riêng đồng bằng sông Cửu Long 1.496 nghìn ha), giảm khoảng 17,6 nghìn ha do chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đến ngày 15/3, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 871 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 58% diện tích gieo cấy. Tuy nhiên, do trong thời gian qua các địa phương đã chuyển hướng sang gieo trồng những giống lúa có chất lượng cao và thời tiết năm nay không thuận lợi bằng năm trước nên năng suất lúa ước tính thấp hơn hoặc chỉ đạt 56 tạ/ha, giảm 1 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Do diện tích và năng suất đều giảm nên sản lượng toàn vùng ước đạt 8,38 triệu tấn, giảm 24,4 vạn tấn so với vụ Đông Xuân 2002. Giá lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phổ biến khoảng 1550-1700 đồng/kg, cao hơn mức giá sàn quy định khoảng 250-400 đồng/kg, nhờ đó thu nhập của nông dân tiếp tục tăng lên.
Cây màu các loại phát triển tốt, tính đến 15/3 đã gieo trồng được trên 540 nghìn ha, tăng 8,5% so với cùng kỳ; trong đó ngô tăng 18,6%, sắn tăng 14,4%, khoai lang giảm 15,2%.
Trồng rừng tập trung quý I/2003 ước đạt 55,3 nghìn ha, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm trước. Trồng cây phân tán được phát động rộng rãi. Trong quý I đã trồng được 47,6 triệu cây, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Khai thác gỗ ước tăng 1,3% do các địa phương tiếp tục khai thác theo chỉ tiêu năm 2002 chuyển sang và đẩy mạnh việc khai thác nguyên liệu giấy, nguyên liệu gỗ ván ép.
Ngành thủy sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Tổng sản lượng thủy sản quý I ước đạt trên 661 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khai thác hải sản ước đạt trên 462 nghìn tấn, tăng 2,8%; nuôi trồng thủy sản và khai thác nội địa đạt gần 199 nghìn tấn, tăng 8,3%.
Nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm, đang nổi nên như là một mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tỷ trọng thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng ngày càng tăng. Trong quý I/2003, số đơn vị sản xuất và dịch vụ thủy sản trong vùng đều tăng nhanh; đến nay đã có khoảng 250 nghìn hộ số hộ làm nghề thủy sản (hộ có thu nhập chính từ thủy sản), chiếm 79% số hộ thủy sản cả nước. Trong vùng, đã có 12.100 trang trại nuôi trồng thủy sản (chiếm 75% số trang trại cả nước), bình quân 3,2 ha/ 1 trang trại; nhờ vậy, trong quý I/2003, các tỉnh trong vùng đã chuyển đổi được trên 23 nghìn ha trồng lúa sang nuôi tôm. Ngoài ra, các tỉnh trong vùng còn khai hoang, phục hóa khoảng 10 nghìn ha đất ven biển để xây dựng các vùng chuyên canh tôm.
Đến nay đã có 17 trong tổng số 19 tỉnh, thành phố có đê từ Hà tĩnh trở ra đã triển khai công tác tu bổ đê kè hàng năm. Đã đào đắp gần 452 nghìn m3 đất, đạt trên 24% kế hoạch, xây lát 54 nghìn m3 đá kè, đạt 38% kế hoạch. Các địa phương có tiến độ đắp đê cao như Hải Dương đạt 78%, Hà Nội 59%, Vĩnh Phúc 44%, Nghệ An 43% kế hoạch. Cùng với đắp đê, làm kè các địa phương đang tích cực trồng tre chắn sóng, gia cố thân đê, duy tu các công trình thủy lợi...
Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đang đứng trước khó khăn do thiên tai:
Nổi cộm nhất là tình hình thiếu nước và nạn hạn hán nặng nề đang diễn ra trên các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. ở Tây Nguyên, diện tích lúa Đông Xuân bị hạn khoảng 5.780 ha, trong đó 860 ha (của Đắc Lắc) có khả năng bị mất trắng; 1.230 ha rau màu bị thiếu nước, riêng ở Đắc Lắc có 27.650 ha cà phê bị thiếu nước. Nếu từ nay đến đầu tháng 4/2003 không có mưa, diện tích lúa Đông Xuân bị hạn sẽ tăng thêm khoảng 2.800 ha, diện tích cà phê bị hạn tăng thêm gần 13 nghìn ha.
