I - CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA VI (1976-1981)
Sau ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã liền một dải. Tuy nhiên trên thực tế đã tồn tại hai Chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ ngày 15-11 đến ngày 21-11-1975, tại Sài Gòn-Gia Định đã diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị bàn vấn đề thống nhất Việt Nam về mặt Nhà nước. Hội nghị Hiệp thương chính trị đã quyết định Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước.
Ngày 25-4-1976, Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất đã được tiến hành trong cả nước.
Từ ngày 24-6 đến 3-7-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp tại Thủ đô Hà Nội thảo luận và thông qua báo cáo Chính trị và các Nghị quyết quan trọng:
1- Tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô, Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất:
- Tên nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
- Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Thủ đô: Hà Nội
- Quốc ca: Bài Tiến quân ca.
2- Khoá Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 là Quốc hội khoá VI.
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa VI
Nhân dân khu vực 3, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa VI
Nhân dân Thành phố Huế bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa VI
Nhân dân Tây Nguyên bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa VI
3- Tổ chức và hoạt động của Nhà nước trong khi chưa có Hiến pháp mới.
4- Thành lập ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5- Chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.
6- Thành lập 6 ủy ban của Quốc hội.
Quốc hội đã bầu:
Chủ tịch nước: Cụ Tôn Đức Thắng
Phó Chủ tịch: Ông Nguyễn Lương Bằng, Ông Nguyễn Hữu Thọ.
Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ông Trường-Chinh
Thủ tướng Chính phủ: Ông Phạm Văn Đồng.
Quốc hội đã thông qua danh sách Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Chính phủ và các ủy ban của Quốc hội.
Về đơn vị hành chính, sau ngày đất nước thống nhất, cả nước chia thành 38 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 15-7-1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết 254-NQ/TW về những công tác trước mắt ở miền Nam.
Ngày 3-8-1976, Thủ tướng Chính phủ Quyết định việc giao nhiệm vụ cho quân đội xây dựng kinh tế dưới các hình thức tổ chức: Lực lượng chuyên xây dựng và sản xuất là lực lượng chính quy của quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế lâu dài; Các xí nghiệp công nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhận thêm nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng quốc kế dân sinh;
Các lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu kết hợp sản xuất, xây dựng.
Ngày 18-9-1976, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định về việc:
- Thành lập thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng;
- Thành lập huyện Côn Sơn trên đảo Côn Sơn thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
- ở những đảo có dân số trên dưới 1.000 dân thì được thành lập xã.
Ngày 25-9-1976, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định về chính sách xoá bỏ triệt để tình trạng chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 25-9-1976, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về chính sách đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam. Đây là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm hướng dẫn và cải tạo kinh tế tư bản tư doanh đi dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội thông qua con đường cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Ngày 14-10-1976, Chính phủ Quyết định thành lập Tổng cục Khí tượng và Thuỷ văn trực thuộc Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Nha Khí tượng và Cục Thuỷ văn.
Ngày 16-10-1976, Thủ tướng Chính phủ Quyết định huyện Côn Sơn (trên đảo Côn Sơn) thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 20-10-1976, Chủ tịch nước ký lệnh tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 97 đơn vị và 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc quân đội nhân dân Việt Nam đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.
Từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng - Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, Đại hội đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã thảo luận và nhất trí quyết định những vấn đề lớn của đất nước: Quyết định đường lối Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn mới; Quyết định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980); Quyết định đường lối xây dựng Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới; đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đã thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do ông Lê Duẩn làm Tổng Bí thư.
KẾ HOẠCH 5 NĂM 1976-1980
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của kế hoạch 5 năm (1976-1980) do Đại hội IV đề ra là tập trung lực lượng phát triển sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; đồng thời đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp nặng; phát triển giao thông vận tải; đẩy mạnh xây dựng cơ bản; chuyển hướng công tác lưu thông, tài chính, ngân hàng theo nhu cầu cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa; mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò then chốt của cách mạng khoa học-kỹ thuật; xây dựng, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hoá, cải thiện một bước đời sống nhân dân.
Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách cụ thể nhằm động viên toàn Đảng, toàn dân phát huy những thuận lợi, ra sức khắc phục mọi khó khăn phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và những mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm.
Từ ngày 11 đến ngày 15-1-1977, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá VI đã nghe và thảo luận báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch Nhà nước năm 1977, một kế hoạch thống nhất chính thức đầu tiên của Việt Nam.
Ngày 12-5-1977, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Tuyên bố quy định về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 24-6-1977, Hội đồng Chính phủ quyết định điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước đối với các chỉ tiêu tổng diện tích các loại đất, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, các loại đất khác nhằm phục vụ cho công tác kế hoạch hoá, xây dựng kế hoạch 5 năm.
Từ ngày 21-6 đến ngày 4-7-1977, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IV) đã họp, khẳng định những thành công và kinh nghiệm tốt của nền nông nghiệp hợp tác hoá, đồng thời cũng chỉ rõ những khuyết điểm nghiêm trọng trong chỉ đạo nông nghiệp. Hội nghị đề ra Nghị quyết“Tập trung lực lượng cả nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển nông nghiệp”.
Phiên họp đầu tiên của Chính phủ do Quốc hội khóa VI bầu (1976-1981)
Ngày 13-7-1977, Chính phủ Quyết định hợp nhất Bộ Văn hoá và Tổng cục Thông tin thành Bộ Văn hoá và Thông tin.
Ngày 20-9-1977, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc.
Ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức được kết nạp vào Liên hiệp quốc
Ngày 3-10-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 272-CP ban hành chính sách đối với hợp tác xã mở rộng diện tích nông, lâm nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện định canh, định cư.
Ngày 11-11-1977, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 297-CP về một số chính sách đối với tôn giáo.
Tháng 12-1977, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IV) đã kiểm điểm tình hình kinh tế hai năm 1976-1977 và đề ra nhiệm vụ kinh tế cấp bách của kế hoạch Nhà nước năm 1978, phấn đấu khắc phục tình trạng trì trệ trong sản xuất và quản lý kinh tế, tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế, làm đà cho việc thực hiện kế hoạch trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm 1976-1980.
Ngày 31-12-1977, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về vấn đề biên giới Campuchia. Bản Tuyên bố nêu rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biên giới là tôn trọng chủ quyền lãnh thổ hai nước, củng cố tăng cường tình đoàn kết và hợp tác anh em giữa hai nước theo nguyên tắc công bằng và hợp lý. Đồng thời bản Tuyên bố vạch rõ Chính phủ “Campuchia dân chủ” đã “xuyên tạc cực kỳ thô bạo tình hình biên giới giữa hai nước”.
Ngày 4-2-1978, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 33-CP về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế, nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác xây dựng huyện, tổ chức sản xuất đời sống trên địa bàn huyện.
Ngày 5-3-1978, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về công tác lương thực trong thời kỳ mới.
Ngày 25-3-1978, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết hướng dẫn thi hành pháp luật thống nhất trong cả nước. Nghị quyết quy định: Pháp luật hiện hành gồm các văn bản cho Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ban hành trước đây, nay phổ biến thi hành trong cả nước.
Ngày 25-4-1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 87-CP về việc thống nhất tiền tệ trong cả nước, phát hành tiền Ngân hàng mới, thu đổi tiền Ngân hàng cũ ở miền Bắc và miền Nam, về mức tiền mặt được đổi ngay khi thu đổi tiền cũ.
Ngày 25-4-1978, Hội đồng Chính phủ đã ban hành chính sách đối với người nước ngoài cư trú và làm ăn sinh sống ở Việt Nam.
Ngày 18-5-1978, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gửi công hàm cho Chính phủ Trung Quốc nêu rõ quan điểm đúng đắn của Chính phủ Việt Nam về vấn đề người Hoa ở Việt Nam.
Ngày 27-6-1978, thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Ngày 27-6-1978, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV).
