Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012
_________
Bước vào năm 2012, do tiếp tục chịu hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công kéo dài ở khu vực châu Âu nên kinh tế thế giới diễn biến không thuận. Tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đạt mức thấp. Thị trường việc làm bị thu hẹp, thất nghiệp gia tăng. Ở trong nước, những vấn đề bất ổn tồn tại nhiều năm qua trong nội tại nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, thiên tai dịch bệnh liên tiếp xảy ra, cùng với bối cảnh bất lợi của tình hình thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư. Lạm phát, lãi suất ở mức cao. Sản xuất có dấu hiệu suy giảm trong một vài tháng đầu năm do tiêu thụ hàng hóa chậm, hàng tồn kho tăng. Vốn huy động thiếu cùng với thị trường tiêu thụ giảm sút gây sức ép cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước tình hình đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện đồng bộ, chủ động và tích cực các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Chính phủ nên kinh tế nước ta những tháng gần đây bước đầu có sự chuyển biến tích cực.
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2012 ước tính tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó quý I tăng 4,00%; quý II tăng 4,66%. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế sáu tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,81%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,81%, đóng góp 1,55 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,57%, đóng góp 2,35 điểm phần trăm. Mức tăng trưởng cả ba khu vực sáu tháng đầu năm nay đều thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2011 (Tăng trưởng của ba khu vực sáu tháng đầu năm 2011 lần lượt là 3,89%, 5,78% và 6,21%). Trong tổng sản phẩm trong nước sáu tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,26%; khu vực dịch vụ chiếm 37,61%.
Tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm nay đạt mức thấp do nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhưng kết quả tăng thấp. Tuy nhiên, từ quý II nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với khu vực công nghiệp và xây dựng: Giá trị tăng thêm của khu vực này quý I năm nay chỉ tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước, sang quý II đã tăng lên 4,52%, trong đó công nghiệp tăng từ 4,03% lên 5,40%.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
6 tháng đầu năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012
|
Tốc độ tăng so với
6 tháng đầu năm trước (%)
|
Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2012
(Điểm phần trăm)
|
|
6 tháng đầu năm 2011
|
6 tháng đầu năm 2012
|
Tổng số
|
5,63
|
4,38
|
4,38
|
Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
|
3,89
|
2,81
|
0,48
|
Công nghiệp và xây dựng
|
5,78
|
3,81
|
1,55
|
Dịch vụ
|
6,21
|
5,57
|
2,35
|
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sáu tháng đầu năm theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 110,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 79,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,0%; lâm nghiệp đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% và thuỷ sản đạt 26,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%.
a. Nông nghiệp
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 3124,2 nghìn ha, tăng 27,4 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2011, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1157,7 nghìn ha, tăng 6,2 nghìn ha; các địa phương phía Nam đạt 1966,5 nghìn ha, tăng 21,2 nghìn ha. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân năm nay ước tính đạt 64,8 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng đạt 20,3 triệu tấn, tăng 47,8 vạn tấn. Tuy nhiên, tình hình sản xuất lúa đông xuân của các vùng trong cả nước diễn ra trong những điều kiện khó khăn, thuận lợi riêng.
Lúa đông xuân năm nay tại các địa phương phía Bắc phát triển trong điều kiện không thuận lợi. Diện tích trà lúa đông xuân sớm gặp rét đậm rét hại kéo dài vào thời điểm gieo cấy, nhiều diện tích trà lúa chính vụ chịu ảnh hưởng thời tiết nắng, nóng kéo dài trong thời kỳ đẻ nhánh, sâu bệnh phát sinh tại nhiều địa phương. Năng suất lúa của các địa phương phía Bắc đạt 62,3 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 7213,3 nghìn tấn, giảm 19,2 nghìn tấn. Một số tỉnh có sản lượng lúa đông xuân giảm nhiều là: Thái Bình giảm 18,3 nghìn tấn; Hà Nội giảm 12,2 nghìn tấn; Hải Dương giảm 11 nghìn tấn. Tại các địa phương phía Nam, năng suất và sản lượng lúa đông xuân tăng đều ở các địa phương. Sản lượng lúa đông xuân của các địa phương phía Nam ước tính đạt hơn 13 triệu tấn, tăng 497 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước do diện tích gieo trồng tăng 21,2 nghìn ha và năng suất tăng 1,8 tạ/ha. Riêng vùng trọng điểm lúa đồng bằng sông Cửu Long đạt sản lượng 10,8 triệu tấn, tăng 350,9 nghìn tấn chủ yếu do diện tích tăng 12,8 nghìn ha và năng suất đạt 68,6 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha. Một số địa phương trong vùng có sản lượng lúa tăng cao so với vụ đông xuân trước là: Long An tăng 110,5 nghìn tấn; Trà Vinh tăng 73 nghìn tấn; Kiên Giang tăng 66,2 nghìn tấn; Bạc Liêu tăng 40,8 nghìn tấn.
Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1905,4 nghìn ha lúa hè thu, bằng 94,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1653,7 nghìn ha, bằng 100,7%. Tuy nhiên, hiện nay mưa đầu mùa cùng với dịch bệnh đang phát triển mạnh ở các trà lúa là nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất trên phần diện tích trỗ và thu hoạch.
Một số cây trồng khác của vụ đông xuân năm nay đã cơ bản thu hoạch xong, trong đó sản lượng ngô đạt 2,3 triệu tấn, giảm 2,8% so với năm trước; khoai lang đạt 848,3 nghìn tấn, tăng 5,3%; rau đạt 7,9 triệu tấn, tăng 4,2%; đậu tương đạt 81,5 nghìn tấn, giảm 47,3%; lạc đạt 350,1 nghìn tấn, giảm 2,2%. Sản lượng một số cây vụ đông xuân giảm so với cùng kỳ năm trước do thời tiết có mưa nhiều nên nông dân chuyển sang gieo trồng các loại cây ngắn ngày, chi phí đầu vào thấp để bảo đảm quỹ đất gieo cấy lúa đông xuân đúng thời vụ.
Trong sáu tháng đầu năm, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm đạt khá so với cùng kỳ năm trước do diện tích cho sản phẩm tăng, trong đó sản lượng chè đạt 388,1 nghìn tấn, tăng 2,2%; cao su đạt 277,6 nghìn tấn, tăng 6,3%; hồ tiêu đạt 104,1 nghìn tấn, tăng 3,1%; điều đạt 313,8 nghìn tấn, tăng 0,9%. Sản lượng một số cây ăn quả cũng tăng nhiều như: Sầu riêng tăng 16%; măng cụt tăng 89%; thanh long tăng 18%; vải tăng 15%.
Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/4/2012, đàn trâu cả nước có 2,7 triệu con, giảm 5,1% so với cùng thời điểm năm 2011; đàn bò có 5,3 triệu con, giảm 7%; đàn bò sữa có 158,4 nghìn con, tăng 0,9%; đàn lợn có 26,7 triệu con, tăng 1,5%; đàn gia cầm có 310,7 triệu con, tăng 5,8%; sản lượng thịt trâu hơi đạt 50,4 nghìn tấn, tăng 3,7%; sản lượng thịt bò hơi đạt 174,8 nghìn tấn, giảm 1,5%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 1,9 triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng thịt gia cầm đạt 439,3 nghìn tấn, tăng 13,7%; sản lượng trứng gia cầm đạt 4,1 triệu quả, tăng 4,6%; sản lượng sữa đạt 2 triệu tấn, tăng 14,2%. Đàn trâu, bò giảm so với cùng thời điểm năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đầu năm, cùng với diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp và hiệu quả chăn nuôi thấp dẫn đến thời gian tái đàn chậm. Riêng đàn bò sữa có xu hướng tăng một mặt do không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, giá sữa nhìn chung ổn định, mặt khác chăn nuôi bò sữa công nghiệp được đầu tư lớn về công nghệ cao và mô hình gắn kết giữa chế biến và phân phối sản phẩm phát triển mạnh bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Đàn lợn mặc dù tăng nhưng chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá thức ăn vẫn ở mức cao, giá thịt lợn hơi lại có xu hướng giảm và dịch bệnh vẫn còn xuất hiện ở một số địa phương. Trong sáu tháng đầu năm, dịch tai xanh trên lợn đã xảy ra tại 125 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số lợn mắc bệnh là 33,8 nghìn con, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2011; số con bị tiêu hủy là 21,7 nghìn con, gấp 1,5 lần. Đáng chú ý là đến nay dịch vẫn tiếp tục lây lan trên một số tỉnh, thành phố. Bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh, một số địa phương sử dụng chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi lợn làm người tiêu dùng e ngại dẫn đến giá lợn hơi trên thị trường giảm nhiều, do đó người chăn nuôi không có lãi.
Chăn nuôi gia cầm phát triển thuận lợi do dịch cúm gia cầm đã được khống chế. Tuy nhiên, do giá bán sản phẩm chăn nuôi gia cầm giảm mạnh trong khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao nên chưa khuyến khích người nuôi mạnh dạn mở rộng đầu tư. Bên cạnh đó, thời tiết đang vào mùa nắng nóng gây nguy cơ tiềm ẩn và bùng phát dịch bệnh cho gia cầm trong thời gian tới.
Tính đến ngày 23/6/2012, dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng trên trâu, bò đã được khống chế; dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Điện Biên, Lạng Sơn, Đồng Nai, Bình Dương và Bạc Liêu.
b. Lâm nghiệp
Thời tiết những tháng gần đây có mưa, tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất lâm nghiệp. So với cùng kỳ năm 2011, diện tích rừng trồng tập trung sáu tháng đầu năm ước tính đạt 53,8 nghìn ha, tăng 4,5%; diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 362,8 nghìn ha, bằng 92,2%; diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi tái sinh đạt 931 nghìn ha, bằng cùng kỳ năm 2011; trồng cây phân tán đạt 108,7 triệu cây, tăng 0,6%.
Khai thác lâm sản tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt sản lượng gỗ khai thác tăng cao do nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng tăng. Giá gỗ nguyên liệu trên thị trường ổn định, đảm bảo có lãi cho người sản xuất. Tính chung sáu tháng, sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 2248,8 nghìn m3, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; củi khai thác 14,6 triệu ste, tăng 2,8%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác nhiều và tăng cao là: Thái Nguyên 62,2 nghìn m3, tăng 139% so với cùng kỳ năm trước; Lâm Đồng 102 nghìn m3, tăng 53%; Quảng Ngãi 160 nghìn m3, tăng 45%; Yên Bái 155 nghìn m3, tăng 38,4%; Quảng Trị 50 nghìn m3, tăng 28%; Phú Thọ 143 nghìn m3, tăng 20,6%.
Công tác phòng chống cháy rừng mặc dù được các cấp, các ngành quan tâm thường xuyên nhưng do thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài nên cháy rừng vẫn xảy ra ở một số nơi, trọng điểm là các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích rừng bị thiệt hại trong sáu tháng là 2211 ha, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1618 ha, tăng 139,5%. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Lai Châu 501 ha; Long An 108,6 ha; Đà Nẵng 103,6 ha; Lào Cai 99,5 ha; Điện Biên 73,4 ha; Bắc Kạn 68,6 ha; Nghệ An 57,3 ha. Diện tích rừng bị chặt phá là 593 ha, bằng 69,1% cùng kỳ năm 2011. Một số địa phương có diện tích rừng bị chặt phá nhiều là: Đắk Nông 144,8 ha; Lâm Đồng 89,5 ha; Kon Tum 67,5 ha; Sơn La 39 ha; Bắc Kạn 9,8 ha.
c. Thủy sản
Sản lượng thủy sản sáu tháng đầu năm nay ước tính đạt 2649,2 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó cá đạt 2047 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm đạt 237,8 nghìn tấn, tăng 6,2%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng sáu tháng ước tính đạt 1386,8 nghìn tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1110,3 nghìn tấn, tăng 6,5%; tôm đạt 169,6 nghìn tấn, tăng 7%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá do thời tiết thuận lợi, người nuôi phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn và nuôi những loại thủy sản có năng suất, giá trị kinh tế cao. Sản lượng cá tra sáu tháng đạt 600 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù sản lượng cá tra tăng cao nhưng nhìn chung chưa ổn định, đầu năm có nhiều thuận lợi về giá nên người nuôi tập trung mở rộng diện tích thả nuôi, nhưng từ trung tuần tháng Ba gặp một số khó khăn do giá cá tra liên tục giảm, chi phí đầu vào như thuốc, thức ăn, nhiên liệu tăng và đặc biệt vốn sản xuất thiếu. Một số địa phương có sản lượng cá tra tăng là: Trà Vinh tăng 97% so với cùng kỳ năm trước; Bến Tre tăng 57,6%; Đồng Tháp tăng 21,8%; Cần Thơ tăng 13%; Vĩnh Long tăng 5,6%. Một số địa phương có sản lượng cá tra giảm là: Kiên Giang giảm 40%; Sóc Trăng giảm 37%; An Giang giảm 8%.
