I- CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHOÁ VIII (1987-1992)
Từ ngày 17 đến ngày 22-6-1987, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII, đã bầu:
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước: Ông Võ Chí Công.
Các Phó Chủ tịch:
Ông Nguyễn Hữu Thọ,
Ông Huỳnh Tấn Phát
Ông Lê Quang Đạo,
Ông Nguyễn Quyết,
Ông Đàm Quang Trung,
Bà Nguyễn Thị Định.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (17-6-1987)
Chủ tịch Quốc hội: Ông Lê Quang Đạo.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng:Ông Phạm Hùng.
KẾ HOẠCH 5 NĂM 1986 - 1990
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ngoài việc đưa ra đường lối đổi mới về kinh tế mang tầm chiến lược, còn đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu cho kế hoạch 5 năm 1986-1990. Về kinh tế-xã hội, Đại hội đề ra ba chương trình kinh tế lớn: Chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm; Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và Chương trình sản xuất hàng xuất khẩu, cùng với năm chỉ tiêu cần phấn đấu là:
- Thu nhập quốc dân tăng bình quân mỗi năm 6-7%.
- Phấn đấu đến năm 1990 sản xuất được 22-23 triệu tấn lương thực quy thóc.
- Sản xuất hàng tiêu dùng tăng bình quân mỗi năm 13-15%.
- Giá trị xuất khẩu trong 5 năm 1986-1990 tăng 70% so với 5 năm 1981-1985.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng thăm công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An, tỉnh Sông Bé (10-1987)
- Hạ tỷ lệ tăng dân số xuống chỉ còn 1,7% vào năm 1990.
Ngày 29-6-1987, Hội đồng Bộ trưởng đã họp bàn việc thực hiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm, tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề mấu chốt là: xây dựng và thực hiện Ba chương trình kinh tế lớn, bảo đảm vật tư nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất lương thực và huy động, vận chuyển lương thực, bảo đảm lương thực, đặc biệt cho các khu vực trọng điểm, tập trung xử lý tình hình giá cả, tiền lương và ổn định đời sống; đổi mới cơ chế quản lý; bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Ngày 3-7-1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 218-CT cho làm thử việc chuyển hoạt động của ngành Ngân hàng sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Từ ngày 20 đến ngày 28-8-1987, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VI) đã họp và thông qua Nghị quyết về “Chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế”.
Ngày 9-10-1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định về một số chính sách khuyến khích sản xuất vụ đông, nhằm tăng nhanh lương thực, thực phẩm và hàng xuất khẩu đối với các tỉnh phía Bắc.
Ngày 3-11-1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 209a-HĐBT về việc chuyển hoạt động của ngành lương thực sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Ngày 14-11-1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 217-HĐBT ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với các xí nghiệp quốc doanh. Quyết định đã trao quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh cho các xí nghiệp quốc doanh. Xí nghiệp quốc doanh phải thực hiện hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi, Nhà nước không bao cấp bù lỗ như trước đây.
Ngày 29-12-1987, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá VIII, đã thông qua Luật đất đai, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 31-12-1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 231-HĐBT về việc chuyển ngành vật tư sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa và sắp xếp lại tổ chức kinh doanh vật tư.
Ngày 9-3-1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 27-HĐBT, ban hành bản Quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất nông nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải; Nghị định số 28-HĐBT ban hành bản Quy định về chính sách đối với các đơn vị kinh tế tập thể sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải; Nghị định số 29-HĐBT ban hành bản Quy định về chính sách đối với kinh tế gia đình trong hoạt động sản xuất và dịch vụ sản xuất. Cùng với Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, các Nghị định trên được ban hành kịp thời, nhằm tạo môi trường pháp lý cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh yên tâm bỏ vốn đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngày 10-3-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng từ trần, trong khi chờ Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới, ông Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng làm quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ngày 24-3-1988, Hội đồng Nhà nước ra Nghị quyết số 66-NQ/HĐNN8 về việc kiện toàn một bước các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng; cử và miễn nhiệm một số thành viên của Hội đồng Bộ trưởng:
Thu hoạch lúa trên vùng kinh tế mới Bàu Ráng (Cần Thơ)
Xuất khẩu gạo tại Cảng Sài Gòn
- Thành lập Bộ Kinh tế đối ngoại trên cơ sở sáp nhập Bộ Ngoại thương và ủy ban Kinh tế đối ngoại.
