MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Một số nhiệm vụ chủ yếu
- Xây dựng khu đô thị tổng hợp ở Tây - Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh thuộc 3 tỉnh Long An, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển trung tâm đào tạo chất lượng cao tại Bình Dương, các trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm đào tạo nghề trình độ cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khu sinh dưỡng công nghiệp (chuyên nghiên cứu cải tiến kỹ thuật công nghệ cho toàn Nam bộ) và xây dựng tổng kho trung chuyển tại Đồng Nai.
- Xây dựng các tuyến cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Trung Lương và Tây Ninh; đồng thời, chuẩn bị triển khai xây dựng sân bay Long Thành.
2. Phương hướng mới có tính chất đột phá.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từng địa phương phải tiếp tục nỗ lực tăng cường hoàn thiện các giải pháp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh; tăng cường đầu tư củng cố kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp, khu đô thị nhằm tạo bước chuyển biến mạnh hơn cho môi trường đầu tư; vận dụng cơ chế chính sách linh hoạt nhằm khơi thông các nguồn lực; phát triển đào tạo và cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho cả vùng. Đặc biệt cần chú trọng các giải pháp phối hợp liên kết giữa các địa phương và các bộ ngành trong việc điều chỉnh và thực hiện mục tiêu quy hoạch, cải thiện môi trường sinh thái để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Điều mấu chốt trong hệ thống các giải pháp là cần tìm ra những hướng đi mới, những phương thức kết hợp có hiệu quả nhằm phát huy cao độ lợi thế so sánh và khai thác triệt để tiềm năng từng địa phương trong vùng, nâng cao sức cạnh tranh của vùng trong điều kiện hội nhập; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các giải pháp đang thực hiện. Một số quyết định then chốt mang tính đột phá trong giai đoạn tới là:
- Đặc biệt chú trọng yếu tố chuyển giao công nghệ, gắn nghiên cứu, ứng dụng, triển khai với sản xuất; đảm bảo quá trình công nghiệp hoá vùng đi đôi với hiện đại hoá. Xây dựng khu sinh dưỡng công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học mới, thúc đẩy hiện đại hoá của vùng, bố trí tại Bình Dương.
- Xây dựng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học và chuyển giao công nghệ có tầm cỡ quốc gia và quốc tế tại Đồng Nai và Bình Dương.
- Xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao cho cả vùng đặt tại Bình Dương, theo hướng liên kết liên doanh. Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, cung cấp đội ngũ công nhân có tay nghề trình độ cao.
- Xây dựng tổng kho trung chuyển tập kết hàng hóa từ các cảng biển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự phát triển cho cả vùng, nhằm giảm bớt mật độ xe ô tô trên các trục giao thông chính; dự kiến xây dựng tại tỉnh Đồng Nai.
- Xây dựng khu đô thị mới khoảng 6.000 ha tại vùng giáp ranh giữa TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, tỉnh Tây Ninh (thuộc các huyện Đức Hoà, Trảng Bàng, Củ Chi). Đối với các đô thị lớn khác, thực hiện đồng thời cải tạo, chỉnh trang và hiện đại hoá khu vực nội thành, đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giữa các khu vực.
3. Định hướng điều chỉnh quy hoạch
3.1. Về mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung
- Đến năm 2010, phấn đấu đạt tỷ trọng GDP công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là 96 - 97%, nông nghiệp chiếm khoảng 3 - 3,5% tổng GDP (trong đó công nghiệp: 52 - 53%, dịch vụ: 43 - 44%). Dự kiến đến năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ khoảng 98%, tỷ trọng nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 2%.
- Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng số việc làm có năng suất cao, sử dụng ít vốn và tiêu hao ít năng lượng hơn; sử dụng đất có hiệu quả hơn, trên cơ sở phát triển các ngành công nghệ cao và sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Nâng tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu đưa lên trên 20% - 30% lao động xã hội. Giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp từ 35% xuống còn 25 - 30% vào năm 2010 và 15 - 20% vào năm 2020.
3.2. Về cơ cấu sản phẩm chủ lực và lĩnh vực ưu tiên
Tiếp tục phương hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm cần đặc biệt chú trọng tăng nhanh hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ, cần có cơ chế ưu đãi đầu tư cho các ngành, các doanh nghiệp sử dụng thành tựu khoa học mới, khuyến khích đi ngay vào công nghệ hiện đại.