Nuôi tôm phát triển khá. Giá tôm nguyên liệu tăng ổn định ở mức cao, diện tích nuôi nhiễm bệnh năm trước được khắc phục và nuôi trở lại kịp thời. Chất lượng con giống được kiểm soát chặt chẽ hơn và thả nuôi đúng lịch thời vụ, cùng với công tác chữa trị và phòng ngừa dịch bệnh khá tốt nên mặc dù trong kỳ có mưa đầu mùa sớm làm tôm bị bệnh môi trường trên diện rộng, nhưng đến nay phần lớn các diện tích bị bệnh đã được khống chế. Sản lượng tôm sú thu hoạch sáu tháng ước tính đạt 110 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ chân trắng đạt 47 nghìn tấn, tăng 27%. Nuôi trồng các loại cá và thủy sản khác phát triển mạnh. Phong trào nuôi cá rô phi, cá chẽm, cá kèo…tiếp tục được đầu tư trên các đầm phá, hồ đập thủy lợi và ruộng lúa. Nuôi cá hồng, cá mú, cá giò, tu hài, nghêu lụa, sò huyết...phát triển ở các địa phương vùng biển. Nuôi cá lồng bè tăng mạnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với loại thủy sản nuôi chính là cá diêu hồng, cá bống tượng và cá lóc.
Sản lượng thuỷ sản khai thác sáu tháng đầu năm ước tính đạt 1262,4 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 1185,9 nghìn tấn, tăng 4,7%. Khai thác thủy sản sáu tháng đầu năm tăng khá do thời tiết biển tương đối thuận lợi, một số loài hải sản như cá cơm, cá nục, cá trác, cá hố, cá động, cá ngừ, cá bạc má xuất hiện nhiều trên các ngư trường. Bên cạnh đó, ngư dân tập trung khai thác các loài có giá trị kinh tế cao như: Cá thu, cá chim, cá nụ nên hoạt động ra khơi bám biển của ngư dân mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt tăng khá do người dân áp dụng phương pháp câu mới, trong đó sản lượng của Phú Yên đạt 5,5 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; Bình Định đạt 5,1 nghìn tấn, tăng 36%.
Trong kỳ, các địa phương tiếp tục thực hiện tích cực Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ xăng dầu cho tàu có công suất lớn khai thác trên các vùng biển xa bờ và tổ chức triển khai dự án quan sát bằng vệ tinh cho tàu cá có công suất 90CV trở lên, từ đó tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển.
3. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, năng lực quản trị của nhiều doanh nghiệp còn yếu, khả năng cạnh tranh thấp cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Sáu tăng 2% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó công nghiệp khai thác mỏ tăng 3%, đóng góp 1,3 điểm phần trăm; công nghiệp chế biến tăng 4,0%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm. Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng năm nay thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2011 và mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm 2010, trong đó ngành công nghiệp chế biến chiếm khoảng 75% giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp nhưng tăng thấp hơn nhiều mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2011 và mức tăng 12,5% của cùng kỳ năm 2010.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp các tháng của quý II năm nay bước đầu có chuyển biến theo hướng tích cực. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất tháng Ba năm nay tăng 6,5%; tháng Tư tăng 7,5%; tháng Năm tăng 6,8% và tháng Sáu tăng 8%.
Một số ngành công nghiệp giữ được mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Đóng và sửa chữa tàu tăng 68,5%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 35,3%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 20,2%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 15,3%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 14,6%; sản xuất đường tăng 13,4%; sản xuất, tập trung và phân phối điện tăng 14,8%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng khá là: Sản xuất bia tăng 10,5%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 9,9%; khai thác, lọc và phân phối nước tăng 9,8%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất sáu tháng tăng thấp hoặc giảm là: Khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 7,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 5,3%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 4,9%; sản xuất thuốc lá tăng 2,9%; sản xuất giày, dép giảm 1,2%; khai thác và thu gom than cứng giảm 2,7%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 3,4%; sản xuất sắt, thép giảm 4,1%; sản xuất xi măng giảm 5,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,1%; sản xuất đồ uống không cồn giảm 10,8%.
Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn có chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2012 ở mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bình Dương tăng 7,2%; Bà Rịa -Vũng Tàu tăng 6,8%; Đồng Nai tăng 6,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,3%; Hải Phòng tăng 4,4%; Vĩnh Phúc tăng 4,4%; Đà Nẵng tăng 4,1%; Cần Thơ tăng 3,9%; Hà Nội tăng 3,2%; Hải Dương tăng 1,2%.
Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến năm tháng đầu năm chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% của cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao, từ đó bảo đảm mức sản xuất tăng cao là: Sản xuất đường tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước; chế biến và bảo quản rau quả tăng 37,7%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 24,7%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 17,4%; chế biến bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 15,9%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất là: Sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 7,1%; sản xuất thuốc lá, thuốc lào tăng 2,4%; sản xuất sắt, thép tăng 2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 5,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 6,6%; sản xuất giày, dép giảm 6,8%; sản xuất xi măng giảm 9,9%; sản xuất đồ uống không cồn giảm 16%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 25%; sản xuất giấy nhăn và bao bì giảm 28,5%.
Tiêu thụ sản phẩm trong ngành công nghiệp chế biến chậm dẫn đến lượng tồn kho cao. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/6/2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước (Chỉ số tồn kho cùng thời điểm năm trước là 15,9%). Tuy hàng hoá tồn kho vẫn tăng ở mức cao nhưng đã có xu hướng tích cực trong vài tháng gần đây: So với cùng kỳ năm trước, chỉ số tồn kho tháng Ba là 34,9%; tháng Tư là 32,1%; tháng Năm là 29,4% và tháng Sáu là 26%.
Những ngành có chỉ số tồn kho tiếp tục tăng cao là: Sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 113,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 78,7%; sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 59,6%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 41,4%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 30,5%; sản xuất xi măng tăng 29,3%; xay xát và sản xuất bột thô tăng 25,9%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất sản phẩm bơ sữa tăng 8,7%; sản xuất sợi và dệt vải giảm 4,6%; sản xuất giày, dép giảm 6,5%; sản xuất sắt, thép giảm 5,4%; sản xuất đường giảm 26%.
4. Hoạt động xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng sáu tháng đầu năm theo giá hiện hành ước tính đạt 283,3 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực nhà nước đạt 42,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 15%; khu vực ngoài nhà nước 232 nghìn tỷ đồng, chiếm 81,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 8,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,1%. Giá trị sản xuất xây dựng sáu tháng đầu năm chia theo loại công trình như sau: Công trình nhà ở đạt 120,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011; công trình nhà không để ở đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3%; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 92,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 28,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1%.
