Tình hình sản xuất quý I diễn biến trong điều kiện trong nước và thế giới có những khó khăn. Trong nước, rét đậm và khô hạn ở nhiều tỉnh phía Bắc, mưa lũ ở Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long; dịch rầy nâu phát triển trên diện rộng ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thị trường thế giới tiếp tục biến động, nhất là giá dầu thô và một số nguyên liệu vẫn tăng hoặc đứng ở mức cao gây áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào trong nước. Tuy vậy, ngay từ đầu năm, nhờ Chính phủ đã có sự điều hành sát sao và sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển và ổn định. Trên cơ sở số liệu thống kê 2 tháng đầu năm và số liệu ước tính tháng 3, Tổng cục Thống kê khái quát tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2006 như sau:
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Các chỉ tiêu tổng hợp
Tổng sản phẩm trong nước quý I/2006 ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 7,3% đã đạt được trong quý I/2005, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,1%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 4,3% của năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,7%; khu vực dịch vụ tăng 7,4%. Trong 7,2% tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,3 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 3,7 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ đóng góp 3,2 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2006 có mức tăng trưởng tương đối thấp so với mức tăng 4,3% của quý I/2005, chủ yếu do nông nghiệp trong quý I tăng không đáng kể, lâm nghiệp tăng thấp; riêng thuỷ sản tăng ở mức 7,7%, nhưng tỷ trọng còn nhỏ nên vẫn không kéo được mức tăng chung cho cả khu vực.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng nhẹ so với mức tăng trưởng 8,5% của quý I năm trước, chủ yếu do giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến tăng 16%, cao hơn mức tăng của quý I/2005, trong khi ngành công nghiệp khai thác mỏ chỉ tăng 2,6% (quý I/2005 tăng 4,3%) và công nghiệp sản xuất, phân phối điện, ga và nước tăng 12,5% (Quý I/2005 tăng 11,8%). Tăng trưởng của ngành xây dựng đạt 8,1%.
Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng quý I năm nay là 7,4%, cao hơn mức tăng 7,2% của quý I/2005 và mức tăng 6,3% của quý I/2004. Một số ngành dịch vụ kinh doanh có tỷ trọng lớn đều duy trì được mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của khu vực dịch vụ: Thương nghiệp tăng 7,7%; khách sạn, nhà hàng tăng 9,5%; vận tải, bưu điện, du lịch tăng 9,1%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,4%.
Kinh tế tăng trưởng cao và giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trên thị trường quốc tế đã góp phần tích cực vào tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2006 ước tính đạt 23,5% dự toán cả năm, trong đó thu nội địa đạt 23%; thu từ dầu thô 24,8%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 23%. Trong các khoản thu nội địa chủ yếu, thu từ kinh tế quốc doanh đạt 23,9% dự toán năm, thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể thu từ dầu thô) 19,4%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 25,9%; thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao 27,1%; thu về nhà đất đạt 19,1%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước quý I/2006 ước tính đạt 22,1% dự toán cả năm; trong đó chi thường xuyên đạt 23,9%; chi cho đầu tư phát triển đạt 20,8%. Trong chi thường xuyên, chi sự nghiệp kinh tế đạt 25,2% dự toán cả năm; những khoản chi lớn và quan trọng khác đạt tỷ lệ phổ biến 23-24%. Bội chi ngân sách quí I ước tính bằng 19% mức bội chi dự kiến cả năm, trong đó được bù đắp bằng nguồn vay trong nước là 74% và vay nước ngoài 26%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông nghiệp đầu năm nay gặp một số khó khăn như khô hạn ở một số địa phương phía Bắc, mưa lũ ở Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long và sâu bệnh phát triển ở các tỉnh phía Nam làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2006 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 2,4% so với quý I/2005, trong đó nông nghiệp tăng 1,04%; lâm nghiệp tăng 0,2%; thuỷ sản tăng 7,93%.
Gieo cấy lúa đông xuân: tính đến ngày 15/3/2006 đạt 2946,5 nghìn ha, bằng 102,1% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc 1111 nghìn ha, bằng 100,1%; các địa phương phía Nam gieo sạ 1835,5 nghìn ha, bằng 103,3%. Thu hoạch lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam đạt 934,8 nghìn ha, bằng 76,9% cùng kỳ năm 2005, trong đó đồng bằng sông Cửu Long 895,8 nghìn ha, chiếm 60% diện tích xuống giống và bằng 74,6%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất toàn vùng năm nay thấp hơn so với năm trước, sản lượng ước tính đạt 8,8 triệu tấn, giảm 182 nghìn tấn.