Do hạn hán, nạn cháy rừng đã xảy ra ở nhiều nơi, sơ bộ ước tính từ đầu năm đến 17/3 đã xảy ra 175 vụ cháy rừng, với diện tích bị cháy hơn 1.075 ha.
Do chiến tranh Mỹ-Irắc nên một số sản phẩm nông nghiệp của nước ta xuất sang Irắc gặp khó khăn như gạo, chè, sữa... sẽ tác động đến đời sống của nông dân và công nhân của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
1.3. Các hoạt động dịch vụ phát triển khá, thị trường trong nước tiếp tục sôi động.
Thị trường trong nước quý I diễn ra sôi động hơn mọi năm, hàng hóa tiêu thụ tốt, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của nhân dân do sức mua của dân cư tăng và chất lượng, mẫu mã hàng hóa được cải thiện đáng kể. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I ước đạt 75.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2002, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng trên 6%.
Các hoạt động vận tải về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và nhu cầu đi lại của dân cư. Vận tải hàng hóa quý I tăng 4,4% so với cùng kỳ về tấn vận chuyển và tăng khoảng 2% về tấn luân chuyển. Vận tải hành khách tăng 4,6% so với cùng kỳ về hành khách vận chuyển và tăng 9,1% về hành khách luân chuyển.
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, du lịch sinh thái kết hợp với thăm quan nghỉ dưỡng, giao lưu văn hóa có chất lượng và tăng cường quảng bá để thu hút khách. Trong quý I ước đón được 71 vạn lượt khách quốc tế, bằng 25,2% kế hoạch năm và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2002 (mặc dù trong tháng 3 đã xẩy ra dịch viêm đường hô hấp ở Bệnh viện Việt - Pháp có ảnh hưởng đến người du lịch đến Việt Nam); khách du lịch nội địa ước đạt trên 3,5 triệu lượt người, bằng 25,1% kế hoạch và tăng 5% so với cùng kỳ. Doanh thu xã hội từ du lịch quý I ước đạt 6.300 tỷ đồng, bằng 25,2% kế hoạch và tăng 7,3% so với cùng kỳ; trong đó ngoại tệ 315 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ.
Dịch vụ bưu chính viễn thông và thông tin liên lạc tiếp tục tăng trưởng nhanh và ngày càng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Trong quý I/2003, số máy điện thoại thuê bao tăng thêm hơn 350 nghìn máy, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng số máy điện thoại cả nước lên hơn 5,9 triệu máy. Số đăng ký thuê bao sử dụng internet trong quý I tăng thêm 34,3 nghìn thuê bao, tăng 20% so với cùng kỳ. Doanh thu từ dịch vụ viễn thông đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng doanh thu thấp là do trong quý I/2003, cước điện thoại quốc tế giảm 15% và cước thuê kênh liên lạc giảm 20% so với cùng kỳ.
Tính chung cả quý giá trị các ngành dịch vụ tăng 7,1%, đạt mức kế hoạch cả năm đề ra là 7-7,2%.
Tuy nhiên, trong hoạt động dịch vụ nổi lên một số khó khăn sau:
- Ngành vận tải đã và đang gặp khó khăn do nhiều loại phí tăng, giá nhiên liệu biến động và tăng mạnh, làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Đáng chú ý là do chiến tranh I-rắc đã xảy ra nên các hoạt động trên đường biển tuyến Trung Đông đã bị ngừng trệ; do đó không thể thực hiện được các hợp đồng vận tải đã ký.
- Nếu chiến tranh kéo dài, số lượng khách quốc tế sẽ giảm, nhất là khách du lịch từ Mỹ, Châu Âu... có khả năng chi trả cao.