- Về công nghiệp, sản phẩm chủ lực phải là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh lớn, hàm lượng chất xám cao như: sản phẩm phần mềm, sản phẩm điện tử công nghiệp và dân dụng; dầu khí và các sản phẩm hoá dầu; thép vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí chế tạo, thiết bị, phụ tùng và sửa chữa; chế biến lương thực thực phẩm, dệt, da, may...
- Về cơ cấu mặt hàng cần có sự phát triển đồng bộ giữa sản phẩm xuất khẩu và thay thế nhập khẩu. Chú trọng phát huy lợi thế về tiềm năng lao động của vùng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm khai thác nguồn vốn và công nghệ mới. Đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành trung tâm mạnh ở Đông Nam Á về sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, dịch vụ tin học viễn thông.
Để đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hoá chất lượng cao phục vụ nhu cầu dân cư đô thị, khu công nghiệp và xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cần chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hoá, sản phẩm đa dạng, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, chất lượng sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm, rau, hoa quả, cây cảnh... cho dân cư đô thị và dân cư các khu công nghiệp.
- Về dịch vụ, sản phẩm chủ lực và lĩnh vực ưu tiên là các loại dịch vụ cao cấp, các dịch vụ có chất lượng cao phục vụ các đối tượng dân đô thị, nông thôn khu vực phía Nam, đặc biệt là dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng; dịch vụ du lịch chất lượng cao; viễn thông, vận tải quốc tế; dịch vụ chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường chứng khoán...
3.3. Phương hướng phát triển ngành và lĩnh vực chủ đạo
Đối với công nghiệp:
(1) Các hướng ưu tiên:
- Ưu tiên phát triển những ngành mũi nhọn có hàm lượng công nghệ cao (công nghệ tin học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vi sinh) và các ngành công nghiệp bổ trợ mà vùng có thế mạnh, làm nòng cốt thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa của vùng và các vùng lân cận. Tăng cường phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp, vật liệu mới, khí - điện - đạm.
- Phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển chung và hội nhập quốc tế. Đồng thời coi trọng phát triển các ngành công nghiệp sử dụng lao động có trình độ cao, các sản phẩm có sức cạnh tranh để xuất khẩu.
- Phát huy năng lực nội sinh thông qua tăng tỷ lệ nội địa hoá, triển khai mạnh mô hình các ngành công nghiệp hỗ trợ, gắn bó mật thiết với các ngành sản xuất chủ lực với vai trò cung cấp linh kiện, phụ liệu, sửa chữa, bảo dưỡng... Phát huy vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có hướng đi ngay vào công nghệ hiện đại đi đôi với bảo vệ môi trường.
- Ưu tiên phát triển lĩnh vực điện tử - tin học để làm tiền đề cho các lĩnh vực khác phát triển. Phấn đấu đến năm 2010, công nghiệp điện tử - tin học trở thành ngành mũi nhọn, định hướng xuất khẩu, từng bước phát triển đồng bộ cả phần cứng, phần mềm, trong đó ưu tiên phát triển phần mềm. Đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trung tâm mạnh về sản xuất linh kiện điện tử, trung tâm mạnh về sản xuất phần mềm ở khu vực Đông Nam Á.
- Tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như : khai thác dầu khí; sản xuất điện, phân bón, hóa chất từ dầu khí; cơ khí chế tạo; chế biến nông - lâm sản - thực phẩm; điện tử và công nghiệp sản xuất phần mềm; sản xuất hàng tiêu dùng dệt may - giầy da - nhựa; công nghiệp vật liệu xây dựng. Tăng tỷ trọng công nghiệp chế tác, công nghiệp công nghệ cao.
- Khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp và khu chế xuất đã được cấp giấy phép; tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào để nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp.
- Điều chỉnh lại hướng phân bố công nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên và dư địa của các tỉnh chưa phát triển (có mật độ sản xuất công nghiệp chưa tập trung cao, môi trường thiên nhiên chưa bị hủy hoại), phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Hướng điều chỉnh là bố trí chuyển công nghiệp sang các tỉnh mới nhập Long An, Bình Phước, Tây Ninh, chủ yếu là công nghiệp chế biến nông sản và sử dụng nhiều lao động.
