III - CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA X (1997-2002)
Từ ngày 20 đến ngày 29-9-1997, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá X, đã bầu:
Chủ tịch nước: Ông Trần Đức Lương.
Phó Chủ tịch: Bà Nguyễn Thị Bình.
Chủ tịch Quốc hội: Ông Nông Đức Mạnh.
Thủ tướng Chính phủ: Ông Phan Văn Khải.
Ngày 24-10-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 910/1997/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2010 và Quyết định số 911/1997/QĐ-TTg phê duyệt hệ thống sân bay toàn quốc.
Ngày 29-10-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 917/1997/QĐ-TTg thành lập Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
Ngày 14-11-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 970/1997/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010. Tiếp đó là Quyết định số 1018/1997/QĐ-TTg, ngày 29-11-1997, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng trọng điểm miền Trung giai đoạn đến năm 2010.
Từ ngày 14 đến ngày 16-11-1997, Hội nghị cấp cao lần thứ VII các nước có sử dụng tiếng Pháp đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội và thành công tốt đẹp. Hội nghị đã nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng: Hiến chương của cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, Tuyên bố Hà Nội và Chương trình hành động.
Hội nghị cấp cao lần thứ VII các nước có sử dụng tiếng Pháp thể hiện sinh động mối quan tâm và mong muốn mở rộng hợp tác của cộng đồng châu á nói chung và nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng, là sự khẳng định khả năng và vị trí mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Những ngày diễn ra Hội nghị và hàng loạt hoạt động quốc tế rộng lớn trước Hội nghị thật sự là những ngày hội của tình hữu nghị và sự hợp tác quốc tế. Đại diện cấp cao của các Nhà nước và Chính phủ có các chế độ chính trị khác nhau, có trình độ phát triển khác nhau, có dịp trao đổi ý kiến và tìm cách giải quyết các vấn đề bức xúc mà cộng đồng và cả loài người quan tâm. Hàng loạt các hiệp định hợp tác, buôn bán, giúp đỡ song phương và đa phương đã được ký kết. Hội nghị lần này cũng là dịp để đông đảo các nước bạn bè từ các châu lục gần xa tận mắt thấy được những cố gắng to lớn và thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam.
Các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (1997-2002).
Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa X.
Hội nghị cấp cao lần thứ VII các nước có sử dụng tiếng Pháp tổ chức tại Hà nội (11-1997)
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm cảng Quy Nhơn (Bình Định)
Ngày hội ngăn dòng Sê San, xây dựng công trình thủy điện Yaly
Ngày 12-12-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1077/1997/QĐ-TTg, thành lập Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia và Quyết định số 1078/1997/QĐ-TTg phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia.
Từ ngày 21-11 đến ngày 12-12-1997, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá X, đã thông qua: Luật Ngân hàng Nhà nước; Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về nhiệm vụ năm 1998.
Từ ngày 23 đến ngày 29-12-1997, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) đã tập trung bàn về các vấn đề kinh tế và một số vấn đề xã hội có liên quan, để tiếp tục cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đại hội VIII về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời xem xét và quyết định vấn đề nhân sự cấp cao của Đảng và góp ý kiến vào báo cáo kiểm điểm của Bộ Chính trị từ sau Đại hội VIII đến cuối năm 1997. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội đến năm 2000”.
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã Quyết định một số vấn đề quan trọng về nhân sự cấp cao của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương đã chấp nhận đề nghị của Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu ông Lê Khả Phiêu, Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị làm Tổng Bí thư của Đảng.
Ngày 27-12-1997, Chính phủ ra Nghị định số 120/1997/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Ngày 30-12-1997, Chính phủ đã Quyết định một số chủ trương biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1998. Tiếp đó, trong 2 ngày 2 và 3-1-1998, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ kết thúc công tác năm 1997, dưới sự chủ toạ của Thủ tướng Phan Văn Khải. Tại cuộc họp này, Chính phủ đã khẳng định những thành tựu và tiến bộ trong công tác điều hành; phân tích, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân của những mặt đã làm được và chưa làm được trong năm 1997, coi đây là những bài học bổ ích cho Chính phủ trong việc phấn đấu thực hiện có hiệu quả kế hoạch Nhà nước năm 1998 đã được Quốc hội thông qua và triển khai kịp thời Nghị quyết của Đảng.
Qua hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phát triển, nền kinh tế vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá.