- Mạng lưới thương mại giữa các tỉnh, các vùng, mối liên kết giữa thành thị và nông thôn đều nằm trong thời kỳ sắp xếp lại, thiếu các trung tâm thương mại bán buôn lớn, các chợ đầu mối bảo đảm tiêu thụ tốt hàng hóa nông sản cho nông dân.
- Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém phẩm chất vẫn còn xẩy ra nhiều, gây áp lực cho thị trường trong nước.
1.4. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá của các tháng cuối năm 2002.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt 1.600 triệu USD, tăng 23,7% so với tháng trước; trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 480 triệu USD, tăng gần 46% so với tháng 2. Tính chung kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 4.665 triệu USD, đạt bình quân hơn 1.555 triệu USD/tháng, bằng 26% kế hoạch năm và tăng 43,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ xuất khẩu giảm 10%); trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 1.251 triệu USD, tăng 35,1%.
Nhìn chung, trong quý I/2003, nhiều mặt hàng trong số 20 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều tăng về kim ngạch và khối lượng xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2002; trong đó các mặt hàng công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao, mở ra những triển vọng rất thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch xuất khẩu đề ra.
Một số mặt hàng đã tăng cao so với cùng kỳ là hạt điều tăng 55,2%, hàng thủy sản tăng 29,3%, hàng dệt may tăng 90,6%, hàng giày dép tăng 32,3%, hàng điện tử tăng 28,1%, máy vi tính và linh kiện điện tử tăng 14,5%, dây điện và dây cáp điện tăng 81,5%, sản phẩm nhựa tăng 52,4%, sản phẩm gỗ tăng 2 lần, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 7,1%. Các mặt hàng có khối lượng xuất khẩu tăng nhanh là gạo tăng 77,7%, cao su tăng 9,4%, dầu thô tăng 2,5%.
Tuy nhiên vẫn còn một số mặt hàng xuất khẩu có khối lượng hoặc kim ngạch xuất khẩu giảm: về khối lượng cà phê giảm 32,2, lạc nhân giảm 70%, than đá 4,8%; về kim ngạch, xuất khẩu rau quả giảm 30,2%, hạt tiêu giảm 10%, xe đạp và phụ tùng xe đạp 16,7% so với cùng kỳ năm 2002.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 1.670 triệu USD, tăng 6,8% so với tháng trước; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 570 triệu USD, tăng 9,4% so với tháng 2.
Tính chung quý I/2003, kim ngạch nhập khẩu đạt 4.863 triệu USD, bằng 23,2% kế hoạch năm và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.621 triệu USD, tăng 23,7%.
Các mặt hàng nhập khẩu quý I/2003 có kim ngạch hoặc khối lượng tăng cao so với cùng kỳ năm 2002 đều tập trung vào nhóm máy móc, nguyên vật liệu chủ yếu phục vụ cho sản xuất và đầu tư: về lượng, nhập khẩu phân bón các loại tăng 12,5%, giấy các loại tăng 9%, chất dẻo nguyên liệu tăng 1,7%; về kim ngạch, máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 23,7%, linh kiện và phụ tùng ô tô tăng 16,2%, linh kiện xe máy CKD, IKD tăng 33,3%, hóa chất tăng 13,2%, nguyên phụ liệu dệt, may, da tăng 19,7%, vải tăng 30,8%, máy vi tính và linh kiện tăng 41,8%.
Tuy nhiên, một số mặt hàng có khối lượng hoặc kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như: lượng nhập khẩu thép các loại giảm 4,6%, trong đó phôi thép giảm 23,9%, bông các loại giảm 42,3%, sợi các loại giảm 19%; về kim ngạch, nhập khẩu linh kiện điện tử giảm 5,4%. Đáng lưu ý là trong khi số ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm tới 40,3% trong quý I thì số xe máy nguyên chiếc nhập khẩu đã tăng tới 167% và kim ngạch nhập khẩu, linh kiện xe máy CKD, IKD tăng tới 33,3% so với cùng kỳ.