Đối với dịch vụ
- Tiếp tục phát triển và nâng cao vai trò trung tâm dịch vụ mạnh của vùng đối với cả nước và khu vực; ngoài trung tâm du lịch và dịch vụ lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, tập trung phát triển dịch vụ du lịch biển ở Vũng Tầu, Côn Đảo. Phát triển các khu thương mại cửa khẩu với Campuchia.
- Tập trung phát triển toàn diện các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, vui chơi giải trí cao cấp, dịch vụ công nghệ, viễn thông, vận tải quốc tế; phát triển thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường chứng khoán; phát huy có hiệu quả các tổ chức tài chính, các cơ quan đào tạo, dịch vụ y tế và nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế.
- Phát triển mạnh du lịch gắn liền với việc bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, khu bảo tồn thiên nhiên. Chú trọng phát triển các tuyến du lịch trọng điểm. Gắn du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với các vùng khác trong nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các loại hình du lịch, đẩy mạnh phát triển các trung tâm thông tin và tư vấn phát triển du lịch, gắn liền với xây dựng hệ thống an ninh và an toàn du lịch.
Đối với nông nghiệp
- Đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hoá chất lượng cao phục vụ đô thị và xuất khẩu; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Phát triển nông nghiệp nhiệt đới hàng hoá lớn trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến hiện đại. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao nâng cao giá trị trên mỗi ha. Hướng ưu tiên là cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa, cây cảnh và chăn nuôi bò sữa.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch.
- Phát triển lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi núi trọc (tập trung ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai); tăng nhanh việc trồng và sớm ổn định rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt giữ diện tích rừng ngập mặn của huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) và ven biển của Bà Rịa - Vũng Tàu, chú trọng rừng nguyên liệu giấy, rừng quốc gia và rừng đầu nguồn Trị An. Hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn chủ yếu hướng vào việc khoanh nuôi và bảo về rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ.
- Trồng mới khoảng 30 - 50 ngàn ha diện tích đất trống chưa sử dụng để duy trì diện tích rừng ở mức trên 540.000 ha trong đó rừng phòng hộ khoảng 200.000 ha, đạt độ che phủ khoảng 23%.
- Phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến và các dịch vụ nghề cá. Phấn đấu sản lượng thủy sản đạt mức xấp xỉ 40 ngàn tấn. Ưu tiên việc thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đầu tư các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung sản xuất hàng hoá tại Long Đất - Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm thương mại thuỷ sản quốc gia có tầm cỡ quốc tế.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Xây dựng cơ chế phối hợp hợp lý giữa các địa phương trong vùng về triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch và dự án trong lĩnh vực thương mại .
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hoá - xã hội
(1) Giáo dục, đào tạo:
Tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo, tạo chuyển biến tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cả bề rộng lẫn bề sâu; đặc biệt phát triển đào tạo chất lượng cao.
Bên cạnh việc phát triển hệ thống đào tạo, khuyến khích mở thêm các cơ sở dạy nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật cho các khu công nghiệp. Chú trọng đào tạo các ngành kinh tế, kỹ thuật phục vụ sự phát triển các ngành dịch vụ hiện đại, dựa trên công nghệ cao. Đầu tư nâng cao năng lực và mở rộng qui mô đào tạo hợp lý đối với các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, triển khai xây dựng mạng lưới trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu ở một số ngành ưu tiên phục vụ nhu cầu phát triển của vùng đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực.
Thực hiện phổ cập trung học cơ sở đạt 100% số xã vào năm 2010.
(2) Văn hoá - xã hội:
Phát huy giá trị kinh tế của các hoạt động văn hoá truyền thống và đưa các hoạt động này vào nề nếp. Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững theo mô hình gia đình ít con, gia đình nhiều thế hệ sinh sống. Xây dựng môi trường kinh tế xã hội - tự nhiên an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.
Giữ vững trật tự an toàn xã hội, xây dựng tâm lý tăng trưởng trong toàn xã hội; giảm thiểu các tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông. Tiếp tục tạo nhiều việc làm gắn với xoá đói, giảm nghèo.
Đối với kết cấu hạ tầng có ý nghĩa then chốt
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, đảm bảo phát triển một cách cân đối, đồng bộ, đi trước một bước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế
(1) Đường bộ:
Ưu tiên trước hết các tuyến trục và các tuyến vành đai nhằm củng cố mối liên kết trung tâm với vùng ngoại vi và giải toả ách tắc; mở các tuyến cao tốc mới. Việc phát triển các tuyến giao thông cần cân nhắc về tính hợp lý giữa trục xuyên á và các trục liên vùng, trên cơ sở các dự báo về nhu cầu vận tải và khả năng nguồn vốn đầu tư.