Hai năm (1996-1997), tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân trên 9% (cao hơn mức tăng bình quân 5 năm trước), nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất-kinh doanh tiếp tục đạt được những tiến bộ đáng kể:
Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, nông sản hàng hoá xuất khẩu tăng cả về số lượng và chất lượng. Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân hai năm là 4,8%, trong đó riêng nông nghiệp tăng 5%. Lương thực được mùa hai năm liền. Năm 1997 đạt sản lượng 30,6 triệu tấn lương thực, riêng lúa đạt 27,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với năm 1996, xuất khẩu 3,7 triệu tấn gạo.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 2 năm là 13,8%, trong đó doanh nghiệp Nhà nước tăng 11%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 12%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 20%. Những sản phẩm quan trọng có ảnh hưởng lớn đến cân đối của nền kinh tế đều tăng khá: Điện tăng bình quân 14%/năm; Than tăng 9,8%/năm; Dầu thô tăng 10%/năm; Xi măng tăng 25%/năm; Thép cán tăng 17,6%/năm; các sản phẩm công nghiệp chế biến đều có mức tăng khá, v.v... Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 2 năm khoảng 9%, trong đó đặc biệt là các ngành thương mại, vận tải, bưu điện, v.v... đã tăng khá, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu phát triển.
Xuất khẩu tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu, thị trường được củng cố và mở rộng, mặt hàng xuất khẩu đa dạng và chất lượng được nâng cao hơn, chênh lệch xuất-nhập khẩu đã khép lại dần.
Kim ngạch xuất khẩu 2 năm 1996-1997 tăng bình quân 28,4%/năm. Riêng năm 1997 xuất khẩu đạt trên 9 tỉ USD, tăng trên 20% so với năm 1996. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 1997 tăng khá như: dầu thô, than đá, hàng dệt, may, giày dép, gạo, chè, cà phê, cao su, hàng thuỷ sản... Xuất khẩu bình quân đầu người đạt 117 USD.
Kim ngạch nhập khẩu 2 năm tăng bình quân 20%/năm, trong đó nhập máy móc thiết bị, phụ tùng chiếm 35%; nguyên, nhiên liệu, vật liệu chiếm khoảng 55%; hàng tiêu dùng chiếm khoảng 10%. Riêng năm 1997, kim ngạch nhập khẩu đạt 11,2 tỉ USD, tăng 0,5% so với năm 1996.
Chênh lệch xuất-nhập khẩu từng bước khép lại, năm 1996 mức nhập siêu chiếm 53,6% kim ngạch xuất khẩu và 16,6% GDP; năm 1997 chỉ chiếm khoảng 27,8% kim ngạch xuất khẩu và 9,7% GDP.
Đầu tư phát triển 2 năm 1996-1997 trong toàn bộ nền kinh tế ước tính thực hiện 14-15 tỷ USD, bằng 34-35% mức thực hiện kế hoạch 5 năm 1996-2000; bình quân mỗi năm tăng gần gấp đôi mức bình quân của 5 năm trước.
Trong tổng số vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội 2 năm 1996-1997, nguồn huy động trong nước chiếm trên 51%, còn lại là vốn từ nước ngoài, bao gồm nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), và vốn do các doanh nghiệp trong nước vay nước ngoài để đầu tư. Trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 20%, tín dụng Nhà nước 6,5%, doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 23,5%, vốn đầu tư của dân chiếm khoảng 24%, đầu tư trực tiếp của nước ngoài khoảng 26%. Tính đến 12-1997 có gần 2.300 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép, với tổng số vốn đầu tư trị giá hơn 30 tỷ USD, trong đó số vốn đã thực hiện là 11,8 tỷ USD.
Lạm phát tiếp tục được kiềm chế; giá cả và sức mua đồng tiền ổn định-chỉ số lạm phát ở mức 4,5%.
Các hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hoá, y tế, xã hội... đều có bước chuyển biến mới, song song với sự phát triển kinh tế; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến cuối năm 1997 có 38/61 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Hai năm 1996-1997 có thêm 2,6 triệu lao động được giải quyết việc làm. Tỷ lệ gia tăng dân số năm 1997 là 1,87%, đạt mức giảm cao hơn các năm trước.
Năm 1998 là năm thứ 3 của kế hoạch 5 năm 1996-2000, bên cạnh những thuận lợi được tiếp tục phát huy, kinh tế-xã hội Việt Nam đứng trước hàng loạt khó khăn và thách thức lớn. Cơn bão số 5 xảy ra cuối năm 1997, tàn phá các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ, để lại hậu quả hết sức nặng nề. Tiếp đến nắng hạn gay gắt kéo dài chưa từng thấy ở nhiều vùng, đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đợt bão lũ lớn liên tiếp cuối tháng 11, đầu tháng 12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra cuối năm 1997 và năm 1998 lên tới 14 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ bùng nổ từ giữa năm 1997, bắt đầu từ Thái Lan nhanh chóng lan rộng ra một số nước khác, cuốn nền kinh tế nhiều nước vào vòng suy thoái. Nền kinh tế Việt Nam tuy không bị cuốn vào dòng xoáy của cuộc khủng hoảng này, nhưng nhiều lĩnh vực chịu tác động ngày càng rõ như: thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá xuất khẩu bị cạnh tranh bất lợi; đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm mạnh cả về số vốn mới đăng ký và số vốn thực hiện; một số dịch vụ sút kém, nhất là hàng không, du lịch, viễn thông; sức ép đối với tỷ giá đồng tiền Việt Nam và đồng đô la tăng, cán cân thanh toán bị ảnh hưởng, số người thất nghiệp tăng, v.v.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa X, thông qua các chỉ tiêu chủ yếu của năm 1998 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 9%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,6-4,8%; sản lượng lương thực trên 31 triệu tấn; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,5%. Xuất khẩu tăng 25-26%; nhập siêu không quá 20% mức xuất khẩu. Tỷ lệ lạm phát dưới 7%. Huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 20% GDP, trong đó thuế và phí khoảng 19%. Mức bội chi ngân sách 3,5-4% GDP, tốc độ tăng dân số khoảng 1,8%.