Riêng khối lượng nhập khẩu xăng dầu giảm 6,3% so với cùng kỳ do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nên các doanh nghiệp đã phải nhập khẩu cầm chừng để hạn chế thua lỗ. Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu, trong quý I/2003, Nhà nước đã giảm thuế nhập khẩu, đồng thời tăng giá bán xăng dầu và bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
1.5. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt khá, nhất là nguồn vốn đầu tư của dân cư, tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm được bảo đảm.
Ước thực hiện các nguồn vốn đầu tư phát triển quý I/2003 khoảng 19,8% so với dự kiến kế hoạch, tăng 27% so cùng kỳ năm 2002. Tổng vốn đầu tư xã hội huy động trong quý I bằng 34,7% GDP, là mức đạt khá so với nhiều năm qua. Cụ thể là:
Vốn Ngân sách Nhà nước ước đạt 23,3% kế hoạch, tăng 12,2% so với cùng kỳ; vốn được tập trung cho các dự án quan trọng như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, các cầu Bãi Cháy, Cần Thơ, Thanh Trì; các công trình thể thao phục vụ Seagames 22; các công trình thủy lợi đầu mối, đắp đê phòng chống lũ…
Vốn của các doanh nghiệp Nhà nước đạt 22,3% kế hoạch, tăng 32% so với cùng kỳ.
Việc thu hút vốn ODA có tiến bộ, từ đầu năm tới 18/3 2003 nguồn ODA được hợp thức hóa bằng việc ký kết các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt trị giá 161,5 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 125,7 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 38,8 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2002, khoản vay có giá trị lớn đã ký kết là Chương trình phát triển khu vực tài chính - ngân hàng lần thứ II (FSPLII) trị giá 75 triệu USD, và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 trị giá 45 triệu USD vay vốn ADB.
Trong 3 tháng đầu năm 2003, ước giải ngân ODA đạt khoảng 275 triệu USD, đạt 16% kế hoạch năm; trong đó vốn vay khoảng 236 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 39 triệu USD. Trong tổng mức giải ngân ODA 3 tháng, riêng vốn vay ODA của 3 nhà tài trợ lớn nhất (JBIC, WB, ADB) đạt khoảng 195 triệu USD, chiếm 71% tổng giá trị giải ngân.
Vốn đầu tư của khu vực dân cư tăng mạnh, ước thực hiện quý I đạt 21,8% so với dự kiến, tăng 30,2% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2003 có khoảng 3.079 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 5.800 tỷ đồng, tăng 6% về số doanh nghiệp và tăng 41% về số vốn. Mức vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp gần 1,9 tỷ đồng (mức vốn bình quân một doanh nghiệp đăng ký cùng kỳ năm 2002 trên 1,4 tỷ đồng).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện khoảng 380 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ và bằng 16,4% kế hoạch năm. Trên địa bàn cả nước, tính từ đầu năm đến ngày 18/3/2003, đã có thêm 79 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép, với tổng số vốn đăng ký 178,6 triệu USD. Vốn đầu tư nước ngoài thu hút trong quý I tập trung vào khu vực công nghiệp và xây dựng với 61 dự án (chiếm 77,2% số dự án) và vốn đăng ký 136,2 triệu USD (chiếm 76,4% tổng vốn đầu tư). Tuy nhiên, khu vực dịch vụ cũng thu được một lượng vốn và dự án đáng kể (13 dự án với số vốn đăng ký 32,1 triệu USD). Riêng vốn nước ngoài thu hút vào khu vực nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp vẫn thấp, chỉ có 5 dự án với vốn đăng ký 9,7 triệu USD.
Các dự án đầu tư nước ngoài trong quý I/2003 vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực kinh tế phía Nam. Riêng Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được 46 dự án với tổng số vốn đăng ký là 96,4 triệu USD. Cũng trong quý I/2003, đã có 64 dự án được tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt 182,6 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
1.6. Thu ngân sách Nhà nước có chuyển biến tích cực, ước quý I đạt 24,6% dự toán năm, tăng 14,4% so với cùng kỳ và bằng 24,8% GDP.