Gieo trồng các loại cây khác đạt khá so với cùng kỳ năm trước: Cả nước đã gieo trồng được 379,4 nghìn ha ngô, bằng 104,1% cùng kỳ năm trước; 104,9 nghìn ha khoai lang, bằng 97,4%; 148,5 nghìn ha lạc, bằng 92,9%; 76,7 nghìn ha đậu tương, bằng 109,4% và 334,3 nghìn ha rau, đậu, bằng 97,7%.
Chăn nuôi trong quý I năm nay phát triển khá so với cùng kỳ năm trước, ước tính đàn bò cả nước tăng 7%; đàn lợn tăng 5%, chất lượng được nâng lên theo hướng nạc hoá; đàn gia cầm tăng 1-2%, dịch cúm gia cầm đã được khống chế trên cả nước sau 3 tháng kể từ khi phát dịch, sản phẩm thịt và trứng gia cầm đến nay đã được phép lưu thông trên thị trường, nhiều hộ bắt đầu khôi phục lại đàn dẫn đến nhu cầu con giống tăng cao, hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai tiêm phòng vắc xin đợt I.
Lâm nghiệp quý I năm nay tăng nhẹ so với quý I/2005: Diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 38,7 nghìn ha, tăng 0,2%; trồng cây phân tán 61,4 triệu cây, bằng 100,2%; riêng sản lượng gỗ khai thác 477,7 nghìn m3, bằng 99,9%. Diện tích rừng bị thiệt hại 217,2 ha, giảm mạnh và chỉ bằng 10% cùng kỳ năm trước, do công tác bảo vệ rừng được quan tâm và thực hiện tốt hơn, trong đó diện tích rừng bị cháy 88,2 ha. Tuy nhiên hiện tượng đốt, phá rừng làm nương rẫy vẫn xảy ra rải rác ở một số địa phương như: Đắk Nông, Bình Phước...
Sản lượng thuỷ sản quý I năm nay ước tính đạt 828 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tăng 6,4%; tôm tăng 10,7%. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển khá nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến xuất khẩu, sản lượng quý I/2006 đạt 284,5 nghìn tấn, tăng 12,9% so với quý I/2005, trong đó cá tăng 12,9%; tôm tăng 14,4%. Thuỷ sản khai thác quý I năm nay đạt 543,5 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển 496,4 nghìn tấn, tăng 3,5%.
3. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2006 ước tính đạt 118,2 nghìn tỷ đồng, giá 1994, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2005, do sản xuất công nghiệp tháng 3 năm nay tăng thấp hơn so với mức tăng của tháng 3 năm trước và thấp hơn mức tăng 2 tháng đầu năm, đã kéo nhịp độ tăng chung của cả quý I giảm xuống, thấp hơn cả mức tăng của hai tháng, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 6,9% (các doanh nghiệp Nhà nước do trung ương quản lý tăng 9,9%, trong khi doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý giảm 0,2%); kinh tế ngoài Nhà nước tăng 20,4% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,3% (dầu khí giảm 2,2%, các ngành khác tăng 21,3%).
Trong các ngành, công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,6% so với quý I/2005 (than sạch khai thác tháng 3 chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nên quý I/2006 tăng 15,8%; dầu thô khai thác tháng 3 giảm 0,1% nên quý I/2006 chỉ bằng 96,7% quý I/2005; khí đốt thiên nhiên tháng 3 giảm 4,5% nên quý I/2006 chỉ tăng 2,3%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước tăng 12,5% (trong đó sản lượng điện phát ra tăng 12%); công nghiệp chế biến tăng 16%. Trong các sản phẩm chủ yếu của công nghiệp chế biến, sản phẩm dệt, may quý I năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Vải lụa tăng 27,9%, quần áo dệt kim tăng 19,6%, quần áo may sẵn tăng 27,4%, nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu tăng mạnh; trong khi thuỷ sản chế biến tăng 11,1%; giấy bìa tăng 5,6%; xi măng tăng 9%; thép cán tăng 5,5% và nhiều sản phẩm cơ khí chế tạo (trừ động cơ điện), ti vi lắp ráp, ô tô lắp ráp, xe máy lắp ráp, xe đạp đều giảm sút so với quý I năm trước.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3 và quý I năm 2006 (Giá so sánh 1994)
4. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư quý I/2006 theo giá thực tế ước tính đạt 64,1 nghìn tỷ đồng, bằng 17% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó vốn Nhà nước thực hiện 32,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19%; vốn ngoài Nhà nước 18 nghìn tỷ đồng, tăng 20% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21,3%.