- Thành lập Bộ Xây dựng (mới) trên cơ sở sáp nhập Bộ Xây dựng và ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước.
- Sáp nhập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học vào Bộ Cơ khí và Luyện kim để tổ chức lại và phát triển ngành điện tử và kỹ thuật tin học.
- Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Tiếp đó, ngày 20-4-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị số 67-HĐBT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Theo tinh thần của Nghị quyết trên, người nông dân được hưởng trên dưới 40% sản lượng nhận khoán. Do vậy đã khuyến khích nông dân đầu tư thêm lao động, tiền vốn để phát triển sản xuất. Nhiều địa phương, nông dân đã góp vốn làm thuỷ lợi, xây dựng đường giao thông nông thôn, mua thêm máy móc công nghiệp nhỏ và trâu bò cày kéo, áp dụng kỹ thuật mới, thay thế cây trồng và lựa chọn vật nuôi.
Ngày 22-6-1988, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá VIII đã bầu ông Đỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (mới).
Trong kỳ họp này Quốc hội đã thông qua Luật quốc tịch Việt Nam và Bộ Luật tố tụng hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 6-8-1988, ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư được thành lập, để chỉ đạo và quản lý thống nhất việc hợp tác và đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 14-11-1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 169-HĐBT ban hành bản Quy định về cơ chế quản lý kinh tế các cơ sở quốc doanh sản xuất nông nghiệp; Nghị định số 170-HĐBT ban hành bản Quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh trong nông, lâm, ngư nghiệp; Nghị định số 171-HĐBT ban hành bản Quy định về chấn chỉnh tổ chức, đổi mới quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp.
Ngày 20-12-1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 183-HĐBT về việc giải quyết một số vấn đề nhằm đổi mới hoạt động của thương nghiệp quốc doanh.
Cuối tháng 1-1989, Hội đồng Bộ trưởng đã họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 1988 và bàn nhiệm vụ năm 1989.
Năm 1988, sự chỉ đạo, điều hành của Hội đồng Bộ trưởng đã có những tiến bộ mới, nổi bật là đã xúc tiến nghiên cứu và ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và vận tải quốc doanh, trong lĩnh vực thương nghiệp, kế hoạch hoá gia đình. Những cơ chế này đã thể hiện sự đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI nhằm giải phóng các năng lực sản xuất, phát huy khả năng của các thành phần kinh tế và chuyển mạnh các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh. Hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng trong năm 1988 đã tập trung vào các lĩnh vực nóng bỏng nhất là chống lạm phát, giải quyết các vấn đề giá, lương, tiền, tài chính, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để đổi mới tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh, đồng thời cũng đã chú trọng giải quyết một số vấn đề về lĩnh vực văn hoá, xã hội để ổn định từng bước đời sống nhân dân.
Năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng phấn đấu nâng cao năng lực quản lý toàn diện các hoạt động kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao; tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, nhằm khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khả năng của các thành phần kinh tế, mở rộng hơn nữa kinh tế đối ngoại, tranh thủ những điều kiện thuận lợi mới để khắc phục khó khăn, đưa các hoạt động kinh tế-xã hội tiến lên nhanh hơn, có hiệu quả hơn.
Ngày 1-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 13-HĐBT về giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất.
Ngày 9-3-1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 23-HĐBT về một số vấn đề cấp bách trong công tác giáo dục và đào tạo.
Từ ngày 20 đến ngày 29-3-1989, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VI) đã họp kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và xác định phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này đã tạo ra bước ngoặt cơ bản chuyển sang cơ chế kinh tế mới với chủ trương: phát triển một thị trường xã hội thống nhất thông suốt trong cả nước gắn với thị trường thế giới; khẳng định chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là một chiến lược lâu dài; chấp nhận cơ chế thị trường-cơ chế khách quan của nền kinh tế hàng hoá với sự vận dụng phù hợp trong các hoạt động kinh tế và trong sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày 10-4-1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 38-HĐBT về chính sách liên kết kinh tế trong sản xuất, lưu thông, dịch vụ.
Ngày 28-4-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 46-HĐBT về việc bảo hộ và phát triển sản xuất hàng trong nước.