Giá trị sản xuất xây dựng sáu tháng đầu năm theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 78,1 nghìn tỷ đồng, bằng 99,6% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, bằng 93,2%; khu vực ngoài nhà nước đạt 64 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, bằng 101,5%. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá trị sản xuất xây dựng sáu tháng đầu năm giảm là: Giá trị xây lắp của một số công ty lớn giảm, chỉ đạt 40% cùng kỳ hoặc có tốc độ tăng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước; chính sách thắt chặt đầu tư công của Chính phủ vẫn tiếp tục được thực hiện; lãi suất ngân hàng đã được điều chỉnh giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp khó tiếp cận vay vốn để thi công các công trình.
5. Hoạt động của doanh nghiệp
Theo kết quả điều tra chọn mẫu 9331 doanh nghiệp trên cả nước về thực trạng và tình hình khó khăn của khu vực doanh nghiệp, từ thời điểm 01/01/2011 đến 01/4/2012, số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động chiếm 91,6%; số doanh nghiệp phá sản, giải thể và doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể (gọi chung là doanh nghiệp phá sản, giải thể) chiếm 8,4%, trong đó số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%; số doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,3%.
Trong ba loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ phá sản, giải thể cao nhất (9,1%), tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước (2,7%) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (2,4%). Kết quả điều tra cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể cao nhất với 13,6% tổng số doanh nghiệp điều tra; tiếp đến là khu vực Tây Nguyên 9,9%; Đông Nam Bộ 8,6%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 8,2%; Trung du và miền núi phía Bắc 7,2% và thấp nhất là vùng đồng bằng sông Hồng 6%.
Trong tổng số 784 doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra, có đến 69,9% doanh nghiệp phá sản, giải thể do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,2% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh; 14,7% doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% doanh nghiệp khó khăn về địa điểm sản xuất kinh doanh; 4,6% doanh nghiệp phải đóng cửa để thành lập doanh nghiệp mới hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh và 4,6% doanh nghiệp đóng cửa để sáp nhập với doanh nghiệp khác.
Trong số các doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, có đến 88,4% doanh nghiệp phản ánh họ sẽ không tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới; 11,6% doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới. Trong số doanh nghiệp phá sản, giải thể sẽ thành lập mới, có 38,9% có kế hoạch thành lập mới ngay trong năm 2012; 25% sẽ thành lập mới trong năm 2013; 16,7% sẽ thành lập mới trong năm 2014 và 19,4% sẽ thành lập mới sau năm 2014. Kết quả điều tra còn cho thấy yếu tố gây cản trở lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là lãi suất vay vốn quá cao.
6. Hoạt động dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1137,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,5%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 880,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 18,9%; khách sạn nhà hàng đạt 132,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,7% và tăng 20,2%; dịch vụ đạt 112,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% và tăng 22,3%; du lịch đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 26,6%.
b. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách sáu tháng đầu năm nay ước tính đạt 1657,4 triệu lượt khách, tăng 13% và 68,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 22,7 triệu lượt khách, tăng 9,7% và 14,6 tỷ lượt khách.km, tăng 8,3%; vận tải địa phương đạt 1634,7 triệu lượt khách, tăng 14% và 53,5 tỷ lượt khách.km, tăng 12,1%. Vận tải hành khách đường bộ sáu tháng ước tính đạt 1536,3 triệu lượt khách, tăng 14% và 52,5 tỷ lượt khách.km, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; đường hàng không đạt 6,8 triệu lượt khách, tăng 2,5% và 11 tỷ lượt khách.km, tăng 9,3%; đường sắt đạt 6,1 triệu lượt khách, tăng 2,9% và 2,3 tỷ lượt khách.km, tăng 2,9%; đường biển đạt 3 triệu lượt khách, tăng 1,5% và 170,1 triệu lượt khách.km, tăng 1,9%.
Vận tải hàng hóa sáu tháng đầu năm ước tính đạt 433,6 triệu tấn, tăng 10,1% và 92 tỷ tấn.km, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 414,8 triệu tấn, tăng 12,5% và 33,5 tỷ tấn.km, tăng 1,8%; vận tải ngoài nước đạt 18,8 triệu tấn, giảm 11,3% và 58,5 tỷ tấn.km, giảm 12,1%. Vận tải hàng hoá địa phương sáu tháng đạt 410,2 triệu tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước và 29,8 tỷ tấn.km, tăng 3,2%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 341,5 triệu tấn, tăng 12,6% và 18,3 tỷ tấn.km, tăng 9,7%; đường sông đạt 66,4 triệu tấn, tăng 6% và 6,9 tỷ tấn.km, tăng 6,3%; đường biển đạt 22,1 triệu tấn, giảm 13,5% và 64,6 tỷ tấn.km, giảm 14,2%; đường sắt đạt 3,5 triệu tấn, giảm 6% và 2 tỷ tấn.km, giảm 5%.
c. Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới sáu tháng đầu năm ước tính đạt 5498,9 nghìn thuê bao, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: 13,7 nghìn thuê bao cố định, bằng 41,7% cùng kỳ và 5485,2 nghìn thuê bao di động, tăng 18,4%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 6/2012 ước tính đạt 135,9 triệu thuê bao, tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 15,2 triệu thuê bao cố định, giảm 1,8% và 120,7 triệu thuê bao di động, tăng 2,8%.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng 6/2012 ước tính đạt 4,4 triệu thuê bao, tăng 26,5% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng Sáu năm 2012 ước tính đạt 32,4 triệu người, tăng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2011. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm nay ước tính đạt 74,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2011.
d. Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta trong sáu tháng đầu năm ước tính đạt 3363,4 nghìn lượt người, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 1999,2 nghìn lượt người, tăng 12,7%; đến vì công việc 581,9 nghìn lượt người, tăng 18%; thăm thân nhân đạt 595,7 nghìn lượt người, tăng 16,1%.
Trong sáu tháng đầu năm, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta tăng so với cùng kỳ năm trước là: Trung Quốc 682,3 nghìn lượt người, tăng 3%; Hàn Quốc 369,9 nghìn lượt người, tăng 41,3%; Nhật Bản 289 nghìn lượt người, tăng 22,8%; Hoa Kỳ 244,9 nghìn lượt người, tăng 2,6%; Đài Loan 222,5 nghìn lượt người, tăng 23,8%; Ma-lai-xi-a 145,5 nghìn lượt người, tăng 25,6%; Pháp 112,9 nghìn lượt người, tăng 10,7%; Thái Lan 104,1 nghìn lượt người, tăng 28,6%. Một số nước có lượng khách đến nước ta giảm so với cùng kỳ năm trước là: Cam-pu-chia 164,4 nghìn lượt người, giảm 20,7%; Ôx-trây-li-a 149,5 nghìn lượt người, giảm 1,8%.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
1. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 431,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34,5% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước 158,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng vốn và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước 163 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,7% và tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 110 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,5% và tăng 4,2%.
Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành thực hiện
6 tháng đầu năm 2012
|
Nghìn tỷ đồng
|
Cơ cấu (%)
|
So với cùng kỳ
năm trước (%)
|
TỔNG SỐ
|
431,7
|
100,0
|
110,1
|
Khu vực nhà nước
|
158,7
|
36,8
|
106,8
|
Khu vực ngoài nhà nước
|
163,0
|
37,7
|
118,1
|
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
|
110,0
|
25,5
|
104,2
|
Trong vốn đầu tư thực hiện khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước sáu tháng ước tính đạt 86,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,5% kế hoạch năm và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2011, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 22 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3 kế hoạch năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông vận tải là 3323 tỷ đồng, bằng 44,5% và tăng 10,7%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1977 tỷ đồng, bằng 40,9% và tăng 6,4%; Bộ Xây dựng 769 tỷ đồng, bằng 42,2% và tăng 9,6%; Bộ Y tế 497 tỷ đồng, bằng 44,6% và tăng 6,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 409 tỷ đồng, bằng 44% và tăng 3,5%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 285 tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,9%; Bộ Công Thương 192 tỷ đồng, bằng 42,7% và tăng 7,9%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 64,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,3% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2011. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 7595 tỷ đồng, bằng 31,8% kế hoạch năm và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2011; thành phố Hồ Chí Minh 6683 tỷ đồng, bằng 41,6% và tăng 16,4%; Đà Nẵng 3112 tỷ đồng, bằng 47,0% và giảm 8,3%; Thanh Hóa 1826 tỷ đồng, bằng 48,6% và tăng 16,8%; Quảng Ninh 1638 tỷ đồng, bằng 39,4% và giảm 8,2%; Bà Rịa-Vũng Tàu 1453 tỷ đồng, bằng 38,4% và tăng 4,8%; Hà Tĩnh 1208 tỷ đồng, bằng 55,9% và tăng 7,3%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2012 đạt 6384 triệu USD, bằng 72,3% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đăng ký của 452 dự án được cấp phép mới đạt 4762,1 triệu USD, bằng 75,3% số dự án và bằng 75,4% số vốn cùng kỳ năm 2011; vốn đăng ký bổ sung của 123 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 1621,9 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện sáu tháng đầu năm ước tính đạt 5,4 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng vốn đăng ký của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành sáu tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4021 triệu USD, bao gồm: 2939,2 triệu USD của 193 dự án cấp phép mới và 1081,8 triệu USD vốn tăng thêm; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1578 triệu USD, bao gồm: 1201,6 triệu USD của 04 dự án cấp phép mới và 376,4 triệu USD vốn tăng thêm.
Cả nước có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong sáu tháng đầu năm, trong đó Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 1437,2 triệu USD, chiếm 30,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Phòng 875,1 triệu USD, chiếm 18,4%; Đồng Nai 631,5 triệu USD, chiếm 13,3%; Quảng Ninh 390,4 triệu USD, chiếm 8,2%; Thành phố Hồ Chí Minh 213,2 triệu USD, chiếm 4,5%; Ninh Bình 186,6 triệu USD, chiếm 3,9%; Khánh Hòa 180,3 triệu USD, chiếm 3,8%.
Trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam sáu tháng đầu năm, Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 3536,6 triệu USD, chiếm 74,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 406,7 triệu USD, chiếm 8,5%; Hàn Quốc 272,9 triệu USD, chiếm 5,7%; Xin-ga-po 146,7 triệu USD, chiếm 3,1%; Hà Lan 106,1 triệu USD, chiếm 2,2%.
2. Thu, chi ngân sách nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2012 ước tính đạt 316,8 nghìn tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa 203,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,1%; thu từ dầu thô 52,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 58,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,3%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước 71,1 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 36,2 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 41,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4%; thuế thu nhập cá nhân 23,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4%; thuế bảo vệ môi trường 5,5 nghìn tỷ đồng, bằng 42%; thu phí, lệ phí 3,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,2%.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2012 ước tính đạt 376,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 73,6 nghìn tỷ đồng, bằng 40,9% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 71,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,9%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) ước tính đạt 255,9 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6%; chi trả nợ và viện trợ 47,3 nghìn tỷ đồng, bằng 47,3%.
3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước tính đạt 9,8 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung sáu tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 32,6 tỷ USD, chiếm 61,5% tổng kim ngạch (Cùng kỳ năm 2011 chiếm 54,7%) và tăng 37,3%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm ước tính đạt 52,9 tỷ USD, tăng 21,7%. Điều này cho thấy mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm nay chủ yếu do lượng xuất khẩu tăng, yếu tố giá hầu như không đóng góp vào mức tăng chung và đây là điểm khác biệt với sáu tháng đầu năm 2011. Lượng cao su xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng 41% so với cùng kỳ năm trước; sắn và sản phẩm của sắn tăng 73,5%; hạt điều tăng 44,8%; cà phê tăng 22,3%.
So với cùng kỳ năm trước, trừ mặt hàng hạt tiêu có đơn giá bình quân tăng 26,4%, giá các mặt hàng nông sản khác nhìn chung giảm mạnh, trong đó giá cao su giảm 31,6%; giá sắn và sản phẩm sắn giảm 16,5%; giá hạt điều giảm 10,2%; giá gạo giảm 6,5%; giá cà phê giảm 4,2%. Giá bình quân một số mặt hàng thuộc nhóm khoáng sản tăng so với cùng kỳ năm 2011, trong đó giá dầu thô tăng 5,4%; giá quặng và khoáng sản gấp 1,5 lần.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt chủ yếu như: Điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện, hàng dệt may... Mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực này đóng góp 20,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 1,8 điểm phần trăm.
Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,7 tỷ USD, tăng 129,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,4 tỷ USD, tăng 84,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 2,7 tỷ USD, tăng 43,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 55,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 24,4%. Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch tăng khá là: Hàng dệt may đạt 6,8 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2011; dầu thô đạt 3,8 tỷ USD, tăng 12,5%; giày dép đạt 3,5 tỷ USD, tăng 17,4%; thủy sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 10%; cà phê đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,2%. Riêng xuất khẩu gạo giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2011 với 3,7 triệu tấn, giảm 9,4% và kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, giảm 15,3%.
Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm nay có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản tăng từ 38,4% lên 45,4%; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm từ 38,7% xuống 33,8%; nhóm hàng nông, lâm sản giảm từ 16,9% xuống 15,4%; nhóm hàng thủy sản giảm từ 6% xuống 5,4%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu của nước ta trong sáu tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2011 với một số mặt hàng tăng mạnh như: Máy tính và linh kiện tăng 81%, máy móc tăng 102%, giày dép tăng 20%. Tiếp đến là EU đạt 9,1 tỷ USD, tăng 22,4% với một số mặt hàng tăng mạnh như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 152%, máy vi tính và linh kiện tăng 106%. ASEAN đạt 7,7 tỷ USD, tăng 22,8% với điện thoại các loại và linh kiện tăng 165%, máy vi tính và linh kiện tăng 144%. Nhật Bản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 42,3% với dầu thô tăng 147%, hàng dệt may tăng 24%. Trung Quốc đạt 6,3 tỷ USD, tăng 31,9% với máy vi tính và linh kiện tăng 243%, dầu thô tăng 70%. Hàn Quốc đạt 2,5 tỷ USD, tăng 9,7% với hàng dệt may tăng 26%, hải sản tăng 19%.
b. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 9,9 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 53,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011 (Mức tăng thấp nhất kể từ sau năm 2009 là năm suy giảm kinh tế), bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 25,8 tỷ USD, giảm mạnh ở mức 8,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28 tỷ USD, tăng 26,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu sáu tháng năm nay chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong sáu tháng đầu năm 2012, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 7,7 tỷ USD, tăng 6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,7 tỷ USD, tăng 97,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3%; hóa chất đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,6%; sản phẩm chất dẻo đạt 991 triệu USD, tăng 28,1%. Tuy nhiên, kim ngạch nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó hoá chất đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3%; vải 3,4 tỷ USD, bằng mức cùng kỳ năm trước; chất dẻo đạt 2,3 tỷ USD, giảm 1,7%; thép đạt 3,1 tỷ USD, giảm 1,6%. Riêng ô tô là loại hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu nhiều nên đạt 1 tỷ USD, giảm 34,1% (trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 285 triệu USD, giảm 54,7%).
Cơ cấu hàng nhập khẩu sáu tháng đầu năm cũng có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước: Tỷ trọng nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng từ 27,8% trong sáu tháng đầu năm 2011 lên 32,9% trong sáu tháng đầu năm 2012; nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu giảm từ 64,8% xuống 60,6%; nhóm hàng tiêu dùng giảm từ 7,4% xuống 6,5%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu đạt 13,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2011; tiếp đến là ASEAN đạt 10,4 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 7,2 tỷ USD, tăng 18,1%; Nhật Bản đạt 5,3 tỷ USD, tăng 12,7%; EU đạt 3,8 tỷ USD, tăng 6%; Hoa Kỳ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 10,9%.
Nhập siêu tháng Sáu ước tính đạt 150 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu sáu tháng đầu năm 2012 ước tính 685 triệu USD, bằng 1,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (Nhập siêu cùng kỳ năm trước là 6,7 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu), là mức nhập siêu thấp nhất trong nhiều năm qua và là hệ quả của nền sản xuất vốn chủ yếu sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu nhưng do gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu đầu vào cho sản xuất giảm. Do đó cần có những giải pháp hữu hiệu và đồng bộ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng lượng hàng xuất khẩu, từ đó kích thích thị trường tiêu thụ hàng nhập khẩu ở trong nước trong sự kiểm soát để có mức nhập siêu hợp lý.
4. Chỉ số giá
a. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng đầu năm biến động theo hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2012 đã giảm 0,26% so với tháng trước và ba tháng liên tiếp trước đó chỉ tăng thấp ở mức dưới 0,2% theo hướng mức tăng giảm dần. Đây là tháng đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng liên tục. Trong chín năm qua, đây là lần đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu giảm so với tháng trước. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm là: Giao thông giảm 1,64%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,21%; văn hoá giải trí và du lịch giảm 0,27%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,23% (lương thực giảm 0,78%; thực phẩm giảm 0,31%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,6%); bưu chính viễn thông giảm 0,02%. Các nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước là: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình và nhóm thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng 0,46%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,33%; giáo dục tăng 0,1%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2012 tăng 2,52% so với tháng 12/2011; tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân sáu tháng đầu năm 2012 tăng 12,2% so với bình quân cùng kỳ năm 2011.
Chỉ số giá vàng tháng 6/2012 giảm 2,03% so với tháng trước; giảm 7,51% so với tháng 12/2011 và tăng 9,12% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2012 tăng 0,2% so với tháng trước; giảm 0,8% so với tháng 12/2011 và tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2011.
b. Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản sáu tháng đầu năm 2012 tăng 14,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II giảm 3,69% so với quý trước và tăng 6,94% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp sáu tháng đầu năm 2012 tăng 13,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II tăng 3,2% so với quý trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất sáu tháng đầu năm 2012 tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II tăng 0,83% so với quý trước và tăng 10,06% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá cước vận tải sáu tháng đầu năm 2012 tăng 16,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II tăng 1,73% so với quý trước và tăng 13,44% so với cùng kỳ năm 2011.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá sáu tháng đầu năm tăng 0,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II giảm 0,47% so với quý trước và giảm 3,86% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá sáu tháng đầu năm tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II giảm 1,89% so với quý trước và tăng 0,52% so với cùng kỳ năm 2011.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2012 cả nước ước tính 52,7 triệu người, tăng 1,3 triệu người so với năm 2011, trong đó lao động nam chiếm 51,6%; lao động nữ chiếm 48,4%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 47,1 triệu người, tăng 0,6 triệu người, trong đó nam chiếm 53,7%; nữ chiếm 46,3%. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế năm 2012 ước tính 51,6 triệu người, tăng 1,3 triệu người so với năm 2011, trong đó lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 48,0%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,9%; khu vực dịch vụ chiếm 31,1%.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi sáu tháng đầu năm 2012 là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 3,62%, khu vực nông thôn là 1,65%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi sáu tháng đầu năm 2012 là 3,06%, trong đó khu vực thành thị là 1,92%, khu vực nông thôn là 3,60%.
2. Đời sống dân cư, bảo đảm an sinh xã hội
Được sự quan tâm của Chính phủ cùng với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương nên nhìn chung đời sống đại bộ phận dân cư tương đối ổn định. Theo báo cáo của các địa phương, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong sáu tháng đầu năm 2012 là 2,7 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 636 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 352 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 1717 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Ở khu vực nông thôn, tình trạng thiếu đói giáp hạt từ đầu năm được cải thiện rõ rệt. Trong sáu tháng, cả nước có 359,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 1506,4 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 30,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 20,8 nghìn tấn lương thực và 24,4 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên nghèo tiếp tục được triển khai tại các địa phương nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho nhiều hộ gia đình. Theo Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay tối đa 1 triệu đồng/tháng đối với mỗi học sinh, sinh viên với lãi suất cho vay ưu đãi 0,65%/tháng và số tiền vay một năm tối đa 10 triệu đồng. Tính đến tháng Sáu, tổng số vốn Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho vay ưu đãi đối với các đối tượng nói trên ước tính khoảng 43 nghìn tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2012 sẽ có khoảng 1 triệu học sinh, sinh viên nghèo được hưởng lợi ích từ chính sách này. Đối với người làm công ăn lương, mức lương tối thiểu tăng từ 830 nghìn đồng/tháng lên 1,05 triệu đồng/tháng từ 01/5/2012 áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước cũng phần nào cải thiện đời sống cho người lao động.