- Tiếp tục hoàn thành nâng cấp quốc lộ 50, 20, 22 b, tuyến N 2... nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên... và có phương án tạo tuyến liên kết mới.
- Xây dựng các tuyến đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, đi Long Thành và đi Vũng Tàu nhằm giảm bớt mật độ vận chuyển trên tuyến Quốc lộ 51.
Tiếp tục cải tạo, tiến tới hiện đại mạng lưới giao thông tại các đô thị trong vùng. Xây dựng phương án hoàn thiện mạng lưới giao thông cho thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó đặc biệt chú trọng quy hoạch, đầu tư phát triển vận tải công cộng hành khách, nghiên cứu xây dựng hệ thống cầu qua sông, xe điện chạy trên cao.
(2) Đường thuỷ:
Hoàn thiện, cải tạo và nâng cấp các tuyến nối với đồng bằng sông Cửu Long, trong đó quan trọng là 2 tuyến: Tuyến Sài Gòn - Cà Mau; Sài Gòn - Kiên Lương hiện bằng vốn ODA.
(3) Đường sắt:
Giai đoạn 2006 - 2010 nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt từ thành phố Hồ Chí Minh đi Bà Rịa - Vũng Tàu, gắn hệ thống cảng biển với các khu công nghiệp trên hành lang đường 51, thành phố Hồ Chí Minh đi Phnômpênh, Tây Nam bộ và Tây Nguyên theo quy hoạch của ngành.
(4) Sân bay:
Hoàn thành việc hiện đại hóa ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Nghiên cứu phát triển sân bay quốc tế thứ 2 tại Long Thành để đón đầu khi sân bay Tân Sơn Nhất có quy mô khách vượt công suất cho phép. Nghiên cứu cải tạo sân bay Cỏ ống - Côn Đảo phục vụ du lịch và phát triển kinh tế xã hội của đảo gắn với miền Đông Nam bộ.
(5) Cảng biển:
- Việc phát triển các cảng biển của vùng tiếp tục rà soát lại cho hợp lý đối với toàn địa bàn và đối với mỗi địa phương, xây dựng hệ thống cảng có tổng công suất thông qua khoảng 100 triệu tấn/năm. Sớm hoàn thành phương án và thực hiện việc di chuyển cảng ra khỏi khu vực nội thành của thành phố Hồ Chí Minh. Thành lập Hội đồng quản trị hệ thống cảng một đầu mối đảm bảo quản lý hệ thống cảng toàn diện và có hiệu quả trên toàn địa bàn.
(6) Bưu chính viễn thông:
Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin của khu vực có công nghệ hiện đại, thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, hoạt động hiệu quả nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của khu vực.
(7) Cấp, thoát nước:
Xây dựng, rà soát quy hoạch cấp, thoát nước trên toàn vùng, đặc biệt là các khu vực đô thị, khu vực tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống giao thông, các công trình cấp thoát nước phải được nâng cấp, phát triển từng bước theo quy hoạch hiện đại, ngang tầm về công nghệ và tổ chức quản lý của các đô thị văn minh, tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đối với một số tỉnh sử dụng nguồn nước mặt cần tính đến việc ảnh hưởng của môi trường nước do việc xử lý chưa tốt nước thải của các khu công nghiệp.
+ Cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.
+ Khi xây dựng các nhà máy, các khu công nghiệp phải xây dựng đồng thời các công trình xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
+ Nghiên cứu xây dựng các khu vực chứa chất thải, các nhà máy xử lý chất thải cho các đô thị.
Kết cấu hạ tầng xã hội
(1) Giáo dục, đào tạo:
Tăng cường đầu tư, cải tiến tạo bước chuyển biến tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cả bề rộng lẫn bề sâu.
Bên cạnh hệ thống đào tạo chính qui và bán chính qui hiện có, cần chú trọng, khuyến khích các cơ sở dạy nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật cho các khu công nghiệp. Chú trọng đào tạo các ngành kinh tế, kỹ thuật phục vụ sự phát triển các ngành dịch vụ hiện đại, dựa trên công nghệ cao. Đầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng qui mô đào tạo của các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Phấn đấu một số ngành ưu tiên phục vụ nhu cầu phát triển của vùng đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực.