Ngày 24-5-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 139-CT về việc cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, hộ cá thể kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Tiếp đó, ngày 10-6-1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 64-HĐBT ban hành bản Quy định về chế độ và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
Ngày 30-6-1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá VIII, đã Quyết định:
- Chia tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
- Chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà.
- Chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Ngày 29-9-1989, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố về việc hoàn thành rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước; khẳng định thiện chí của Việt Nam tiếp tục cố gắng góp phần tích cực cho một giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của nhân dân Campuchia.
Ngày 11-12-1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 196-HĐBT về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ.
Ngày 28-12-1989, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá VIII, đã thông qua Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự.
Ngày 29 và 30-12-1989, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã họp với Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu để kiểm điểm, rút kinh nghiệm sự chỉ đạo điều hành của Hội đồng Bộ trưởng và ủy ban nhân dân các địa phương năm 1989; bàn các biện pháp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 6, khoá VIII. Hội đồng Bộ trưởng quyết định phải tiếp tục quy định cụ thể hơn về cơ chế, chính sách để tiếp tục đổi mới toàn diện theo hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền phải đáp ứng thật tốt yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh theo pháp luật-gắn chặt chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Sau đó từ ngày 2 đến 3-1-1990, Hội đồng Bộ trưởng đã họp kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong nội bộ Hội đồng Bộ trưởng về sự chỉ đạo, điều hành, cách làm việc trong năm 1989 và quyết định chương trình công tác trong năm 1990.
Ngày 4-1-1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 07-HĐBT thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước, chuyển giao nhiệm vụ quản lý Quỹ ngân sách Nhà nước và các Quỹ dự trữ Nhà nước từ Ngân hàng Nhà nước sang Bộ Tài chính.
Ngày 31-3-1990, Hội đồng Nhà nước đã quyết định kiện toàn một bước các cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng; cử và miễn nhiệm một số thành viên của Hội đồng Bộ trưởng:
1- Thành lập Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch trên cơ sở các Bộ Văn hoá, Bộ Thông tin, Tổng cục Thể dục Thể thao và Tổng cục Du lịch để thống nhất quản lý Nhà nước về văn hoá, thông tin, phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, thể dục thể thao và du lịch.
2- Thành lập Bộ Thương nghiệp trên cơ sở các Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư để thống nhất quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thương mại và dịch vụ.
3- Đổi tên Bộ Cơ khí và Luyện kim thành Bộ Công nghiệp nặng để thống nhất quản lý Nhà nước đối với các hoạt động cơ khí, luyện kim, điện tử, mỏ, địa chất, dầu khí và hoá chất. Phê chuẩn việc giải thể Tổng cục Mỏ và Địa chất, Tổng cục Hóa chất, Tổng cục Dầu khí.
4- Đổi tên Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện. Giao cho Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện đảm nhiệm chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành Bưu điện và ngành Hàng không dân dụng. Phê chuẩn giải thể Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
5- Đổi tên ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước thành ủy ban Khoa học Nhà nước để thống nhất quản lý Nhà nước về Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội.
6- Giao chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành Cao su cho Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Phê chuẩn giải thể Tổng cục Cao su.
Đồng bào Mông (Sa Pa, Lào Cai) cấy lúa mùa
Ngày 26-6-1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 240-HĐBT về đấu tranh chống tham nhũng.
Ngày 30-6-1990, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá VIII, đã thông qua các đạo luật: Luật Công đoàn; Luật thuế doanh thu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế lợi tức; Bộ Luật hàng hải Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng hình sự.
Ngày 1-9-1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 315-HĐBT về chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất và kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh. Quy định một số điểm cơ bản về thủ tục giải thể xí nghiệp quốc doanh bị thua lỗ nghiêm trọng. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cũng đã ra Chỉ thị số 316-CT về việc thí điểm trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo hoàn vốn sản xuất-kinh doanh của các đơn vị cơ sở.