3. Giáo dục, đào tạo
Tính đến hết tháng 6/2012, cả nước có 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2011-2012 được tổ chức đúng kế hoạch. Đề thi các môn được đánh giá có tính khoa học và bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình trung học phổ thông, phù hợp với thời gian làm bài và bảo đảm kiểm tra được kiến thức cơ bản cũng như năng lực vận dụng kiến thức, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ của học sinh. Toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi với 2307 Hội đồng coi thi; 40,6 nghìn phòng thi; 124,2 nghìn cán bộ, giáo viên được huy động tham gia coi thi.
Theo báo cáo sơ bộ, cả nước có 963,0 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp phổ thông năm nay, bao gồm: 857,5 nghìn thí sinh trung học phổ thông và 105,5 nghìn thí sinh bổ túc trung học. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi đạt 99,7%, tăng 0,1% so với kỳ thi của năm học trước. Tổng số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là 848,7 nghìn học sinh, đạt tỷ lệ 98,97%, trong đó 2,59% tốt nghiệp loại giỏi; 20,79% loại khá. Số học sinh tốt nghiệp bổ túc trung học năm nay là 91,5 nghìn học sinh, đạt tỷ lệ 85,47%.
Tính đến năm 2012, cả nước có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mạng lưới đào tạo đại học và cao đẳng, trong đó 48 tỉnh, thành phố có đào tạo đại học. Năm học 2011-2012, cả nước có 419 trường đại học và cao đẳng, tăng 5 trường so với năm học trước, bao gồm 337 trường công lập và 82 trường ngoài công lập. Số giáo viên đại học, cao đẳng là 84,2 nghìn người, tăng 12,9% so với năm học trước, đạt tỷ lệ 26 sinh viên bình quân một giảng viên (giảm 3 sinh viên/giảng viên so với năm học trước). Số nữ giáo viên đại học và cao đẳng là 43,1 nghìn người, tăng 16,1%. Nữ giáo viên chiếm gần 49% tổng số giáo viên đại học, cao đẳng và có xu hướng tăng dần qua các năm. Tổng số sinh viên đại học, cao đẳng năm học 2011-2012 là 2,2 triệu người, tăng 2,1%, trong đó số sinh viên hệ công lập là 1,9 triệu người, gấp 6 lần số sinh viên hệ ngoài công lập.
Cũng trong năm học 2011-2012, cả nước có 294 trường trung cấp chuyên nghiệp, tăng 4 trường so với năm học trước, bao gồm 197 trường công lập và 97 trường ngoài công lập. Số giáo viên trung cấp chuyên nghiệp là 19,9 nghìn người, tăng 10,3%; số học sinh trung cấp chuyên nghiệp là 618,9 nghìn học sinh, giảm 9,8%; số học sinh tuyển mới trong năm là 282,9 nghìn người, giảm 15%; số học sinh tốt nghiệp là 216 nghìn người, giảm 10%.
Công tác đào tạo nghề thường xuyên được quan tâm đầu tư mở rộng. Năm 2012, cả nước có 136 trường cao đẳng nghề; 307 trường trung cấp nghề; 850 trung tâm dạy nghề và hơn 600 cơ sở khác có dạy nghề. Số giáo viên dạy nghề đầu năm 2012 là 46,5 nghìn người, giảm 7,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó giáo viên nữ chiếm gần 30% tổng số giáo viên; số học sinh học nghề là 1887,6 nghìn học sinh, tăng 17,7%. Tổng số học sinh học nghề được tuyển mới từ đầu năm là 1789 nghìn lượt người, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 258,6 nghìn lượt người; sơ cấp nghề 910,8 nghìn lượt người; số học sinh học nghề tốt nghiệp là 1673 nghìn lượt người, tăng 14,8%.
4. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trong sáu tháng đầu năm, cả nước có 23,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 11 trường hợp tử vong; 238 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, có 2 trường hợp tử vong; 57,9 nghìn trường hợp mắc bệnh chân tay miệng, trong đó 29 trường hợp tử vong; hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tính từ 19/4/2011 đến 13/6/2012 có 216 trường hợp mắc, 12 trường hợp tử vong tại 5 xã của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Trong tháng Sáu đã phát hiện thêm 1,2 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến giữa tháng 6/2012 lên 256,4 nghìn người, trong đó 104,6 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 53,3 nghìn người tử vong do AIDS. So với tháng 5/2012, số bệnh nhân AIDS giảm 8,5% (49 trường hợp); số trường hợp tử vong do AIDS giảm 29,6% (58 trường hợp).
Riêng trong tháng Sáu trên địa bàn cả nước đã xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 423 người bị ngộ độc, 310 người phải nhập viện và 3 trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 58 vụ ngộ độc thực phẩm với 1901 người mắc, trong đó 14 trường hợp tử vong.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa thông tin sáu tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào công tác thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, tránh được tình trạng ách tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội cũng có nhiều tiến bộ.
Công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa tại các địa phương tiếp tục được tăng cường. Trong năm tháng đầu năm, ngành văn hóa đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 4,8 nghìn lượt cơ sở kinh doanh, qua đó phát hiện 1,4 nghìn cơ sở vi phạm quy định, phạt cảnh cáo 18 cơ sở và số tiền phạt hành chính các cơ sở vi phạm là 12,5 tỷ đồng.
Hoạt động thể dục thể thao quần chúng sáu tháng đầu năm diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút hàng nghìn người tham gia. Ngành thể dục thể thao tập trung lực lượng huấn luận viên và vận động viên thể thao người khuyết tật, thực hiện các công tác chuẩn bị để tham dự vòng loại Paralympic London 2012. Ngoài ra, ngành thể dục thể thao phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều giải thể thao quần chúng, mở các lớp tập huấn, tổ chức Hội khỏe Phù đổng cấp khu vực và chuẩn bị công tác tổ chức Hội khoẻ Phù đổng toàn quốc. Tại các giải thể thao quốc tế được tổ chức sáu tháng đầu năm nay, các vận động viên Việt Nam giành được 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc tại giải cử tạ thế giới và 10 vận động viên đạt chuẩn tham dự Paralympic London 2012.