(2) Mạng lưới y tế, văn hoá, xã hội:
Cần chú trọng vấn đề xã hội hoá y tế nhằm huy động sự đóng góp của toàn dân. Phát triển các cơ sở, trang thiết bị và các dịch vụ y tế; đáp ứng các loại nhu cầu khác nhau của các tầng lớp xã hội; đảm bảo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ các dịch vụ y tế. Bên cạnh hệ thống y tế do Nhà nước đầu tư, quản lý, cần mở rộng các dịch vụ y tế trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Nâng cao chất lượng chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu không chỉ của người dân trong vùng mà cả những người nước ngoài đang làm việc trong các liên doanh và khách du lịch. Xây dựng bệnh viện chất lượng cao ở ngoại vi thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo có các trang thiết bị chữa bệnh tiên tiến và hiện đại.
- Thực hiện nâng cao một bước về sức khoẻ người dân, tăng tuổi thọ bình quân lên 70 tuổi; phòng chống dịch bệnh có hiệu quả... thực hiện mọi biện pháp y tế và xã hội ngăn chặn bệnh dịch HIV- AIDS...
- Tổ chức sắp xếp lại và củng cố, tăng cường mạng lưới y tế xã phường và cộng đồng, bảo đảm 100% thôn xã có nhân viên y tế; 100% trạm y tế cơ sở, y tế xã có bác sĩ.
-Giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm 0,65%, phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ lao đông qua đào tạo là 66%. Giảm tỷ lệ hộ hộ đói nghèo còn dưới 2% năm 2010.
- Khôi phục các hoạt động văn hoá truyền thống. Xây dựng các trung tâm hoạt động văn hoá. Nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng phát thanh, truyền hình. Đầu tư xây dựng mới tháp truyền hình trung ương.
3.4. Phát triển hệ thống đô thị, khu kinh tế tổng hợp và khu công nghiệp tập trung
3.4.1. Phát triển hệ thống đô thị, khu kinh tế tổng hợp
- Quy hoạch hợp lý không gian đô thị. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện đầu tư và xây dựng. Kết hợp cải tạo, chỉnh trang khu đô thị cũ và mở rộng khu đô thị mới theo đúng quy hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu về quy hoạch, kiến trúc đô thị, tiện ích công cộng và các chỉ tiêu khác cho đô thị văn minh hiện đại.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho một số thành phố, đô thị lớn đang có những động thái phát triển hoặc những thay đổi về mặt hành chính lớn như: thành phố Hồ Chí Minh dưới tác động của tăng dân số cơ học phát triển theo hướng đa trung tâm, nối kết với các tỉnh trong khu vực bằng những hành lang đô thị hoá; Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển trung tâm hành chính về Bà Rịa; đối với tỉnh Đồng Nai ngoài thành phố Biên Hoà sẽ phát triển các đô thị mới ở Nhơn Trạch, Long Thành; Đối với Bình Dương sẽ chuyển dịch đô thị và công nghiệp lên phía Bắc tỉnh. Ở Long An gắn phát triển khu công nghiệp với đô thị trên địa bàn có sự phối kết hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng.
- Phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh các thành phố lớn gắn với các khu công nghiệp và từ đó hình thành các chùm đô thị có quy mô lớn. Hình thành các đô thị mới có quy mô dân số khoảng 70 đến 100 vạn dân ở Phú Mỹ, Long Sơn, Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Dĩ An - Tân Uyên (Bình Dương), Tam Phước, Nhơn Trạch (Đồng Nai)...
- Quy hoạch, cải tạo vùng nông thôn kết hợp với việc hình thành các đô thị ngoại vi, các huyện lỵ mở rộng và các khu dân cư đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung; các thị trấn, thị tứ cũng sẽ được nâng cấp và hình thành thêm.
3.4.2. Phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao, hình thành khu sinh dưỡng công nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển khu công nghệ cao hiện có và nghiên cứu xây dựng khu sinh dưỡng công nghiệp nhằm đảm bảo yêu cầu cải tiến kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp; củng cố hoàn thiện các khu công nghiệp hiện có:
- Triển khai mạnh, đưa vào hoạt động khu công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh.
