II- CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA VII (1981-1986)
Từ ngày 25-6 đến ngày 4-7-1981, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VII, đã tập trung thảo luận và thông qua 4 đạo luật lớn về tổ chức các cơ quan cao nhất của Nhà nước: Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; Luật tổ chức Toà án nhân dân; Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng.
Quốc hội đã bầu:
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước: Ông Trường Chinh.
Các Phó Chủ tịch: Ông Lê Thanh Nghị,
Ông Nguyễn Hữu Thọ,
Ông Chu Huy Mân,
Ông Huỳnh Tấn Phát
Chủ tịch Quốc hội: Ông Nguyễn Hữu Thọ.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: Ông Phạm Văn Đồng.
Từ ngày 27 đến ngày 31-3-1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã họp tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã kiểm điểm lại đường lối, chủ trương từ Đại hội IV đến Đại hội V, đánh giá khách quan thành tựu và khuyết điểm; phân tích thực trạng kinh tế-xã hội, tìm ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó; rút ra những bài học kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội nhất trí thông qua Nghị quyết về Báo cáo chính trị; Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội trong 5 năm 1981-1985 và những năm 80; Nghị quyết về xây dựng Đảng và bổ sung điều lệ Đảng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do ông Lê Duẩn làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
KẾ HOẠCH 5 NĂM 1981-1985
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã đề ra những mục tiêu kinh tế và xã hội tổng quát của những năm 80 là:
1- Đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định, tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, trước hết giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu về mặc, về học hành, chữa bệnh, về ở, đi lại, về chăm sóc trẻ em và các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu khác.
Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ nhất (1981)
2- Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, đồng thời tăng thêm trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế khác, và chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của công nghiệp nặng trong những năm tiếp theo.
3- Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam, tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước.
4- Đáp ứng tốt các nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự.
Ngay từ những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1981-1985), nhiều Nghị quyết và Quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ đã được ban hành nhằm từng bước sửa đổi cơ chế quản lý đối với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân và xoá bỏ quan liêu bao cấp. Trước đó, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982), bước đầu đã có cách nhìn mới về nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận miền Bắc tồn tại ba thành phần kinh tế là quốc doanh, tập thể và cá thể; miền Nam tồn tại năm thành phần kinh tế là quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, tư bản tư nhân và cá thể. Đó là bước khởi đầu thay đổi cơ cấu các chủ thể sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề cơ bản cho sự phát triển kinh tế thị trường.
Ngày 25-7-1981, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập bộ máy điều động lao động và dân cư giữa các vùng trong nước.
Ngày 26-12-1981, Hội đồng Bộ trưởng Quyết định thành lập Phông lưu trữ quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gọi tắt là Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam nhằm bảo quản, quản lý thống nhất và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tế của các cơ quan và nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ném viên đá đầu tiên xuống sông Đà tại buổi lễ ngăn sông đợt I, để xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Ngăn sông đợt I để xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Ngày 4-1-1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định về việc phát triển dâu tằm nhằm phát huy tiềm năng, góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về mặc cho nhân dân.
Ngày 22-2-1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 31-HĐBT về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp Tây Nguyên.
Ngày 29-5-1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 97-HĐBT về chính sách phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Ngày 6-11-1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định 184-HĐBT về việc đẩy mạnh giao đất giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng.
Ngày 19-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng Quyết định thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai, bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa và Quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau đó, đến ngày 28-12-1982, Quốc hội đã Quyết định chuyển huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai sang thuộc tỉnh Phú Khánh.
Ngày 14-12-1983, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết 154-HĐBT về việc hoàn chỉnh công tác khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp.
Ngày 18-1-1984, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 35-CT/TW khuyến khích và hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình.
Ngày 22-3-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 51-HĐBT về việc sắp xếp lại sản xuất, cải tạo và xây dựng một số ngành công nghiệp thực phẩm.
Chủ tịch Hôi đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng thăm và gặp mặt các đại biểu công nhân,
nhân dân lao động Thành phố Hồ Chí Minh (1985).
Ngày 2-4-1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 117-CT về việc tăng cường sự chỉ đạo của các Bộ, ủy ban Nhà nước, Ban, Ngành Trung ương đối với công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện.
Ngày 5-6-1984, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về vùng trời nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuyên bố khẳng định: Khoảng không gian ở trên đất liền, nội thuỷ, lãnh hải và các hải đảo Việt Nam là thuộc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đầu tháng 7-1984, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá V) đã họp Hội nghị lần thứ 6 bàn về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế. Hội nghị nhận định: Những tiến bộ và chuyển biến trong quản lý kinh tế chưa đồng đều, chưa mạnh mẽ, chưa cơ bản. Công tác quản lý kinh tế còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm, trong đó có những mặt kéo dài và nghiêm trọng, không được giải quyết kịp thời phù hợp với tình hình mới. Những khuyết điểm đó là biểu hiện của tệ quan liêu, bao cấp, bảo thủ, trì trệ trong cơ chế quản lý kinh tế và tình trạng phân tán, cục bộ, vô tổ chức, vô kỷ luật. Những khuyết điểm đó hoàn toàn trái với đường lối, chủ trương của Đảng, với bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, làm cản trở đến sản xuất và cải thiện đời sống...
Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã vạch ra phương hướng và yêu cầu chủ yếu của việc cải tiến quản lý kinh tế trong thời gian tới. Trước mắt, phải phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tính chủ động, sáng tạo và mọi khả năng của các cơ sở, tổ chức lại sản xuất, từng bước xây dựng cơ chế quản lý mới, phân công, phân cấp quản lý đúng đắn; giải quyết một số vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông, đặc biệt là các lĩnh vực giá-lương-tiền, nhằm phục vụ tốt cơ sở đồng thời giải quyết đúng mối quan hệ phân phối trong nền kinh tế quốc dân.
Ngày 20-11-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 153-HĐBT quy định các danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, tặng cho những nhà giáo và những người quản lý giáo dục có những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ.
Ngày 30-11-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 156-HĐBT về một số vấn đề cải tiến quản lý công nghiệp quốc doanh.
Tiếp đó, ngày 14-12-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 162-HĐBT về tổ chức hoạt động trong liên kết kinh tế, nhằm thực hiện đổi mới kế hoạch hoá theo hướng mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cơ sở, xây dựng và tổng hợp kế hoạch từ cơ sở lên, nhằm nâng cao hiệu quả của phương thức liên kết kinh tế giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Ngày 15-12-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 166-HĐBT về cải tiến quản lý xây dựng cơ bản.
Ngày 28-1-1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 44-CT về đẩy mạnh công tác phát triển thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, cải tạo thương nghiệp tư doanh và quản lý thị trường.
Ngày 17-6-1985, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá V) đã ra Nghị quyết về “Giá, lương, tiền”, với nội dung chủ yếu là “xoá quan liêu bao cấp trong giá và lương là yêu cầu hết sức cấp bách, là khâu đột phá có tính quyết định để chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 27-6-1985, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá VII đã thông qua Bộ Luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam-Bộ Luật đầu tiên của nước Việt Nam do Chính phủ với vai trò là người tổ chức soạn thảo dự án Bộ Luật.
Ngày 16-1-1986, tại Hà Nội, đã khai mạc Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 5. Đây là Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua đầu tiên từ ngày đất nước thống nhất. Dự đại hội có đại diện của 218 tập thể anh hùng, 126 anh hùng, 223 chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Ngày 26-4-1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 32-HĐBT về xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Ngày 26-6-1986, Hội đồng Bộ trưởng ra 9 bản quy định tạm thời nhằm bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp kinh tế cơ sở.
Ngày 14-7-1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp phiên đặc biệt, đã bầu ông Trường-Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thay ông Lê Duẩn vừa từ trần.
Ngày 26-11-1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết 146-HĐBT về việc phát triển kinh tế gia đình, khẳng định vị trí quan trọng của kinh tế gia đình trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Ngày 9-1-1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 5-HĐBT xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Thầy thuốc ưu tú.
Ngày 16-2-1987, Hội đồng Nhà nước ra Nghị quyết số 782-NQ/HĐNN7 về việc kiện toàn một bước các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng; cử và miễn nhiệm một số thành viên của Hội đồng Bộ trưởng. Hội đồng Nhà nước đã Quyết định:
1- Thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ là: Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực.
2- Thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở hợp nhất 2 Bộ là Bộ Điện lực và Bộ Mỏ và Than. Đổi tên Tổng cục Địa chất thành Tổng cục Mỏ và Địa chất.
Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Đường hầm trong lòng núi, nơi đặt các tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình
3- Thành lập Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trên cơ sở hợp nhất 2 Bộ là Bộ Lao động và Bộ Thương binh và xã hội.
4- Thành lập Bộ Thông tin. Giải thể ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam.
5- Thành lập ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài.
6- Thống nhất công tác giáo dục trẻ em vào Bộ Giáo dục trên cơ sở sáp nhập ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em vào Bộ Giáo dục. Thống nhất công tác dạy nghề vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trên cơ sở sáp nhập Tổng cục dạy nghề vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
7- Giải thể ủy ban Dân tộc của Chính phủ.
Thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu do Đại hội lần thứ V của Đảng đề ra, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đã ngăn chặn được đà giảm sút của những năm 1976-1980, và từ năm 1981-1985 đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt. Nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 4,9% so với 1,9% thời kỳ 1976-1980. Sản lượng lương thực có bước phát triển quan trọng, mức bình quân hàng năm từ 13,4 triệu tấn trong thời kỳ 1976-1980 đã tăng lên 17 triệu tấn trong thời kỳ 1981-1985. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,5% so với 0,6% thời kỳ 1976-1980. Thu nhập quốc dân tăng bình quân hàng năm 6,4% so với 0,4% trong 5 năm trước đó.
Cơ sở vật chất-kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội tiếp tục được tăng cường: Đã hoàn thành hàng trăm công trình tương đối lớn và hàng nghìn công trình nhỏ và vừa, trong đó có một số cơ sở quan trọng về điện, dầu khí, xi măng, cơ khí, dệt, đường, thuỷ lợi, giao thông. Năng lực sản xuất tăng thêm 456 nghìn kW điện, 2,5 triệu tấn than, 2,4 triệu tấn xi măng, 33 nghìn tấn sợi, 58 nghìn tấn giấy; thêm 309 nghìn ha được tưới nước, 186 nghìn ha được tiêu nước.
Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã tiến thêm một bước. Nhà nước và nhân dân đã cố gắng chăm lo bảo đảm các nhu cầu của quốc phòng và an ninh. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia giành thêm thắng lợi.
Tuy nhiên, kế hoạch 5 năm lần này chưa thực hiện được mục tiêu do Đại hội V đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đất nước vẫn bị bao vây, cấm vận. Trong quá trình thực hiện những biện pháp cải cách, đã phạm một số sai lầm làm trầm trọng thêm tình hình khủng hoảng kinh tế-xã hội.