Tháng 12-1990, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua các đạo luật: Luật doanh nghiệp tư nhân; Luật công ty; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong 5 năm 1986-1990, Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện những chính sách lớn dưới hình thức một loạt các Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước, Quyết định, Nghị định và Chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng. Nội dung các chính sách đó tập trung cho việc:
1- Tiếp tục hoàn thiện chế độ khoán trong nông nghiệp, giao đất cho nông dân, bãi bỏ chế độ thu mua trao đổi hiện vật hai chiều; thừa nhận quyền tự chủ kinh doanh của gia đình nông dân và quyền sở hữu tư liệu sản xuất của cá thể, tư nhân;
2- Xóa bỏ phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh, thực sự trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh;
3- Thừa nhận sự cạnh tranh và bình đẳng trước pháp luật của mọi tập thể và cá nhân kinh doanh không phân biệt nguồn gốc sở hữu;
4- Xoá bỏ bao cấp lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu cho cán bộ, công nhân viên chức và gia đình, bù giá vào tiền lương;
5- Xoá bỏ bao cấp tư liệu sản xuất cho các xí nghiệp quốc doanh;
6- Chuyển Ngân hàng sang kinh doanh, đưa lãi suất tín dụng ngắn hạn lên xấp xỉ chỉ số lạm phát, đưa tỉ giá hối đoái chính thức giữa đồng tiền Việt Nam với các ngoại tệ chuyển đổi lên xấp xỉ giá thị trường;
7- Thu hẹp tín dụng bao cấp, phát triển tín dụng thương mại, nới lỏng kiểm soát ngoại hối và vàng;
8- Tổ chức lại một bước lực lượng xuất nhập khẩu;
9- Ban hành Luật đầu tư nước ngoài, tiến hành các hoạt động đối ngoại để thu hút đầu tư.
Những biện pháp đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nêu trên, phần lớn được áp dụng từ những năm cuối kế hoạch 5 năm 1986-1990 nên tác dụng của nó đối với việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra từ năm 1986 đã bị hạn chế. Trong 5 chỉ tiêu lớn đề ra, đến năm 1990 chỉ có chỉ tiêu gía trị xuất khẩu là vượt mức kế hoạch, còn 4 chỉ tiêu khác không đạt được.
Trong 5 năm đầu của chặng đường đổi mới 1986-1990, tình hình diễn biến phức tạp, có các khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, ba năm liền lạm phát ở mức ba con số; đời sống những người hưởng lương và trợ cấp xã hội giảm sút mạnh; nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa; hàng chục vạn công nhân buộc phải rời xí nghiệp; hàng vạn giáo viên phải bỏ nghề; những vụ đổ vỡ quỹ tín dụng xảy ra ở nhiều nơi. Những diễn biến quốc tế phức tạp tác động xấu đến tình hình Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, ra sức khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định chính trị , giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội cấp bách, từng bước đưa Nghị quyết Đại hội VI đi vào cuộc sống. Đầu năm 1988 có nạn đói lớn ở nhiều vùng và lạm phát còn ở mức 393,8% nhưng từ năm 1989 trở đi Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu được mỗi năm 1 đến 1,5 triệu tấn gạo; lạm phát giảm dần, đến năm 1990 còn 67,4%. Việc thực hiện ba chương trình kinh tế lớn đạt những tiến bộ rõ rệt. Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bước đầu hình thành. Đời sống của nhân dân được cải thiện, dân chủ trong xã hội được phát huy. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được mở rộng, đẩy lùi tình trạng bị bao vây, cô lập. Lòng tin của nhân dân từng bước được khôi phục.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười nói chuyện với các thủy thủ nước ngoài tại cảng Hải Phòng (13-2-1991)
Tuy vậy, những kết quả đạt được còn hạn chế và chưa vững chắc. Đất nước chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, công cuộc đổi mới còn những mặt hạn chế, nhiều vấn đề kinh tế-xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: Từ ngày 24 đến ngày 27-6-1991, là “Đại hội trí tuệ, đổi mới, dân chủ, kỷ cương và đoàn kết”. Đại hội đã tiếp tục khẳng định và hoàn thiện thêm đường lối đổi mới của Đại hội VI.
