Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2007
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 4 VÀ 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2007
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp:
Lúa đông xuân: Tính đến ngày 15/4/2007, các địa phương phía Bắc đã gieo cấy 1125,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng 553,3 nghìn ha, bằng 99,3%; các tỉnh Bắc Trung Bộ 332,1 nghìn ha, bằng 99,5%; các tỉnh miền núi cơ bản đã gieo cấy xong. Các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1623,8 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 80% diện tích gieo sạ và bằng 100% cùng kỳ.
Gieo sạ lúa hè thu ở các địa phương phía Nam đạt 309,1 nghìn ha, bằng 47% cùng kỳ năm trước; trong đó đồng bằng sông Cửu Long 289 nghìn ha, bằng 45,3%.
Cây trồng khác, cũng đến trung tuần tháng 4, cả nước đã gieo trồng 471 nghìn ha ngô, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước; 112,3 nghìn ha khoai lang, bằng 99,6%; 165,3 nghìn ha sắn, bằng 127,4%; 172,8 nghìn ha lạc, bằng 92,2%; 97,6 nghìn ha đậu tương, bằng 102,5%; 19,9 nghìn ha thuốc lá, bằng 81,9%; rau đậu các loại 376,1 nghìn ha, bằng 97%.
Chăn nuôi: Đàn gia súc và gia cầm đang được khôi phục dần. Đàn bò ước tính tăng 4-6% so với cùng kỳ, đàn lợn tăng 3-4%, đàn gia cầm đạt khá.
Lâm nghiệp: Tính chung 4 tháng đầu năm 2007, diện tích rừng trồng tập trung đạt 53,24 nghìn ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ; trồng cây lâm nghiệp phân tán 83,2 triệu cây, tăng 0,9%, sản lượng gỗ khai thác 591,8 nghìn m3, tăng 0,9%, sản lượng củi khai thác 8696,4 nghìn ster, tăng 1,2%.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại 2243,5 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1878,4 ha (Yên Bái 765,5 ha, Sơn La 728,8 ha).
Thuỷ sản: 4 tháng đầu năm 2007, sản lượng thuỷ sản đạt 1206,3 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng 452,3 nghìn tấn, tăng 15,9%, khai thác 753,3 nghìn tấn, tăng 2,4%.
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tính theo giá so sánh tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 7,4% (doanh nghiệp Nhà nước do trung ương quản lý tăng 11,4% , doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý giảm 0,6%), khu vực ngoài Nhà nước tăng 20,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,4% (dầu mỏ và khí đốt giảm 1,2%, các sản phẩm khác tăng 23,8%).
Về sản phẩm chủ yếu, than sạch khai thác ước tính đạt 14,1 triệu tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu 11 triệu tấn); dầu thô khai thác 5,24 triệu tấn, chỉ bằng 92,1% cùng kỳ hay giảm 7,9%. Điện sản xuất 19,9 tỷ kwh, tăng 10,1%. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ như: thuỷ sản chế biến tăng 17,5%; đường, mật các loại tăng 19,4%; quần áo may sẵn tăng 16,3% (chủ yếu do tăng nhanh hàng xuất khẩu); giấy, bìa các loại tăng 20,3%; thép cán tăng 31%; gạch lát tăng 35,8%; máy công cụ tăng 21,5% ; động cơ điện tăng 62%; ô tô các loại tăng 40,6%; xe máy tăng 36,3%.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chế biến tăng thấp hơn mức tăng chung, thậm chí một số còn giảm sút so với cùng kỳ như: vải lụa thành phẩm tăng 13,6%; xi măng tăng 13%; gạch xây tăng 11,5%; phân hoá học giảm 0,4% (phân đạm giảm 0,3%, phân lân giảm 7,6%); quần áo dệt kim giảm 10,1%; xe đạp giảm 69,7%...
Đầu tư
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước tính thực hiện 4 tháng đầu năm đạt 26,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27,9% kế hoạch cả năm, trong đó vốn do trung ương quản lý 9,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%; vốn địa phương quản lý 16,8 nghìn tỷ đồng, bằng 28%.
Tình hình đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến 22/4/2007 đã cấp phép cho 204 dự án với tổng số vốn đăng ký 2,09 tỷ USD. Nếu tính cả 548,4 triệu USD vốn đăng ký bổ sung vào 134 dự án cấp phép các năm trước và 771,9 triệu USD của 87 dự án cấp phép cuối năm 2006 nhưng chưa tính vào năm trước thì tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đăng ký là 3,41 tỷ USD.
Trong 291 dự án mới cấp phép, khu vực công nghiệp, xây dựng có 161 dự án với tổng vốn đăng ký 1629,8 triệu USD, chiếm 55,3% số dự án và 57% tổng vốn đăng ký; khu vực dịch vụ 116 dự án và 1052,4 triệu USD, chiếm 39,9% số dự án và 36,8% tổng vốn đăng ký; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 14 dự án và 177,8 triệu USD, chiếm 4,8% số dự án và 6,2% tổng vốn đăng ký.
Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 218,9 nghìn tỷ đồng, tính theo giá thực tế, tăng 22,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước 22,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10,2%; kinh tế tập thể 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4%; kinh tế cá thể 126,1 nghìn tỷ đồng, tăng 25,9%; kinh tế tư nhân 62,4 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gần 6 nghìn tỷ đồng, tăng 35,2%. Xét theo ngành kinh doanh, thương nghiệp 179,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn nhà hàng 25,7 nghìn tỷ đồng, tăng 21,4%; du lịch 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 41,9% và dịch vụ 11,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6%.
Giá tiêu dùng tháng 4/2007 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, giá tiêu dùng tháng 4/2007 của hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đều tăng, nhưng với các mức độ khác nhau. So với tháng 12/2006, giá tiêu dùng tháng 4/2007 tăng 3,5% và tăng ở tất cả các nhóm hàng hóa.
Giá vàng tháng 4/2007 tăng 1,1% so với tháng trước, tăng 4,7% so với tháng 12/2006 và tăng 13,8% so với tháng 4/2006. Giá đô la Mỹ tháng 4/2007 tuy giảm 0,3% so với tháng 12/2006, nhưng tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Tổng mức lưu chuyển ngoại thương 4 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 31,3 tỷ USD, tăng 27,5% so cùng kỳ năm 2006, trong đó xuất khẩu tăng 22% và nhập khẩu tăng 32,8%. Nhập siêu 4 tháng đầu năm nay 2,26 tỷ USD, chiếm 15,6% kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu 4 tháng năm 2007 ước tính đạt 14,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước 6,4 tỷ USD, tăng 27,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 5,7 tỷ USD, tăng 35,2% và dầu thô 2,4 tỷ USD, giảm 10,5%. Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ yếu (trừ dầu thô, gạo và cao su) đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt hàng xuất khẩu, dầu thô 4 tháng đầu năm nay ước tính đạt 5,1 triệu tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bình quân trong 4 tháng giảm, nhưng vẫn là mặt hàng có kim ngạch cao nhất trong các mặt hàng xuất khẩu. Kim ngạch dệt may 2,2 tỷ USD, tăng tới 31,7% so với cùng kỳ năm trước; Giày dép 1,2 tỷ USD, tăng 11%; sản phẩm gỗ 780 triệu USD, tăng 24,2%; hàng điện tử, máy tính 635 triệu USD, tăng 27,5%; than đá 338 triệu USD, tăng 23,4%... Xuất khẩu thuỷ sản hơn 1 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong 4 tháng biến động theo chiều hướng khác nhau, trừ cà phê tăng với mức kỷ lục (+ 134,8%), một phần do được giá và lượng xuất 656 nghìn tấn, tăng 84,3% và rau quả tăng 20,3%, các mặt hàng khác như hạt tiêu, hạt điều, chè chỉ tăng ở mức thấp, trên dưới 4%; riêng gạo mới đạt 1,4 triệu tấn, giảm 19,4% về lượng và kim ngạch 446 triệu USD, giảm 7,3%.
Nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 16,78 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước 10,69 tỷ USD, tăng 35,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 6,09 tỷ USD, tăng 28,7%. Nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 4 tháng ước tính đạt 2,9 tỷ USD, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất trong nước (trừ nguyên phụ liệu cho dệt, may da giảm 5,4%) đều tăng so với 4 tháng đầu năm trước.
Vận chuyển hành khách 4 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 501 triệu lượt hành khách và 21,8 tỷ lượt hành khách.km, tăng 8,3% về lượt khách và 10,8% về lượt hành khách.km so với cùng kỳ năm trước.
Vận chuyển hàng hoá 4 tháng đầu năm ước tính đạt 120,8 triệu tấn và 30 tỷ tấn.km, tăng 7,7% về số tấn và tăng 6,9% về số tấn.km so với cùng kỳ năm 2006.
Khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm ước tính đạt 1,5 triệu lượt người tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách đến chủ yếu bằng đường hàng không đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 27,5%; bằng đường bộ đạt 222,7 nghìn lượt người, giảm 18,4%; bằng đường biển 70 nghìn lượt người, giảm 25,3%. Theo mục đích đến, khách du lịch nghỉ ngơi 904 nghìn lượt người, tăng 17,5%; thăm thân nhân 234,8 nghìn lượt người, tăng 20,4%; vì công việc 197,8 nghìn lượt người, tăng 7,8%; các mục đích khác 125,7 nghìn lượt người, giảm 17,2%.
Bưu chính, viễn thông: Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2007, số thuê bao điện thoại phát triển mới của toàn ngành ước tính đạt 5,36 triệu thuê bao, tăng 174,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số thuê bao trong cả nước tính đến cuối tháng 4 năm nay đạt 32,8 triệu thuê bao. Số thuê bao internet phát triển mới tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2007 ước tính đạt 359,5 nghìn thuê bao, bằng 68,5% cùng kỳ, nâng tổng số thuê bao tính đến cuối tháng Tư lên 4,4 triệu thuê bao.
Tổng doanh thu 4 tháng đầu năm nay ước tính đạt 18,7 nghìn tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó doanh thu của Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông là 13,4 nghìn tỷ đồng.
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2007 ước tính tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 29,5% dự toán cả năm. Các khoản thu nội địa tăng 21,5% và bằng 31% dự toán năm, trong đó thu từ kinh tế Nhà nước bằng 31%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không kể dầu thô bằng 27,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 33,2%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bằng 37%; thu phí xăng dầu bằng 29,8%; thu phí lệ phí bằng 41,1%; các khoản thu về nhà đất bằng 27,9%. Thu từ dầu thô bằng 25,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 30,8%; thu viện trợ bằng 31,3%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2007 ước tính tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2006 và bằng 27,8% dự toán cả năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 25,5% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 25,6%). Các khoản chi thường xuyên bằng 32% dự toán cả năm, trong đó chi giáo dục, đào tạo, dạy nghề bằng 31,6%; chi y tế bằng 32%; chi lương hưu và bảo đảm xã hội bằng 33,5%; chi sự nghiệp kinh tế bằng 32,3%; chi quản lý hành chính 31,3%. Chi cải cách tiền lương bằng 25,8%; chi trả nợ và viện trợ bằng 30,1%. Bội chi ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2007 bằng 34,2% mức dự toán cả năm, trong đó 73,1% được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và 26,9% từ nguồn vay nước ngoài.
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 4/2007 có 107,9 nghìn hộ tương ứng với 376 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói, chiếm 0,9% tổng số hộ và 0,7% tổng số nhân khẩu nông nghiệp của cả nước. So với thời điểm cuối tháng 4/2006, số hộ thiếu đói giảm 15,4% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 33%.
Tình hình dịch bệnh
Tính từ đầu năm đến 20/4/2007, cả nước có 19,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 7,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và 1,9 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút. Trong 4 tháng vừa qua, cũng đã có gần 200 trường hợp mắc bệnh thương hàn và 123 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến 20/4/2007 là 123,3 nghìn người, trong đó 23,1 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 13,3 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tình hình ngộ độc thực phẩm: Tính chung 4 tháng đầu năm 2007 đã có hơn 1,4 nghìn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 20 người đã tử vong.
Tai nạn giao thông
Tính chung 3 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4 nghìn vụ tai nạn, làm chết 3,6 nghìn người và làm bị thương 3,2 nghìn người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 3,2%; số người chết tăng 8,1% và số người bị thương tăng 4,9%. Bình quân một ngày trong 3 tháng đầu năm nay xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông, làm chết 40 người và làm bị thương 36 người. Tai nạn giao thông trong 3 tháng qua xảy ra chủ yếu trên đường bộ, chiếm tới 96,4% số vụ; 97% số người chết và 97% số người bị thương.
Nguồn : Trích báo cáo tình hình kinh tế- xã hội tháng 4
và 4 tháng đầu năm 2007- Tổng cục Thống kê