Thực hiện vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước quý I/2006 ước tính đạt 11,85 nghìn tỷ đồng, bằng 21,1% kế hoạch cả năm, trong đó vốn do Trung ương quản lý thực hiện 3650 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch năm (Bộ Giao thông Vận tải đạt 22,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 27,5%; Bộ Y tế 19,7%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 18,4%; Bộ Văn hoá Thông tin 20%; Bộ Thuỷ sản 21,9%; Bộ Công nghiệp 19,8%; riêng Bộ Xây dựng mới đạt 11,4%). Vốn đầu tư do ngân sách Nhà nước địa phương quản lý thực hiện 8200 tỷ đồng, bằng 21,2% kế hoạch năm (Hà Nội 1596 tỷ đồng, bằng 34,7%; Hải Phòng 241,3 tỷ đồng, bằng 18%; Đồng Nai 318 tỷ đồng, bằng 24,6%; Bà Rịa-Vũng Tàu 375,4 tỷ đồng, bằng 18,3%; thành phố Hồ Chí Minh 932,7 tỷ đồng, bằng 11,7%...
Tình hình đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Trong quý I/2006 có 215 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 1625,2 triệu USD, bình quân vốn đăng ký 1 dự án đạt 7,6 triệu USD. Cũng trong 3 tháng qua, còn có 68 lượt dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm 426 triệu USD, nâng tổng số vốn được cấp mới và tăng thêm lên 2,05 tỷ USD. Trong các dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép trong quý I năm nay, công nghiệp và xây dựng chiếm 76,7% số dự án và 75,5% số vốn đăng ký; dịch vụ 44 dự án với 392,6 triệu USD; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 dự án với số vốn 5,3 triệu USD.
Trong các địa phương, thành phố Hồ Chí Minh có 75 dự án với 698,2 triệu USD (chiếm 43% tổng số vốn đăng ký); Hà Nội 26 dự án và 455 triệu USD; Hải Dương 6 dự án và 95,9 triệu USD; Hải Phòng 25 dự án và 88,7 triệu USD; Đồng Nai 25 dự án và 57,6 triệu USD; Bình Dương 27 dự án và 38 triệu USD...
Có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép vào Việt Nam trong quý I năm nay, trong đó 5 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chiếm tới 95,9% tổng số vốn đăng ký: Hồng Công (Trung Quốc) chiếm 41,4%; Hàn Quốc 23,3%; Nhật Bản 18,4%; Đài Loan 7,3%; Xin-ga-po 5,5%.
5. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2006 theo giá thực tế ước tính tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, còn tăng trên 10%. Biến động của tổng mức so với quý I năm trước của các khu vực kinh tế có xu hướng đồng đều hơn: Khu vực kinh tế Nhà nước tăng 7,3% (năm trước khu vực này giảm), các khu vực kinh tế khác tăng từ 20-25%. Trong các ngành kinh doanh, thương nghiệp và khách sạn nhà hàng có tỷ trọng lớn, tăng xấp xỉ mức tăng chung, trong khi các ngành du lịch lữ hành và dịch vụ tỷ trọng nhỏ nhưng tăng ở mức 27-30%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2005 trên địa bàn Hà Nội chiếm 9,7% tổng mức của cả nước, tăng 20,9%; thành phố Hồ Chí Minh chiếm 22,2%, tăng 18%.
Giá tiêu dùng tháng 3/2006 giảm 0,5% so với tháng 2/2006 nên giá tiêu dùng so với tháng 12/2005 chỉ tăng 2,8%, thấp hơn mức tăng 3,7% của tháng 3/2005 so với tháng 12/2004 gần 1 điểm phần trăm. Giá tiêu dùng tháng Ba giảm chủ yếu do cầu giảm, trong khi nguồn cung dồi dào và biến động theo xu hướng tương tự các năm trước với mức tăng giá tháng Hai có xu hướng cao hơn mức tăng giá tháng Một và giá tháng Ba tăng chậm hơn mức tăng giá tháng Hai.