Đại hội VII đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2000; thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng; thông qua Điều lệ Đảng (sửa đổi) và bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các văn kiện đã được thông qua trong Đại hội VII không chỉ giải quyết những nhiệm vụ trước mắt mà còn chỉ rõ tương lai của đất nước trên con đường đổi mới, không chỉ vạch ra định hướng chiến lược mà còn đề ra những giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn và sự vận động của quy luật khách quan mới, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, khắc phục khủng hoảng kinh tế-xã hội, đưa nước Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, kém phát triển, chuẩn bị cho nhân dân Việt Nam bước vào thế kỷ XXI với một trình độ phát triển cao hơn. Vấn đề cốt lõi, xuyên suốt trong các văn kiện Đại hội là sự kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội; khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân; là sự thể hiện lòng dân và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội; là quyết tâm tiếp tục sự nghiệp đổi mới toàn diện và triệt để các lĩnh vực đời sống chính trị-kinh tế, dân chủ hoá xã hội, trong đó trọng tâm là đổi mới kinh tế, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế không phân biệt chế độ chính trị-xã hội với tinh thần Việt Nam muốn làm bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển, nhằm sớm thoát ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phấn đấu đưa đất nước ra khỏi tình trạng một nước nghèo và kém phát triển, vững bước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập ở ngoại thành Hà Nội
Đại hội VII đã đề ra mục tiêu tổng quát cho 5 năm 1991-1995 là: vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa Việt Nam cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng.
Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu tổng quát đó, kế hoạch 5 năm 1991-1995 được xây dựng với các chỉ tiêu chủ yếu sau:
1- Tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân mỗi năm 5,5-6,5%.
2- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng bình quân mỗi năm 7,5-8,5%.
3- Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng bình quân mỗi năm 3,7-4,5%.
4- Kim ngạch xuất khẩu 5 năm (1991-1995): 12-15 tỉ USD.
5- Kim ngạch nhập khẩu 5 năm (1991-1995): 16 tỉ USD.
6- Đến năm 1995:
- Tỷ lệ tăng dân số chỉ còn ở mức 1,87%.
- Sản lượng lương thực quy thóc 24-25 triệu tấn.
- Sản lượng điện 15-16 tỷ kWh.
- Sản lượng dầu thô 7-8 triệu tấn.
- Sản lượng thép 270-300 nghìn tấn.
- Sản lượng xi măng 4,0-4,5 triệu tấn.
Ngày 15-6-1991, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 189-HĐBT ban hành Quy chế chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh tại Việt Nam.
Từ ngày 27-7 đến ngày 12-8-1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII, đã xem xét việc xin thôi chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của ông Đỗ Mười, và bầu ông Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1980 và việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân; thông qua các đạo luật: Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật phổ cập giáo dục tiểu học; Luật bảo vệ và phát triển rừng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự.
Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
- Chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
- Chia tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
- Chia tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
- Chia tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh Hoà Bình và Hà Tây.
- Thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và 3 huyện Long Đất, Châu Thành, Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai.
- Điều chỉnh địa giới của thành phố Hà Nội: Chuyển huyện Mê Linh của thành phố Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phú. Chuyển thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất của thành phố Hà Nội về tỉnh Hà Tây.
Ngày 13-10-1991, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 322-HĐBT ban hành Quy chế Khu chế xuất.
Tiếp theo Chỉ thị số 138-CT ngày 25-4-1991 về việc mở rộng việc trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo hoàn vốn sản xuất kinh doanh cho các đơn vị cơ sở quốc doanh, ngày 23-10-1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 332-HĐBT về việc bảo toàn và phát triển vốn kinh doanh đối với các doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 20-11-1991, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 388-HĐBT ban hành Quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước.
Từ ngày 5 đến ngày 11-11-1991, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu đã đi thăm chính thức Trung Quốc. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn, đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Ngày 26-12-1991, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá VIII đã ra Nghị quyết phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh:
- Chia tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
- Chia tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.
- Chia tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.
- Chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình.
Từ ngày 24-3 đến ngày 15-4-1992, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá VIII, đã thông qua Hiến pháp 1992; thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.
Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện toàn bộ tinh thần và nội dung đường lối đổi mới mà các Đại hội lần thứ VI, VII của Đảng đã đề ra.
Điều 2, Chương I của Hiến pháp ghi rõ: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.
Hiến pháp đã dành toàn bộ Chương III, từ điều 109 đến điều 117 nói về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy tổ chức và hoạt động của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 10-8-1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 289-HĐBT sửa đổi một số điều trong Quy chế khu vực biên giới Việt Nam-Lào, Quy chế khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia và Quy chế biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Ngày 15-9-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 327-CT về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước.
Hội đồng Bộ trưởng (do Quốc hội khóa VIII bầu) họp phiên cuối cùng (1992)