Thu nội địa (không kể dầu thô) tăng 13,2% so với cùng kỳ, trong đó thu khu vực ngoài quốc doanh tăng cao, đạt 27,8%, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 20,6%, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16%, thu phí tăng 22,9%. Riêng thu về dầu thô đạt 30,6% dự toán năm và tăng 19%, nhờ giá dầu thô tăng cao.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 30,6% dự toán năm và tăng 13,4% so với cùng kỳ (nếu chưa kể số hoàn thuế, thì thu từ hoạt động này chỉ bằng 23,1% dự toán năm và tăng 9,3% so với cùng kỳ).
Tổng chi Ngân sách Nhà nước quý I/2003 ước đạt 20,4% dự toán năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 17,9% dự toán năm và giảm 3,8% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên đạt 24% dự toán năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ. Các khoản chi theo chế độ, chính sách, chi trả một lần cho người có công với cách mạng, chi điều chỉnh tăng lương… đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 có một số biến động, giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, thép, xi măng, phân bón, giá cước vận chuyển, giá thuốc chữa bệnh....tăng và dao động ở mức cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát được của Nhà nước. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 giảm 0,6% so với tháng 2 năm 2003; điều đáng chú ý là giá hàng lương thực, thực phẩm giảm 1,9%, trong khi giá vật liệu xây dựng tăng 1,9%, giá dược phẩm, y tế tăng 8,1%.
Tính chung cả quý I, giá tiêu dùng tăng 2,5% so với tháng 12 năm 2002, bằng cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3%, giá dược phẩm và y tế tăng 9,4%, phương tiện đi lại và bưu điện tăng 6%.
Giá vàng trong tháng 3 giảm 1,2% so với tháng trước nhưng tính chung cả 3 tháng đầu năm tăng khá cao (9,3%); giá đô la Mỹ tương đối ổn định, tháng 3 không tăng so với tháng 2 và 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,4%.
2. Về các hoạt động xã hội
2.1 Ngành giáo dục đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ quan trọng trong năm 2003 như triển khai kế hoạch xoá ca 3 và thanh toán phòng học tạm, chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa lớp 2 và lớp 7 mới trong năm học 2003 - 2004 và đổi mới công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Riêng đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2003 – 2004, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hành rộng rãi cuốn sách Những điều cần biết trong kỳ thi đại học, cao đẳng 2003 - 2004; quyết định tổ chức thi 3 chung: chung đề, chung đợt (hai đợt cho đại học, một đợt cho cao đẳng) và dùng chung kết quả thi, để tuyển mới khoảng 181 nghìn học sinh đại học, cao đẳng.
2.2. Trong quý I, số lao động được giải quyết việc làm ước khoảng 27 vạn người, bằng 18% kế hoạch và gấp trên 2 lần so với cùng kỳ năm 2002. Trong đó, Quỹ Quốc gia Hỗ trợ việc làm đã giải quyết việc làm cho khoảng 4,5 vạn người (thông qua việc cho 300 dự án nhỏ vay vốn, với số vốn cho vay là 125 tỷ đồng); xuất khẩu lao động trên 1,8 vạn người, bằng 36% kế hoạch năm, chủ yếu sang Malaixia (7,5 nghìn người), Đài Loan (4 nghìn người), Hàn Quốc, Nhật Bản...
2.3. Công tác cứu trợ xã hội, trong quý I/2003, thiệt hại do thiên tai khoảng 12,6 tỷ đồng, có 37 người bị thương, 55 nhà bị đổ hoặc bị cuốn trôi; 48 nhà bị cháy. Các địa phương đã chủ động trích ngân sách cứu trợ các gia đình bị thiệt hại.
Các hoạt động vận động giúp đỡ người nghèo, người thuộc diện cứu trợ xã hội đã được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp quan tâm, đẩy mạnh hơn các năm trước. Nhiều địa phương trong vùng bị thiên tai đã chủ động trích ngân sách cứu trợ cho các gia đình bị thiệt hại. Hoạt động tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh nặng đã trở thành phong trào.
Việc huy động tiền cho các hoạt động từ thiện (Quỹ vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam) cũng được đẩy mạnh, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ủng hộ.