- Trong những năm tới, cần tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp hiện đã được cấp phép xây dựng và đầu tư. Rà soát lại quy hoạch khu công nghiệp của toàn vùng để đảm bảo sự phát triển bền vững, cân đối. Chú trọng việc xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp như nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm đào tạo nghề, khu thương mại, khu vui chơi giải trí.... Hoàn thành cơ bản hệ thống khu công nghiệp vơi số lượng 47 khu (tổng diện tích khoảng 7.539 ha). Có quy hoạch và kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng các điểm dân cư gắn với khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống cho những người từ nơi khác tới làm việc.
Xây dựng thêm một khu chuyên nghiên cứu cải tiến kỹ thuật công nghệ cho các xí nghiệp hiện đang hoạt động (gọi là khu sinh dưỡng công nghiệp) trong vùng kinh tế trọng điểm và cả cho vùng đồng bằng sông Cửu long và một phần cho các vùng khác.
Theo tính toán khi các khu công nghiệp hiện có trên địa bàn được lấp kín, số lao động trong các khu công nghiệp sẽ lên tới gần 50 vạn. Do vậy, cần chú trọng việc phát triển các cơ sở đào tạo lao động cho vùng. Xúc tiến các hoạt động thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong các khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2005 lấp đầy khoảng 60 - 70% diện tích đất công nghiệp trong các khu công nghiệp hiện có và dần lấp đầy tới mức hợp lý diện tích trong giai đoạn sau 2010.
3.4.3. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá
- Sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo (cao đẳng, đại học và dạy nghề) theo hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn. Việc phát triển các cơ sở đào tạo ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh cần tính tới nhu cầu đào tạo của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
- Có kế hoạch đào tạo hàng nghìn doanh nhân giỏi và hàng chục vạn lao động kỹ thuật lành nghề đáp ứng nhu cầu cho các ngành kinh tế quốc dân và xuất khẩu; đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách có trình độ cao. Có chính sách trọng dụng nhân tài.
- Nghiên cứu xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao cho cả vùng phân bố gần khu công nghệ cao, gần thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm đào tạo lớn của vùng và của cả nước.
3.4.4. Tổ chức rà soát lại quy hoạch phát triển trên toàn vùng, tiến hành điều chỉnh, nâng cao tính thiết thực và tăng cường hiệu lực.
Tập trung rà soát qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng (đặc biệt tập trung rà soát quy hoạch phát triển đô thị, các hành lang kinh tế, các khu công nghiệp, hệ thống cảng biển...). Trên cơ sở đó, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Sau khi tiến hành rà soát các quy hoạch tổng thể, các ngành, các địa phương cần triển khai nhanh chóng các quy hoạch chi tiết có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo kịp thời thông báo quy hoạch đã được điều chỉnh đến các cấp và người dân.
3.4.5. Cải tiến cơ chế, chính sách, thu hút thêm nguồn vốn cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
So với nhiều vùng và địa phương trong cả nước, cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tương đối cởi mở hơn và thông thoáng hơn, tuy nhiên thực tế cho thấy quy mô vốn đầu tư huy động được còn thấp xa so với nhu cầu và khả năng, và các giải pháp huy động vốn cũng còn tỏ ra kém hiệu lực, chưa đủ linh hoạt. Thời gian qua, nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển chỉ mới đáp ứng khoảng 70% so với nhu cầu qui hoạch của vùng. Vốn trong dân và doanh nghiệp huy động được còn ít và vốn huy động được sử dụng chưa đúng hướng, hiệu quả thấp. Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, đầu tư cho cho sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng giai đoạn hiện tại và chưa tạo tiền đề cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo. Để đảm bảo vốn cho phát triển, các cấp, các ngành cần có chương trình hành động phối hợp tăng cường các giải pháp huy động các nguồn vốn:
- Trước hết, cần có biện pháp khuyến khích toàn xã hội và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Tập trung hướng đầu tư phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của vùng. Quản lý tốt hơn thị trường nhà và đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo thêm vốn từ quỹ đất.
- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, tiếp tục sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, giải phóng nhanh nguồn lực từ các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
- Tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện nhanh việc cải cách hành chính đối với khu vực quản lý hành chính nhà nước, tinh giảm biên chế, mở rộng áp dụng khoán chi hành chính để có điều kiện tăng lương cho đội ngũ công chức nhà nước, thực hiện cơ chế trả lương cho công chức căn cứ vào hiệu quả công việc; áp dụng cơ chế tự trang trải kinh phí đối với đơn vị sự nghiệp có thu.