Giá tiêu dùng của các tháng trong quý I so với cùng kỳ năm trước có xu hướng tích cực là giảm dần qua các tháng (giá tháng 1 tăng 8,8%, tháng 2 tăng 8,4% và tháng 3 tăng 7,7%). Tuy nhiên, giá bình quân 12 tháng tại thời điểm tháng 3/2005 vẫn còn tăng đáng kể, tăng 8,1% là điều đáng quan tâm trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức tăng trưởng.
Giá vàng tháng 3 chỉ còn tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 11,6% so với tháng 12 năm trước và tăng 26,7% so với tháng 3 năm 2005. Giá đô la Mỹ khá ổn định trong quý I/2006, giá tháng 3/2006 giảm 0,1% so với tháng trước, bằng mức giá tháng 12/2005 và chỉ tăng 0,8% so với tháng 3/2005.
Tổng mức lưu chuyển ngoại thương quý I/2006 ước tính đạt 17,08 tỷ USD, tăng 10,4% so với quý I năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hoá tăng 20,3% và nhập khẩu hàng hoá tăng 1,9%. Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nhập khẩu, vì vậy quý I đã xuất siêu 56 triệu USD, tuy tỷ lệ xuất siêu so với xuất khẩu khá nhỏ (0,7%) và cũng chỉ có tính chất ước lệ tạm thời, vì nhập khẩu tăng thấp, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu giảm 3,6%, là chưa tương xứng với nhu cầu của một nền kinh tế đang phát triển và cần nhập khẩu nhiều nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị từ bên ngoài để phát triển sản xuất trong nước đạt mức tăng trưởng cao .
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá quý I/2006 ước tính đạt 8,57 tỷ USD, tăng 20,3% so với quý I năm trước và bằng 22,7% kế hoạch năm 2006, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 3,54 tỷ USD, tăng 14,1%, đóng góp 6,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; dầu thô gần 2 tỷ USD, tăng 16,1%, đóng góp 3,9 điểm phần trăm và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 3,04 tỷ USD, tăng 31,7%, đóng góp 10,3 điểm phần trăm.
4 mặt hàng lớn là dầu thô, dệt may, giày dép và thuỷ sản đạt 4,59 tỷ USD, tăng 19,9% so với quý I năm trước, đóng góp hơn một nửa số điểm phần trăm tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá (+10,7 điểm phần trăm). Điện tử, máy tính; sản phẩm gỗ; dây điện và cáp điện tăng khá và có thêm mặt hàng túi xách, ví, va li, mũ, ô dù có kim ngạch trên 100 triệu USD, tăng 11%; than đá tăng 54,7% về lượng và đạt 40,8% kế hoạch cả năm, nhưng giá xuất khẩu bình quân 3 tháng năm nay đã giảm gần 19% nên kim ngạch tăng 25,4%; đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng công nghiệp vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ như xe đạp và phụ tùng xe đạp, sản phẩm mây tre, cói, thảm...
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến chủ yếu mới đạt khoảng 1 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 4,4% so với quý I năm trước, do gạo tăng thấp (+0,6%) và kim ngạch một số nông sản giảm so với cùng kỳ như cà phê giảm 21,1%, hạt điều giảm 2,7%, rau quả giảm 6,8%, lạc giảm 83,4%...
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá quý I/2006 ước t nh đạt 8,51 tỷ USD, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước và đạt 20% kế hoạch năm 2006, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,3%. Kim ngạch nhập khẩu một số nguyên, nhiên vật liệu chính cho sản xuất trong nước đạt tốc độ tăng cao như xăng dầu tăng 15%, chất dẻo tăng 21,1%; hoá chất tăng 18%; vải tăng 22,7%. Tuy nhiên, trong quý I năm nay nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt, da, may; gỗ và nguyên liệu gỗ cũng như lượng nhập khẩu một số nhiên liệu, vật tư như xăng dầu, sắt thép, phân bón, bông đều thấp hơn quý I năm trước là vấn đề cần quan tâm vì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất những sản phẩm liên quan ở trong nước quý tới.
Vận chuyển hành khách quý I/2006 ước tính đạt 324,1 triệu lượt hành khách và 13,5 tỷ lượt hành khách.km; so với cùng kỳ năm trước tăng 7,8% về lượt hành khách và tăng 8,6% về lượt hành khách.km, trong đó vận chuyển hành khách do các đơn vị trung ương đảm nhận tăng 0,2% về số khách và 8,8% về số khách.km; vận chuyển hành khách do các đơn vị địa phương tăng 8% về số khách và 8,5% về số khách.km.