Ngày 24-8-1978, Chính phủ Quyết định thành lập ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, một cơ quan ngang Bộ, làm nhiệm vụ quản lý tổng hợp về xây dựng cơ bản Nhà nước.
Ngày 14-12-1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định “về việc xoá bỏ triệt để các hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa về ruộng đất ở nông thôn miền Nam” và kèm theo chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với lực lượng cơ giới nông nghiệp tư nhân ở các tỉnh miền Nam.
Tháng 12-1978, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IV) đã phân tích tình hình kinh tế xã hội và xác định ba nhiệm vụ lớn là: ổn định đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được coi là nhiệm vụ cấp bách.
Từ tháng 2 đến tháng 12-1978, tập đoàn phản động Pôn Pốt-Iêng Xary cho quân đội“Campuchia dân chủ” liên tiếp xâm lấn, gây nhiều tội ác dã man đối với nhân dân Việt Nam tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Đặc biệt, cuối tháng 12-1978, chúng mở cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn vào phía tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc tỉnh Tây Ninh, với ý đồ đánh chiếm vùng này để làm bàn đạp đánh vào thị xã Tây Ninh. Quân và dân Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu đập tan cuộc tiến công xâm lược, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, sau đó giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng “Khơ me đỏ” lập nên chế độ Cộng hoà Nhân dân Campuchia, cùng quân đội Campuchia truy quét tàn quân của chế độ diệt chủng “Khơ me đỏ”.
Ngày 29-12-1978, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá VI, đã phê chuẩn việc tách tỉnh Cao Lạng thành 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Ngày 17-2-1979, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Tuyên bố về cuộc chiến tranh chống nước Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Từ ngày 17-2 đến ngày 18-3-1979, quân và dân Việt Nam đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, giành chiến thắng oanh liệt trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ ở vùng biên giới phía Bắc.
Ngày 16-4-1979, Việt Nam gia nhập Liên minh Quốc hội.
Từ ngày 28 đến ngày 30-4-1979, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá VI đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo.
Ngày 8-6-1979, Hội đồng Chính phủ đã ban hành bản Quy định về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước.
Ngày 21-6-1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 227-CP ban hành Bản quy định về chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu.
Ngày 2-8-1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết 279-CP về chính sách khuyến khích sản xuất và lưu thông những mặt hàng không do Nhà nước quản lý và cung ứng vật tư, những mặt hàng sản xuất bằng nguyên liệu địa phương và phế liệu phế phẩm.
Ngày 7-8-1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố khẳng định: quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam.
Tháng 9-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IV) đã họp Hội nghị lần thứ 6. Hội nghị đề ra nhiệm vụ cấp bách là đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội. Hội nghị quyết định những phương hướng, nhiệm vụ và những biện pháp quan trọng để phát triển công nghiệp địa phương và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Hội nghị đã quyết định mở rộng quyền chủ động của cơ sở, thừa nhận lợi ích kinh tế và khuyến khích vật chất là những động lực quan trọng, gắn liền lợi ích người lao động với kết quả lao động cuối cùng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (Khoá IV)đã đặt ra những yêu cầu“phải sửa đổi và cải tiến các chính sách hiện hành, nhất là các chính sách về lưu thông, phân phối, nhằm làm cho sản xuất bung ra”.
Ngày 9-1-1980, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về chính sách lương thực. Nghị quyết nêu rõ tầm quan trọng của vấn đề lương thực và đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản như: chính sách huy động lương thực, chính sách phân phối lương thực, việc phân cấp quản lý lương thực, việc tổ chức quản lý thị trường lương thực, v.v...
Ngày 27-3-1980, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định về chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới.
Ngày 1-7-1980, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước.
Ngày 1-10-1980, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định về tăng cường quản lý thị trường, nhằm đẩy mạnh công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phục vụ phát triển sản xuất, cải tiến phân phối lưu thông, ổn định và củng cố tài chính, giữ vững và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Ngày 18-12-1980, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá VI, đã thông qua Hiến pháp mới sau khi đã được toàn dân thảo luận, góp ý kiến. Hiến pháp mới (năm 1980) bao gồm: Lời nói đầu, 12 chương, 147 điều. Hiến pháp mới đã thể chế hoá đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước; và khẳng định toàn thể nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chương III: Phần quy định về Hội đồng Bộ trưởng:
Điều 104 của Hiến pháp ghi rõ: Hội đồng Bộ trưởng là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan chấp hành và hành chính Nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất...