- Đối với các doanh nghiệp, xoá bỏ cơ chế xét duyệt quỹ lương, cho phép doanh nghiệp được quyền trả lương cho người lao động trên cơ sở hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan chức năng. Giải phóng nhanh nguồn lực từ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
- Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc gia và vai trò chủ đạo của Trung ương, đồng thời nâng cao tính chủ động điều hành tài chính của các địa phương trong vùng và các ngành trong phạm vi trách nhiệm được giao.
- Đi đầu trong việc giảm tối đa các khoản chi bao cấp, tăng cường công khai tài chính, ngân sách các cấp; tiếp tục đổi mới chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện các chính sách xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.
- Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần thực hiện đổi mới cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư; ưu tiên phát triển các lĩnh vực then chốt: công nghiệp công nghệ cao, đường cao tốc, cảng biển, công nghệ sinh học, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và đầu tư bảo vệ môi trường. Do đó bố trí cơ cấu đầu tư như sau:
+ Tập trung khoảng 50 - 55% đầu tư xã hội cho phát triển sản xuất kinh doanh.
+ Dành 9 - 10% đầu tư xã hội cho phát triển nguồn nhân lực.
+ Đảm bảo 35 - 36% vốn đầu tư giao thông vận tải cho phát triển đường cao tốc.
+ Dành tỷ lệ thích đáng vốn đầu tư cho vấn đề bảo vệ sinh thái môi trường và xử lý chất thải (trước hết là chất thải rắn).
3.4.6. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ cao, các công nghệ mới trong các ngành sản xuất và dịch vụ
Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập cần khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án của các doanh nghiệp, nhà nước sớm đưa công nghệ cao, công nghệ mới vào ứng dụng trong sản xuất. Đây là giải pháp có ý nghĩa then chốt.
Các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch, xây dựng và phát triển công nghệ phần mềm tuy bước đầu đã được phát triển. Theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, tỷ lệ công nghệ truyền thống sử dụng nhiều lao động vẫn còn khá cao trong các khu công nghiệp, đặc biệt trong các ngành lắp ráp và gia công. Cần có những chính sách một mặt tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch vào những thành phố lớn, mặt khác phân bố lại những dự án công nghệ sử dụng nhiều lao động cho các tỉnh đông dân, có trình độ phát triển thấp hơn.
3.4.7. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội
Tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hạ tầng giao thông, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại thành phố Hồ Chí Minh, ưu tiên trước hết các điểm nút chính bằng cách nâng cấp, hiện đại hoá các tuyến trục và ngoại vi; tiếp tục tăng cường các giải pháp giải toả mật độ tập trung quá cao tại các đô thị trung tâm. Hệ thống mạng lưới điện, cấp thoát nước... của thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn trong vùng được thiết kế cho qui mô dân số của một hai thập kỷ trước hiện đã quá tải, không còn đáp ứng được nhu cầu, làm cho môi trường sống đô thị xuống cấp, cũng cần sớm đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại. Mặt khác tiếp tục kiềm chế tăng dân số cơ học theo mục tiêu đã quy hoạch, phân bố hợp lý dân cư dựa trên định hướng phân bố lực lượng sản xuất trên địa bàn vùng và từng tỉnh. Rà soát qui hoạch hệ thống cảng biển của vùng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung và nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá của các khu công nghiệp nói riêng.
3.4.8. Xây dựng không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh trên toàn địa bàn vùng kinh tế trọng điểm, tạo sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau có hiệu quả và phát huy lợi thế của tất cả các tỉnh.
Trên cơ sở qui hoạch phát triển được duyệt, xây dựng cơ chế để tăng cường liên kết vùng và quản lý vùng, phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh trong thế liên kết chung của vùng, tính toán tăng hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả sử dụng tài nguyên và nguồn lực, giảm áp lực giải quyết việc làm. Trước hết cần giảm bớt sự tập trung phát triển quá mức vào thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục dãn bớt các cơ sở công nghiệp về khu vực trung du miền núi của Đồng Nai và Bình Dương và các tỉnh mới nhập Tây Ninh, Bình Phước, Long An; đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp hiện có, phát triển mới thêm tại các tỉnh mới sát nhập tạo điều kiện cho các tỉnh này bứt lên, hoà nhập với toàn vùng và từng bước phát triển lan toả ra khu vực xung quanh.