Vận chuyển hàng hoá trong quý I/2006 ước tính đạt 84 triệu tấn và 21 tỷ tấn.km; so với cùng kỳ năm trước tăng 7,8% về tấn và tăng 7,5% về tấn.km. Vận chuyển hàng hoá bằng đường biển, đường sông và đường bộ tăng khá cả về tấn và tấn.km với tốc độ tăng từ 6-9%, trong khi vận chuyển hàng hoá bằng đường không giảm cả hai chỉ số và khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt giảm 0,8%.
Hoạt động du lịch quý I năm nay diễn ra khá nhộn nhịp. Các lễ hội, đền, chùa, danh lam thắng cảnh không những thu hút du khách trong nước mà còn thu hút rất nhiều du khách nước ngoài. Khách quốc tế đến Việt Nam quý I/2006 ước tính đạt 980,1 nghìn lượt người, tăng 16,3% so với quý I/2005, trong đó khách đến vì công việc tăng 34%; du lịch, nghỉ ngơi tăng 15,5%; thăm thân nhân tăng 12% và các mục đích khác tăng 9,1%. Đáng chú ý là khách quốc tế đến Việt Nam quý I năm nay tăng chủ yếu ở số khách đến bằng đường hàng không, tăng tới 26,9% so với quý I năm trước, trong khi khách đến bằng đường bộ và đường biển đều giảm; khách đến từ Trung Quốc giảm gần 25%.
B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư
Đời sống dân cư những tháng đầu năm nhìn chung ổn định. Các ngành và địa phương đã có nhiều biện pháp thiết thực tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thực hiện trợ cấp và phát thưởng kịp thời, góp phần cải thiện đời sống của người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất vừa qua. ? nông thôn, đời sống dân cư cũng từng bước được cải thiện do giá nông sản, thực phẩm cao người dân đã tập trung vào phát triển các loại cây trồng cho hiệu quả cao hơn, và tăng chăn nuôi gia súc, khôi phục đàn gia cầm; đồng thời nhiều địa phương đã thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo và công tác đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội. Thiếu đói trong nông dân 3 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước: Số lượt hộ thiếu đói giảm 5,8% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 5,9%.
2. Văn hoá thông tin, thể dục thể thao
Hoạt động văn hoá thông tin những tháng đầu năm tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước, các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc và đón Xuân Bính Tuất 2006. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp trong cả nước. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, thông tin cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa được tăng cường, nhất là công tác quản lý lễ hội, nhằm chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực và vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hoạt động thể dục thể thao quần chúng mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức rộng khắp, nội dung phong phú như thi đấu biểu diễn, trò chơi dân gian... thu hút nhiều người tham gia. Trong quý I năm nay đã tổ chức 6 giải thi đấu thể thao thành tích cao, đồng thời cũng tham dự 5 giải thi đấu quốc tế.
4. Tình hình dịch bệnh
Trong 3 tháng đầu năm 2006 có gần 10 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét, 6,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 1,3 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan vi rút và khoảng 180 trường hợp mắc bệnh thương hàn (không có trường hợp nào tử vong). Trong tháng 3/2006 không có trường hợp nào nghi nhiễm bệnh cúm A-H5N1và như vậy tính từ 14/11/2005 đến nay, nước ta không có trường hợp mới nào mắc bệnh. Trong tháng 3/2006 đã phát hiện thêm 952 trường hợp nhiễm mới HIV, nâng tổng số trường hợp nhiễm HIV trong cả nước đến 20/3/2006 lên 105,6 nghìn người, trong đó 17,8 nghìn bệnh nhân AIDS và trên 10,3 nghìn người đã chết do AIDS. Trong 3 tháng đầu năm cũng đã có 1,2 nghìn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 20 người đã tử vong.
5. Tai nạn giao thông
Trong 2 tháng đầu năm 2006, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 2,7 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 2,3 nghìn người và làm bị thương 2,2 nghìn người; bình quân 1 ngày xảy ra 45 vụ tai nạn, làm chết 39 người và làm bị thương 37 người. So với 2 tháng đầu năm 2005, số vụ tai nạn 2 tháng đầu năm nay giảm 9,7%; số người bị thương giảm 16%, riêng số người chết tăng 3,9%. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm cũng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người.
(Nguồn TCTK)