2.4. Công tác phòng chống dịch bệnh đã được ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh, các bệnh dễ gây dịch đều giảm so với năm 2002. Tuy nhiên, trong tháng 3 đã xuất hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus gây ra. Tính đến ngày 25/3, đã có 62 người mắc bệnh; trong đó đã có 4 người tử vong và 1 người đang trong tình trạng nguy kịch. Bộ Y tế đã thành lập Ban đặc nhiệm phòng chống dịch để theo dõi diễn biến tình hình và đề ra biện pháp phòng chống kịp thời, tiến hành kiểm tra giám sát tình hình, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang bị và các cơ số thuốc, phòng chống dịch. Đồng thời, tổ chức diễn tập, hướng dẫn thực hiện cách phòng chống bệnh dịch này. Đến nay, về cơ bản đã khống chế và kiểm soát được bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus gây ra.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn ở mức cao; từ đầu tháng 3 đến 20 tháng 3/2003, đã phát hiện thêm 1496 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm trong cả nước lên 62.611 người. Trong tháng 3, đã có 186 trường hợp nhiễm HIV chuyển sang AIDS, nâng tổng số bệnh nhân AIDS lên 9679 người. Số chết do AIDS trong tháng 3 là 114 người; tổng số người chết do AIDS đến 20/3 là 5339 người. Nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao vẫn tập trung vào các đối tượng tiêm chích ma tuý, gái mại dâm và bệnh nhân lao; đối tượng chính vẫn là nam giới.
Một vấn đề y tế khác cũng được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội trong tháng 3 là giá tân dược tăng, việc quản lý thuốc tây trong thời gian qua bị buông lỏng; nguồn gốc, chất lượng và giá cả các loại thuốc không được kiểm soát chặt chẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
2.5. Hoạt động thể dục thể thao
Hoạt động thể dục thể thao diễn ra sôi nổi trong cả nước, các đội tuyển đang tích cực luyện tập, phấn đấu đạt thành tích cao tại Seagaemes 22. Hầu hết các đội tuyển đã tập trung luyện tập từ trước Tết Nguyên đán để đảm bảo kế hoạch.
Uỷ ban Thể dục Thể thao đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tiểu ban phục vụ Seagames 22... gấp rút hoàn thành kế hoạch tổ chức Seagaemes 22 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Uỷ ban thể dục thể thao cũng đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin, Đài truyền hình Việt Nam chuẩn bị các phương án tổ chức tuyên truyền cho Seagames 22.
Đến nay, các công trình phục vụ Seagaemes đang được thực hiện đúng tiến độ. Vốn đầu tư cho các công trình này đã được phân bổ ngay từ đầu năm.
2.6. Về khắc phục việc ùn tắc và tai nạn giao thông
Sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nhìn chung tình hình đã có chuyển biến tích cực đáng khích lệ.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã kiên quyết xử lý những sai phạm trong an toàn và trật tự giao thông. Nhờ vậy, tình hình an toàn và trật tự giao thông bước đầu đã được lập lại trật tự ở các thành phố lớn. Riêng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nút giao thông trước đây ùn tắc triền miên vào giờ cao điểm đến nay đã giảm. Số vụ tai nạn giao thông trong các tháng 1, 2 giảm so với cùng kỳ năm 2002 (tháng 1 giảm 12,2%, tháng 2 giảm 21,3%). Bước đầu lập lại trật tự an toàn giao thông, nhất là ở các thành phố lớn và ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao hơn.
Nhìn chung lại, tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu kế hoạch đạt được mức cao; nổi bật là sản xuất công nghiệp tăng khá (15%), hoạt động dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực (tăng 7,1%), kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh (tăng 43%), nguồn lực phát triển đã được huy động nhiều hơn (bằng 34,7% GDP), nhất là nguồn vốn dân cư, thu ngân sách đạt tăng khá (đạt 24,8% dự toán), các mặt xã hội có nhiều tiến bộ, nhất là việc lập lại trật tự an toàn giao thông...
Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước hiện nay, thách thức để thực hiện nhiệm vụ năm 2003 còn rất lớn, đó là:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tuy đạt được mức cao (6,9%) so với quý I/2002 (quý I/2002 tăng 6,5%), nhưng vẫn không bằng quý IV năm 2002 là 7,4% và vẫn thấp hơn kế hoạch đề ra là 7-7,5%, đòi hỏi phải nỗ lực hơn trong các quý còn lại để đạt được mục tiêu đề ra.
Nổi cộm trong quý I là sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do rét đậm ở phía Bắc trong tháng đầu năm và hiện nay hạn hán đang xẩy ra nghiêm trọng ở miền Trung và Tây Nguyên và một số nơi trong cả nước... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, làm giảm tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Giá trị sản xuất của toàn ngành đạt thấp (1,7%), nếu không có biện pháp mạnh mẽ thì sẽ khó đạt mức kế hoạch đề ra là 5%.
Giá một số nguyên vật liệu để sản xuất, xây dựng như thép, phân bón, cước vận tải, thuốc chữa bệnh... đang có những biến động trong những ngày gần đây, nhất là việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua đang có những tác động đến sản xuất, và đời sống của dân cư.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong các tháng tới cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, triển khai thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng của chiến tranh I-rắc tới sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của nền kinh tế nước ta.
Trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động do cuộc chiến tranh ở I-rắc, cần thường xuyên theo dõi giám sát sự biến động của giá cả, nhất là giá nguyên liệu, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất và kịp thời xử lý khi có những biến động lớn. Theo dõi sát sao các diễn biến trên thị trường ngoại hối quốc tế và cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối trong nước để kịp thời có những biện pháp điều hành phù hợp nhằm duy trì chính sách tỷ giá ổn định, bảo đảm mục tiêu vừa ổn định kinh tế, vừa hỗ trợ được xuất khẩu.
Đối với các nhóm sản phẩm nông, công nghiệp chế biến, tìm các biện pháp giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí đầu vào, nhất là các đầu vào nhập khẩu; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có chất lượng tương đương, nhưng giá rẻ hơn để sản xuất cho tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia công các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tìm thêm thị trường mới, mở rộng hạn ngạch hàng dệt may với EU để thúc đẩy sản xuất công nghiệp.
Khẩn trương rà soát lại các loại phí, lệ phí đang áp dụng để bãi bỏ các loại phí không cần thiết. Giảm hợp lý một số loại chi phí đầu vào như viễn thông, dịch vụ cảng biển, sân bay... bằng hoặc thấp hơn các nước trong khu vực để giám giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Cải tiến trình tự thủ tục thu phí và lệ phí nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi lãng phí của doanh nghiệp.
Tìm các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng một số ngành sản phẩm quan trọng như than sạch khai thác, xi măng, duy trì mức tăng ở các nhóm ngành hàng khác thông qua các biện pháp kích cầu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Về cơ cấu theo vùng lãnh thổ cần chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ở các trung tâm kinh tế lớn, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hai là, chỉ đạo ráo riết việc thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu.
Mặc dù quý I/2003, xuất khẩu tăng cao, nhưng để đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm tối thiểu 18 tỷ USD, thì kim ngạch xuất khẩu bình quân các tháng trong quý II ít nhất cũng đạt trung bình 1,5 tỷ USD/tháng; đây là mục tiêu cao, đòi hỏi cần tăng cường chất lượng điều hành kế hoạch xuất khẩu hàng tháng, tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn nhằm đẩy nhanh xuất khẩu một số mặt hàng còn có khả năng tăng nhanh và có thị trường như dầu thô, than đá, gạo...
Đẩy mạnh công tác tiếp thị, tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế thị trường I-rắc đối với các mặt hàng gạo, sữa, dầu ăn, chè khô, và một số mặt hàng tiêu dùng khác. Cần đẩy nhanh việc tìm kiếm thêm thị trường để xuất khẩu gạo, tập trung vào thị trường Trung Quốc, Mianma, Băng La Đét, Nga, Đông Âu.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời cung cấp thông tin về giá cả, thị trường trong và ngoài nước đến các doanh nghiệp.