Điều 105: Hội đồng Bộ trưởng gồm có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ trưởng và Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước.
Điều 107 quy định cụ thể về những nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Bộ trưởng.
Từ tổng kết kinh nghiệm giao khoán cho hộ xã viên ở một số địa phương - một biểu hiện tìm tòi sáng tạo với mong muốn tạo động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp, ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Chủ trương này được nông dân nhiệt liệt hưởng ứng, đã có tác dụng chặn đứng sự sa sút trong nông nghiệp và mở đầu cho bước đổi mới cơ chế quản lý trong những năm sau, tạo đà cho sự phát triển của nông nghiệp trong những năm 1981-1986.
Tiếp theo đó, ngày 15-1-1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 16-CP về việc mở rộng việc trả lương khoán, lương sản phẩm, tiền lương cho các đơn vị quốc doanh và tập thể khai thác và nuôi trồng thuỷ sản.
Ngày 21-1-1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định về việc mở rộng việc trả lương khoán, lương sản phẩm, vận dụng các hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất kinh doanh của nông nghiệp.
Ngày 21-1-1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 25-CP về một số chủ trương và biện pháp nhằm tiếp tục phát huy quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh. Quyết định trên cho phép các xí nghiệp quốc doanh được chủ động xây dựng kế hoạch ba phần, trong đó có một bộ phận kế hoạch xí nghiệp được tự ký kết hợp đồng để đáp ứng yêu cầu của thị trường, lần đầu tiên cho phép hình thành yếu tố thị trường trong khung khổ kế hoạch hoá.
Ngày 22-1-1981, Hội đồng Chính phủ Quyết định chia Bộ Điện và Than thành 2 Bộ: Bộ Điện lực và Bộ Mỏ và Than; chia Bộ Lương thực và Thực phẩm thành 2 Bộ: Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực.
Ngày 19-2-1981, Hội đồng Chính phủ Quyết định chuyển Tổng cục Cao su thuộc Bộ Nông nghiệp thành Tổng cục Cao su trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Ngày 27-3-1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định tiến hành cải cách hệ thống giáo dục phổ thông.
Ngày 20-4-1981, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra“Nghị quyết về chính sách khoa học và kỹ thuật” để đẩy mạnh mọi hoạt động khoa học và kỹ thuật phục vụ có hiệu quả cao nhất cho các yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội trước mắt và lâu dài, để xây dựng thành công một ngành khoa học và kỹ thuật tiên tiến.
Ngày 12-6-1981, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Hai giải thưởng trên để tặng thưởng cho các công trình thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật. Hội đồng Chính phủ cũng đã ra Nghị định quy định các danh hiệu: Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú.
Trong 5 năm (1976-1980), trên mặt trận kinh tế, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng: khắc phục từng bước những hậu quả nặng nề của chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra và của cuộc chiến tranh biên giới; khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá; củng cố kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở miền Bắc, bước đầu cải tạo và sắp xếp công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam, đưa một bộ phận nông dân Nam Bộ, nông dân Nam Trung Bộ vào con đường làm ăn tập thể; bước đầu phân bố lại lực lượng lao động xã hội; tăng cường một bước cơ sở vật chất-kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Trên mặt trận văn hoá, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, y tế cũng có nhiều thành tựu.
Tuy đã có những nhân tố tích cực nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa rộng khắp. Trong 5 năm 1976-1980, kết quả sản xuất chưa tương xứng với sức lao động và vốn đầu tư bỏ ra; những mất cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân còn trầm trọng; thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng của xã hội; thị trường, vật giá, tài chính, tiền tệ không ổn định; đời sống của nhân dân lao động còn nhiều khó khăn. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước giảm sút.