Trong thể thao thành tích cao, ngành thể dục thể thao đã xây dựng kế hoạch và triệu tập 65 đội tuyển, đội tuyển trẻ các môn thể thao với 13 chuyên gia, 242 huấn luyện viên và 1296 vận động viên để chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic London 2012, Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 3 tại Trung Quốc, SEA Games 27 năm 2013 và ASIAD 17 năm 2014. Bên cạnh đó, ngành thể dục thể thao đã mở 9 lớp đào tạo cho huấn luyện viên và trọng tài, đồng thời tổ chức thành công 95 giải thể thao trong nước và quốc tế tại Việt Nam, tham dự 92 giải quốc tế và cử 9 đội tuyển đi tập huấn, đào tạo tại nước ngoài. Tại các giải thể thao quốc tế được tổ chức trong sáu tháng đầu năm, đoàn Việt Nam đạt 33 huy chương vàng, 50 huy chương bạc và 45 huy chương đồng. Ngoài ra, 15 vận động viên đã giành suất chính thức tham dự Olympic London 2012 ở các môn: Bắn súng, thể dục, taekwondo, judo, vật, kiếm, đua thuyền, cử tạ, cầu lông và 3 vận động viên đạt chuẩn B tham dự Olympic ở các môn bơi lội, điền kinh.
6. Tai nạn giao thông
Trong sáu tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4740 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4732 người và làm bị thương 4017 người. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ tai nạn giao thông giảm 20,5%; số người chết giảm 19,3% và số người bị thương giảm 22,6%. Bình quân 1 ngày trong sáu tháng đầu năm nay, cả nước có 26 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người và làm bị thương 22 người.
7. Thiệt hại do thiên tai gây ra
Trong sáu tháng đầu năm, thiên tai xảy ra liên tiếp gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản cho các địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích; 147 người bị thương; hơn 1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và trên 26 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; gần 73 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng, trong đó 10,4 nghìn ha mất trắng. Các địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai là: Lạng Sơn, Nghệ An và Bình Định có 36 người chết và mất tích; Lào Cai, Bắc Kạn, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Thuận có 10,5 nghìn ngôi nhà bị sập, sạt lở, tốc mái; Hà Tĩnh, Long An, Sóc Trăng và Bạc Liêu có 37,5 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong sáu tháng ước tính khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng, trong đó một số địa phương có giá trị thiệt hại lớn là: Bà Rịa-Vũng Tàu 521 tỷ đồng; Đồng Nai 269 tỷ đồng và Phú Yên 136 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai được triển khai khẩn trương, kịp thời tại các địa phương, góp phần ổn định sản xuất và đời sống dân cư. Theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền mặt cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai trong sáu tháng đầu năm là hơn 2,2 tỷ đồng.
8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Công tác phòng cháy, chữa cháy tuy được các địa phương và các ngành chức năng quan tâm nhưng các vụ cháy nổ vẫn xảy ra ở một số địa phương và diễn biến phức tạp. Trong sáu tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 889 vụ cháy, nổ nghiêm trọng, làm 34 người chết, 69 người bị thương, thiệt hại khoảng 446 tỷ đồng. Riêng tháng Sáu đã xảy ra 198 vụ cháy, nổ, làm 7 người chết, 15 người bị thương với giá trị thiệt hại trên 35 tỷ đồng.
Trong sáu tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1,6 nghìn vụ vi phạm quy định về vệ sinh môi trường tại 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó 1,1 nghìn vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt gần 20 tỷ đồng.
Khái quát lại, kinh tế-xã hội nước ta sáu tháng đầu năm 2012 tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã có những tác động tích cực, bước đầu đạt được một số kết quả: Lạm phát được kiềm chế thể hiện ở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng về lượng, đặc biệt là nông sản. Các dự án, công trình trọng điểm và ưu tiên được đẩy nhanh tiến độ. Đời sống dân cư tiếp tục được quan tâm kịp thời. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến. Trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt cả trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản hoặc có nguy cơ phá sản cao. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng trong nước giảm nên lượng hàng tồn kho ở mức cao. Giá nhiều loại hàng nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm. Lạm phát mặc dù đã giảm nhưng giá nông sản giảm nhiều ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người nông dân. Do đó, nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trong thời gian tới, các ngành các cấp và các địa phương cần tập trung vào một số việc trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ thực sự cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cơ chế phù hợp và được cải thiện hơn về lãi suất vay cũng như điều kiện thủ tục để được vay vốn. Ưu tiên tín dụng đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phụ trợ, sử dụng nhiều lao động. Tăng cường quản lý hoạt động của các ngân hàng, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại các ngân hàng thương mại nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần bảo vệ lợi ích cho các bên tham gia vào hệ thống ngân hàng.
Hai là, thực hiện kiểm toán chặt chẽ các doanh nghiệp, ngăn chặn hoạt động chuyển giá, hạch toán làm tăng chi phí sản xuất; xác định đúng và đầy đủ nợ xấu của doanh nghiệp. Trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức như hiện nay thì việc tăng cường năng lực và chất lượng trong quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong điều hành quản lý sản xuất kinh doanh là việc làm quan trọng và cấp thiết, không chỉ cho mục tiêu trước mắt mà là chiến lược lâu dài bảo đảm sự ổn định vững chắc cũng như sự phát triển của doanh nghiệp trước mọi thách thức.
Ba là, để giảm lượng hàng tồn kho hiện nay, các doanh nghiệp cần tính toán giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, giảm giá bán sản phẩm; đồng thời tập trung hỗ trợ nhà phân phối trong phát triển thị trường tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn và có nhiều biện pháp kích cầu để đẩy mạnh sức mua. Xây dựng hệ thống phân phối mạnh hơn với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, có sự gắn kết trực tiếp và tạo sự tin cậy giữa nhà sản xuất, tiểu thương và người tiêu dùng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là những giải pháp quan trọng để giảm lượng hàng tồn kho cho các doanh nghiệp.
Bốn là, đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cần tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế để giữ ổn định kim ngạch ngay cả trong điều kiện giá cả thế giới biến động bất lợi. Tăng cường kiểm định hàng xuất khẩu; kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nhập khẩu. Tiếp tục nghiên cứu có các giải pháp linh hoạt và hữu hiệu thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường tiềm năng. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, đặc biệt quan tâm đến các thông tin về thay đổi chính sách, áp dụng các biện pháp bảo hộ.
Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội. Chủ động và kịp thời nắm bắt mọi cơ hội để tạo việc làm ổn định cho người lao động. Quan tâm, chăm sóc chu đáo và thực hiện tốt các chính sách đối với những đối tượng nghèo, gia đình có công. Triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho người khó khăn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động phòng ngừa và xây dựng kế hoạch phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai nhằm ổn định nhanh sản xuất và đời sống dân cư.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