Ba là, tập trung chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ thi công của các dự án quan trọng có thể hoàn thành trong năm.
Các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán, đẩy nhanh việc cấp phát vốn từ ngân sách nhà nước. Rà soát lại việc thực hiện các dự án đầu tư, điều chỉnh vốn của các công trình xét thấy không có khả năng thực hiện để tập trung cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2003 nhưng còn thiếu vốn.
Bảo đảm đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA. Giải quyết ngay những vướng mắc cốt lõi trong việc giải phóng mặt bằng để bảo đảm giải ngân ODA theo đúng tiến độ, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án lớn quan trọng.
Huy động đủ nguồn vốn để cho vay, tập trung trước hết cho các dự án nhóm A, các dự án chuyển tiếp, bảo đảm đúng tiến độ. Đẩy nhanh quy trình cho vay thông qua việc nâng cao năng lực của cán bộ thẩm định dự án, cải tiến quy trình thủ tục ký kết hợp đồng cho vay vốn, phân cấp mạnh cho các chi nhánh tại các tỉnh, thành phố quyết định cho vay.
Tăng cường khâu kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị 08/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác giám định đầu tư, phân tích, đánh giá hoạt động đầu tư, kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề tồn tại, phát sinh, các tổ chức và cá nhân không thực hiện đúng qui định về quản lý đầu tư và xây dựng.
Tiếp tục thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp. Củng cố tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp để nhanh chóng giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả.
Tập trung làm tốt hơn các thông tin tuyên truyền về đầu tư nước ngoài kể cả tuyên truyền luật pháp chính sách, tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cải tiến mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài theo hướng tiếp tục đơn giản hóa việc cấp phép đầu tư, mở rộng phạm vi các dự án thuộc diện đăng ký cấp phép đầu tư.
Thường xuyên rà soát các dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư để có những biện pháp thích hợp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Rà soát các quy định về tạm dừng hoặc hạn chế cấp giấy phép đầu tư nước ngoài để xem xét, nới lỏng điều kiện đầu tư phù hợp với lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập khu vực và quốc tế. Chuẩn bị ký Hiệp định bảo hộ đầu tư với Nhật bản. Chú trọng hơn thu hút đầu tư từ Nhật bản và EU.
Bốn là, tìm các biện pháp hữu hiệu phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả hạn hán và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Các tỉnh vùng gập lũ đồng bằng sông Cửu Long phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng gập lũ... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa nước nổi sắp tới.
Dự báo ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết E-ni-nô trong các tháng tới để có biện pháp chủ động đối phó như rà soát ngay các phương án phòng chống thiên tai, củng cố bồi trúc đê điều ở những nơi xung yếu.
Năm là, tăng cường các biện pháp về hành chính và kinh tế để quản lý tốt thị trường, quản lý xã hội.
Trong lúc giá cả một số mặt hàng trên thị trường có dao động, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, nhất là chống tình trạng lợi dụng khan hiếm tạm thời để nâng giá bán thu lời bất chính như đã xảy ra đối với xăng dầu, thuốc chữa bệnh như trong những tháng qua. Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu trốn thuế qua biên giới và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Thực hiện văn minh thương nghiệp, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết.
Tăng cường quản lý thị trường dược phẩm. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản pháp quy về quản lý giá thuốc, hướng dẫn việc ghi giá bán lẻ trên nhãn, quy định khung giá mã số loại vắc xin. Bộ Y tế có biện pháp xử lý với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thuốc đầu cơ trục lợi, tăng giá thuốc không hợp lý gây nên biến động lớn về thị trường thuốc trong thời gian qua.
Phát huy thành quả đạt được về giảm tai nạn giao thông trong quý I/2003, cần tiếp tục duy trì thường xuyên thực hiện các giải pháp kiềm chế, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Kiên quyết xử lý những sai phạm về giao thông và cần huy động, động viên mọi lực lượng, đoàn thể tham gia lập lại trật tự an toàn giao thông, nhất là ở các thành phố lớn; tăng cường giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư