BÁO CÁO KẾT QUẢ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ
VÀ ĐẦU TƯ THÁNG 9 VÀ TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI 9 THÁNG NĂM 2008
1. Một số kết quả đạt được trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2008.
Trong những tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta liên tiếp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong nước và ngoài nước, song với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, sự phấn đấu cao của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp, đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế vĩ mô (tiền tệ, tỷ giá, lạm phát...) trong các tháng gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số giá đã tăng chậm lại và tháng sau thấp hơn tháng trước; tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ ổn định hơn; một số chỉ tiêu đạt khá so với cùng kỳ, nhiều mặt hoạt động xã hội có tiến bộ. Những kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm như sau:
Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 9 tháng ước đạt 6,52% (quý I tăng 7,4%; quý II tăng 5,82%, quý III tăng 6,55%), tuy còn thấp hơn tốc độ tăng GDP của cùng kỳ năm 2007 nhưng trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn thì đây là một kết quả khả quan, phù hợp với các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ; nhất là tốc độ tăng GDP của Quý III đã cao hơn Quý II.
Hai là, các ngành Dịch vụ đạt kết quả khá tốt, đã góp phần nâng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Giá trị gia tăng của ngành dịch vụ 9 tháng đầu năm tăng 7,23%, cao hơn mức tăng GDP; các ngành dịch vụ có giá trị cao (vận tải, bưu điện, du lịch, y tế, giáo dục...) được khai thác và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.
Ba là, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thị trường và giá cả nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, tăng 39% so với cùng kỳ; nhập siêu giảm dần.
Bốn là, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt được nhiều kết quả tốt. So với 9 tháng đầu năm trước, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 37%; vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng gấp 5 lần.
Năm là, một số lĩnh vực xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội... có nhiều tiến bộ.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong 9 tháng đầu năm 2008 đạt được như sau:
Các chỉ tiêu chủ yếu
|
9 tháng
2007
|
9 tháng
2008
|
(1) Tốc độ tăng trưởng GDP (%)
|
8,16
|
6,52
|
Trong đó: Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp (%)
|
3,22
|
3,57
|
Khu vực công nghiệp và xây dựng (%)
|
10,07
|
7,09
|
Khu vực dịch vụ (%)
|
8,52
|
7,23
|
(2) Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
17,1
|
16,0
|
(3) Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (%)
|
4,2
|
5,43
|
(4) Kim ngạch xuất khẩu (tỷ USD)
|
34,9
|
48,6
|
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (%)
|
19,4
|
39,0
|
(5) Kim ngạch nhập khẩu (tỷ USD)
|
43,4
|
64,4
|
Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu (%)
|
30,3
|
48,3
|
(6) Vốn FDI thực hiện (triệu USD)
|
5.900
|
8.100
|
(7) Vốn FDI cấp mới và tăng thêm (triệu USD)
|
9.607
|
57.124
|
(8) Chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ (%)
|
7,3
|
21,8
|
(9) Tạo việc làm mới (vạn người)
|
118
|
121
|
Tình hình cụ thể về thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của các ngành, lĩnh vực trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2008 như sau:
(1) Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá cả về giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai trong những tháng đầu năm nhưng sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt kết quả khá hơn cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng đầu năm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 4,2%), trong đó nông nghiệp tăng 4,8%; lâm nghiệp tăng 1,5%; thuỷ sản tăng 7,9%. Mức tăng giá trị sản xuất của khu vực này đạt cao nhất kể từ năm 2005; giá trị tăng thêm 9 tháng đầu năm của toàn ngành tăng 3,57%, cao hơn mức tăng 3,22% của 9 tháng đầu năm 2007.
Việc thu hoạch lúa hè thu và gieo cấy lúa mùa bảo đảm tiến độ. Tính đến ngày 15/9/2008 cả nước đã gieo cấy được 1,66 triệu ha lúa mùa, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh phía Bắc đạt gần 1,18 triệu ha, các tỉnh phía Nam đạt 0,48 triệu ha. Các tỉnh phía Nam đã thu hoạch 1,59 triệu ha lúa hè thu, bằng 82,2% diện tích gieo cấy, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1,51 triệu ha.
Dự kiến sản lượng lúa năm 2008 đạt khoảng 38,6 triệu tấn (tăng khoảng 2,6 triệu tấn so với năm 2007), trong đó vụ đông xuân đạt khoảng 18,33 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn; vụ hè thu và thu đông khoảng 11,27 triệu tấn, tăng 1,13 triệu tấn.
Chăn nuôi đang có xu hướng phát triển tích cực: đàn trâu đạt xấp xỉ năm trước; đàn bò ước tăng 3-4%; đàn lợn tăng 1%; đàn gia cầm tăng 6-7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thuỷ sản: Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 3.408 nghìn tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.828 nghìn tấn, tăng 20,9%, sản lượng thủy sản khai thác là 1.580 nghìn tấn, tăng 0,1%.
(2) Một số hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển
Giá trị tăng thêm của toàn ngành Dịch vụ 9 tháng đầu năm đạt 7,23%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2007 (là 8,52%) nhưng là ngành đạt mức tăng trưởng cao nhất và cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Trong số các ngành thuộc khu vực dịch vụ, ngành Giao thông vận tải, bưu điện tăng trưởng cao, đạt 13,61%, cao hơn nhiều so với mức 11,10% của cùng kỳ năm trước do vận tải hàng hóa tăng mạnh (9 tháng đầu năm 2008, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 42%, trong đó vận tải nước ngoài tăng 60,8%).
Thị trường trong nước: Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 84,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng tổng giá trị bán lẻ hàng hoá cả nước ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2007; trong đó ngành Thương nghiệp (chiếm tỷ trọng 82,3%) tăng 30,5%, ngành Khách sạn-nhà hàng (tỷ trọng 11,4%) tăng 25,7%, ngành Dịch vụ (tỷ trọng 5%) tăng 30,9%, ngành Du lịch (tỷ trọng 1,3%) tăng 45,2%.
Hoạt động du lịch: Trong tháng 9/2008 ngành Du lịch cả nước tích cực hưởng ứng Ngày Du lịch Thế giới (27/9), các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tích cực tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và vị trí của du lịch. Một số hoạt động Lễ hội, văn hóa – văn nghệ, thể dục - thể thao diễn ra sôi nổi như: Liên hoan văn hóa ẩm thực Nghệ An 2008; Đăng cai tổ chức diễn đàn du lịch Á – Âu (ASEM); Giao lưu du lịch Quảng Đông - Việt Nam 2008; Lễ hội tổng kết 10 năm du lịch Hội An; Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Lạng Sơn; Việt Nam Festival 2008 tại Nhật Bản; Lễ hội Lam Kinh năm 2008,...
Trong tháng 9, công suất sử dụng phòng đạt mức cao trên 70-80%. Vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhiều khách sạn cao cấp xếp hạng 4-5 sao tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng,.. đạt công suất 90-100%.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 ước đạt 315 nghìn lượt khách, nâng số khách của 9 tháng lên 3,33 triệu lượt khách, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách tiếp tục phát triển khá. Trong 9 tháng đầu năm 2008, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước đạt 434,9 triệu tấn và 128 tỷ TKm, tăng 11,5% về tấn và 42,0% về TKm so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách vận chuyển đạt 1.393 triệu lượt và 60,3 tỷ HKKm, tăng 8,2% về lượt hành khách vận chuyển và 7,3% về hành khách luân chuyển.
Về bưu chính, viễn thông: Mạng lưới điểm phục vụ bưu chính tiếp tục hoạt động ổn định và phát triển các loại hình dịch vụ mới. Đến nay mạng lưới bưu chính trên toàn quốc có trên 19,2 nghìn điểm, trong đó có trên 8 nghìn điểm bưu điện văn hóa xã, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,35km/điểm.
Trong tháng 9 năm 2008 phát triển mới 3,7 triệu thuê bao điện thoại, tăng 362,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 9 tháng đầu năm 2008 lên 23,45 triệu thuê bao. Đến nay tổng số thuê bao hiện có trên toàn mạng đạt 70,4 triệu máy, đạt mật độ 81,8 máy/100 dân.
Trong 9 tháng phát triển mới 70 nghìn thuê bao Internet nâng tổng số thuê bao Internet quy đổi trên toàn mạng đạt 6,2 triệu thuê bao, đạt mật độ 7,16 thuê bao/100 dân. Số người sử dụng dịch vụ Internet là 20,3 triệu người, chiếm khoảng 23,6% dân số.
(3) Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, nhập siêu giảm dần
Về xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 năm 2008 ước đạt 5.300 triệu USD, giảm gần 12% so với tháng 8, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2.000 triệu USD; tính chung cả 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 48.575 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007 (cùng kỳ tăng 19,4%), trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 17.831 triệu USD, tăng 28,1% so cùng kỳ 2007.
Đến hết tháng 9, có 10 nhóm hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, cụ thể là: dầu thô đạt 8,8 tỷ USD, tăng 52,0%; dệt may đạt 6,83 tỷ USD, tăng 20,2%; giày dép đạt 3,44 tỷ USD, tăng 18,2%; thủy sản đạt 3,32 tỷ USD, tăng 21,9%; gạo 2,43 tỷ USD, tăng 89,7%; đồ gỗ 2,03 tỷ USD, tăng 19,4%; điện tử và máy tính 1,89 tỷ USD, tăng 25,5%; cà phê đạt 1,62 tỷ USD, tăng 9,6%; cao su 1,25 tỷ USD, tăng 33,6%; than đá 1,14 tỷ USD, tăng 55,5%.
Một số mặt hàng tuy có kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng đạt được tốc độ tăng trưởng cao như hạt điều tăng 51,5%; đồ chơi trẻ em tăng 50,5%; sản phẩm nhựa tăng 33,8%;...
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao một phần do giá cả thị trường thế giới tăng có lợi cho xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Chỉ tính riêng do tăng giá của các mặt hàng: dầu thô, than đá, gạo, cà phê và cao su đã làm kim ngạch xuất khẩu tăng gần 6,3 tỷ USD, tương đương 18% tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, từ tháng 8, giá một số mặt hàng xuất khẩu (như giá dầu thô, gạo...) đã có dấu hiệu giảm, có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm.
Về nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 năm 2008 ước đạt 5.800 triệu USD, giảm 7,6% so với tháng trước; tính chung cả 9 tháng ước đạt 64.403 triệu USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2007; trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 21.437 triệu USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm 2007 như: ô tô nguyên chiếc các loại tăng 180,1%, máy tính và linh kiện điện tử tăng 31%, thép các loại tăng 28%, giấy các loại tăng 14%, chất dẻo nguyên liệu tăng 13,9%... Tuy nhiên trong những tháng gần đây, lượng nhập khẩu của các mặt hàng này có dấu hiệu giảm làm kim ngạch nhập khẩu cũng giảm, tình hình nhập siêu được cải thiện.
Bên cạnh yếu tố lượng, thì sự tăng giá của một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của nước ta trong những tháng gần đây (giá xăng tăng 67,6%; phôi thép tăng 48,2%; chất dẻo tăng 18,6%;...) làm kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 5,8 tỷ USD, tăng tương đương là 13,3%.
Về thị trường nhập khẩu, châu Á chiếm gần 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta; trong đó riêng nhập khẩu từ ASEAN chiếm 24,5%, Trung Quốc chiếm 19% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Nhập siêu 9 tháng đầu năm ở mức 15.828 triệu USD, bằng 32,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và đang tiếp tục trong xu hướng giảm dần (riêng tháng 9 chỉ nhập siêu 500 triệu USD, là mức thấp nhất trong 9 tháng đầu năm). Tình hình nhập siêu đang có dấu hiệu tích cực và có khả năng đến hết năm 2008, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu sẽ kiềm chế được ở mức 30%. Tuy nhiên cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu để cải thiện cán cân thương mại.
(4) Lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giá cả có chuyển biến tích cực
Thu chi ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết 15/9 ước đạt 292,3 nghìn tỷ đồng, bằng 90,5% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 160,5 nghìn tỷ đồng, bằng 84,8% dự toán năm, thu từ dầu thô đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 86,0% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 71,6 nghìn tỷ đồng, bằng 111,0% dự toán.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực kinh tế quốc doanh đạt 52,4 nghìn tỷ đồng, bằng 83,0% dự toán năm; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 30,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75,0% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 29,8 nghìn tỷ đồng, bằng 77,7% dự toán năm; thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, bằng 105,6% dự toán năm; thu phí xăng dầu đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán năm; thu phí, lệ phí đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, bằng 72,8% dự toán năm.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/9 ước đạt 311,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,6% dự toán năm (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 62,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,8% dự toán năm); chi thường xuyên đạt 184,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,7% dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,8% dự toán năm.
Về tiền tệ: Trong tháng 9 tình hình tiền tệ dần đi vào ổn định, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ mức lãi suất huy động và cho vay. Tổng phương tiện thanh toán đến 30/9 ước tăng 1,34% so với 31/8 và tăng 6,54% so với 31/12/2007. Tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng ước tăng 2,15% so với tháng 8/2008 và tăng 13,7% so với cuối năm 2007. Nguồn vốn huy động đến 30/9 ước tăng 1,2% so với 31/8 và tăng 11% so với 31/12/2007; trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 6,3%, bằng ngoại tệ tăng 27,0%. Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đến 30/9 ước tăng 1,06% so với 31/8 và tăng 19,25% so với 31/12/2007.
Giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 8 tăng 0,18%, là mức tăng thấp nhất so với nhiều tháng gần đây, trong đó có 2 nhóm hàng chỉ số giá giảm so với tháng 8 là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,63% và phương tiện đi lại, bưu điện giảm 0,48%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng tháng trước (trong đó: lương thực giảm 1,75%, thực phẩm tăng 0,26%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,79%), các nhóm hàng hóa còn lại đều tăng ở các mức độ khác nhau, đặc biệt có 3 nhóm hàng có mức tăng cao trên 1% là văn hóa thể thao giải trí tăng 1,45%, giáo dục tăng 1,4% và thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,11%. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ cùng giảm với mức giảm tương ứng là 6,36% và 0,75%. Chỉ số giá tháng 9 tăng thấp trước hết là do kết quả của hàng loạt biện pháp kiềm chế lạm phát đồng bộ và quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt chính sách thắt chặt tiền tệ đã phát huy tác dụng; bên cạnh đó là tình hình giá cả quốc tế đã thuận lợi hơn, như giá dầu, giá lương thực, giá một số loại nguyên liệu giảm so với trước.
So với tháng 12 năm 2007, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 21,87%. Trong 10 nhóm hàng tính chỉ số giá tiêu dùng thì nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với mức tăng 32,68% (lương thực tăng 54,35%, thực phẩm tăng 24,43%, ăn uống ngoài gia đình tăng 30,75%); phương tiện đi lại, bưu điện tăng 20,70% (trong đó bưu chính viễn thông giảm 9,45%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 18,03%; nhóm hàng đồ dùng và dịch vụ khác tăng 10,75%; đồ uống và thuốc lá tăng 10,60%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 10,45%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 10,05%, văn hoá, thể thao, giải trí tăng 8,88%; dược phẩm và y tế tăng 8,12%; giáo dục tăng 5,82%. Giá vàng tăng 9,03%, tỷ giá đô la Mỹ tăng 3,00%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 22,76%. So với tháng 9/2007 chỉ số giá tiêu dùng tăng 27,90%.
(5) Đầu tư phát triển
Thực hiện vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 71.440 nghìn tỷ đồng, bằng 71,6% kế hoạch năm.
Vốn tín dụng đầu tư: Tính đến hết tháng 9 năm 2008 nguồn vốn tín dụng đầu tư thực hiện ước đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% kế hoạch năm, trong đó nguồn vốn trong nước cho vay theo kế hoạch chỉ đạt 9,6 nghìn tỷ đồng bằng 35,7% kế hoạch năm. Nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% kế hoạch năm, riêng dư nợ bình quân hỗ trợ xuất khẩu đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,2% kế hoạch năm.
Thu hút vốn ODA: Từ đầu năm đến ngày 23/9/2008, nguồn vốn ODA được hợp thức hoá thông qua các hiệp định ký kết với các nhà tài trợ đạt tổng giá trị 1.826 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 1.642 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 184 triệu USD. Trong tháng 9/2008, các dự án có giá trị lớn được ký gồm: “Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng” trị giá 152 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ và “Tư vấn hệ thống đào tạo nghề Việt Nam” trị giá 2,25 triệu USD do Cộng hòa liên bang Đức viện trợ không hoàn lại.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2008, giá trị giải ngân ODA đạt 1.415 triệu USD, bằng 74,5% kế hoạch giải ngân năm 2008, trong đó vốn vay đạt 1.227 triệu USD, vốn viện trợ đạt 188 triệu USD. Trong tổng mức giải ngân, phần giải ngân vốn vay của 3 nhà tài trợ lớn (JBIC, WB, ADB) đạt khoảng 1.040 triệu USD, chiếm 73,5% tổng giá trị giải ngân.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong tháng 9 ước đạt 1.100 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư thực hiện 9 tháng lên gần 8.100 triệu USD, trong đó vốn đầu tư của nước ngoài thực hiện đạt 6,5 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ.
Tổng vốn của dự án cấp phép mới và vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đang hoạt động trong tháng 9 ước đạt 9.966 triệu USD (vốn cấp phép mới là 9.944 triệu USD; vốn tăng thêm là 22 triệu USD). Tính chung 9 tháng năm 2008, số vốn cấp phép mới và tăng thêm đạt 57.124 triệu USD, tăng 398,5% so với cùng kỳ; trong đó vốn đầu tư cấp phép mới là 56.268 triệu USD với 885 dự án, tăng 472% về vốn và giảm 20% về số dự án so với cùng kỳ năm trước; vốn tăng thêm đạt 855,7 triệu USD với 225 lượt dự án. Vốn đầu tư đăng ký tiếp tục tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 54% về số dự án và 57,48% về vốn), tiếp đó là lĩnh vực dịch vụ (tỷ lệ tương ứng là 40,7% và 42,1%), còn lại thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
(6) Một số mặt hoạt động xã hội có tiến bộ
Trong tháng 9, ngành Giáo dục đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức khai giảng năm học mới 2008-2009. Năm học này các tỉnh chuẩn bị tốt hơn về cơ sở vật chất, trường lớp, sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho việc khai giảng năm học mới. Toàn bộ sách giáo khoa được đưa về các hiệu sách, đại lý, bán đúng giá niêm yết, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sách học tập cho học sinh.
Số người được giải quyết việc làm trong tháng 9 ước đạt 15 vạn người, đưa số lao động được giải quyết việc làm 9 tháng đầu năm lên 121 vạn lượt người, gần bằng 71,2% kế hoạch cả năm. Trong tháng 9 số lao động đi xuất khẩu ước đạt 7.000 người, nâng số người đi xuất khẩu lao động của 9 tháng lên gần 6,5 vạn người, bằng 76,5% kế hoạch.
Các mô hình làm kinh tế giỏi, hiệu quả của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Phụ nữ đã được các địa phương nhân rộng với kinh nghiệm về phát huy ưu thế kinh tế, hùn vốn hỗ trợ lẫn nhau, phát triển các mô hình hay, làm kinh tế giỏi để hướng dẫn cho các hội viên.
Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh: Ngành y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, nhất là ở các tỉnh bị ảnh hưởng lũ lụt, thiên tai; giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Y tế đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chương trình “Sống khỏe” phát sóng hàng tuần với thông điệp an toàn thực phẩm phòng chống tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi, trong tháng 9 đã khai mạc giải bóng đá giao hữu tiền Seagames – Cúp quốc tế mở rộng U21 với sự tham gia của 8 nền bóng đá mạnh trong khu vực; tổ chức thành công giải tennis mở rộng tại thành phố Hồ Chí Minh. Các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa thông tin cơ sở và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đẩy mạnh; nhiều cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng được tổ chức; giao lưu văn hóa quốc tế được mở rộng (tổ chức các Ngày văn hóa Việt Nam, Tuần văn hóa Việt Nam tại Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản...).
2. Một số vấn đề khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, nền kinh tế còn một số khó khăn, hạn chế, đó là:
(1) Mặc dù nền kinh tế bước đầu đã vượt qua được khó khăn, tốc độ tăng GDP của Quý III cao hơn Quý II nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của 9 tháng đầu năm mới đạt 6,52%, trong đó: công nghiệp và xây dựng đạt 7,09%; dịch vụ đạt 7,23%, chưa đạt mục tiêu của kế hoạch Quốc hội đã điều chỉnh xuống là 7%. Để đạt mục tiêu GDP năm 2008 là 7%, GDP trong Quý IV phải đạt được 8,1%, đây là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi có sự phấn đấu rất cao của tất cả các ngành, các cấp.
Giá cả đầu vào của các ngành sản xuất kinh doanh tăng cao gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2008 tăng 16,0% nhưng tốc độ tăng giá trị gia tăng chỉ đạt 8,9% (tỷ lệ tương ứng của năm 2007 là 17,1% và 10,05%).
(2) Thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ đã phát huy tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát, tuy nhiên cũng tác động đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Các ngành sản xuất kinh doanh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do thiếu vốn, lãi suất vay ngân hàng cao, giá nguyên liệu sản xuất đứng ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm. Do vậy, cùng với việc tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát.
(3) Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng cao với mức 21,87%, trong khi 3 tháng cuối năm thị trường trong nước còn tiềm ẩn những yếu tố gây biến động giá do nguyên vật liệu trên thị trường thế giới, nhất là giá xăng dầu và những vật tư đầu vào chủ yếu vẫn diễn biến phức tạp sẽ tạo sức ép tăng giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
(4) Việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ đạt thấp. Tổng vốn đầu tư giải ngân từ ngân sách nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương trong 8 tháng đầu năm mới đạt 40.479 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch; 9 tháng đầu năm giải ngân ước đạt 46,657 tỷ đồng, bằng 54,2% kế hoạch.
Đối với vốn trái phiếu Chính phủ, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, số vốn giải ngân trái phiếu Chính phủ hết tháng 8 năm 2008 đạt 10.402,5 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch.
(5) Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm tăng đến 22,76% nên sức mua thực tế của dân cư giảm rõ rệt (tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ 9 tháng tăng 30,1% nhưng nếu trừ yếu tố giá thì chỉ tăng trên 6%). Đời sống của một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số vấn đề xã hội chưa tốt (an toàn thực phẩm, ách tắc giao thông và quản lý đô thị...) gây bức xúc trong nhân dân.
3. Các biện pháp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Quý IV năm 2008
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 là 7,0%, nhiệm vụ còn lại của quý IV hết sức nặng nề, nhất là trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận có khả năng tác động đến nền kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc 8 nhóm giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 10/2008 ngày 17/4/2008 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; và Nghị quyết số 20/2008 ngày 29/8/2008 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008 theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), đặc biệt tập trung vào việc tiếp tục kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh để tăng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế và kháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản./.
Nguồn: Bộ KH & ĐT
____________________________
|