Mở đầu năm 1998, trong 2 ngày 12 và 13-1, Chính phủ đã triệu tập Hội nghị toàn quốc để triển khai hàng loạt các giải pháp mới nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ và chính sách kinh tế đã nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) và Nghị quyết của Quốc hội, trong đó nhấn mạnh việc phát huy mạnh mẽ nội lực, sử dụng có hiệu quả tiềm lực kinh tế do hợp tác quốc tế mang lại, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Khởi công xây dựng khu lọc dầu Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi (1-1998)
Tiếp theo việc ban hành Quy chế thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, ngày 23-1, Chính phủ đã ra Nghị định số 10/1998/NĐ-CP về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định đưa ra những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và danh mục các dự án khuyến khích đầu tư.
Chính phủ cũng đã ra Nghị định số 11/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ, giải quyết tốt công tác phối hợp, tăng cường kỷ luật hành chính, bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ yêu cầu chỉ đạo điều hành.
Cũng trong tháng 1-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định số 1/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2010; số 2/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Bắc giai đoạn đến năm 2010; số 10/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam đến năm 2020; số 6/1998/QĐ-TTg thành lập Hội đồng quốc gia giáo dục để giúp Thủ tướng chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; số 7/1998/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án trồng 5 triệu ha rừng giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2010; số 13/1998/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội các vùng đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa; số 14/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng duyên hải miền Nam Trung Bộ giai đoạn đến năm 2010 và Quyết định số 23/1998/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Tài chính-Tiền tệ Nhà nước, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Trong tháng 2-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 31/1998/QĐ-TTg thành lập Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, giúp Thủ tướng trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động của các Bộ, ngành và địa phương tham gia các hoạt động kinh tế-thương mại trong ASEAN, gia nhập và tham gia APEC, Diễn đàn hợp tác kinh tế Á-Âu, chỉ đạo đàm phán gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các tổ chức kinh tế-thương mại quốc tế và khu vực; Quyết định số 37/1998/QĐ-TTg về một số biện pháp quản lý ngoại tệ; số 41/1998/QĐ-TTg về việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng trọng điểm phía Nam giai đoạn đến năm 2010.
Ngày 6-3-1998, Chính phủ ra Nghị định số 14/1998/NĐ-CP về quản lý tài sản Nhà nước. Tiếp theo đó, ngày 12-3-1998, Chính phủ đã ra Nghị định số 15/1998/NĐ-CP, ban hành Danh mục hàng hóa của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN cho năm 1998. Ngày 31-3-1998, Chính phủ ra Nghị định số 20/1998/NĐ-CP, về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.
Trong quý 1/1998, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và lãnh đạo một số ngành đã có những cuộc gặp mặt với đại biểu các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở cả 3 miền trong nước tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng. Các cuộc họp mặt, đối thoại này đã tạo chuyển biến bước đầu trong sự hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Từ ngày 3 đến 4-4-1998, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu, đã đi dự Hội nghị cấp cao á-Âu lần thứ hai (ASEM II) tại Luân Đôn (Anh). Thủ tướng Phan Văn Khải đã có những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ song phương với các vị lãnh đạo nhiều nước châu á và châu Âu nhằm mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với tất cả các nước thành viên ASEM. Thủ tướng đã giới thiệu những chính sách mới của Việt Nam, nhằm thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh buôn bán với các nước.
Từ ngày 21-4 đến ngày 20-5-1998, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá X đã thông qua 6 đạo luật: Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ngân sách Nhà nước; Luật quốc tịch Việt Nam và Luật tài nguyên nước. Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quyết định đổi tên Bộ Nội vụ thành Bộ Công an.
Ngày 7-5-1998, Chính phủ ra Nghị định số 26/1998/NĐ-CP về việc điều chỉnh mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Ngày 11-5-1998, Chính phủ đã ra Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Quy chế thực hiện dân chủ ở xã được ban hành nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân ở xã, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của nông dân và nhân dân trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, tăng cường đoàn kết nông thôn, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, xây dựng đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể ở xã trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn và khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, tham nhũng, góp phần vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 89/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường an ninh, quốc phòng khu vực 33 xã và 1 thị trấn vùng cao biên giới tỉnh Hà Giang; Quyết định số 90/1998/QĐ-TTg về các biện pháp khắc phục hậu quả nắng hạn, thiên tai những tháng đầu năm 1998 và Quyết định số 100/1998/QĐ-TTg về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lào Cai.
Ngày 29-6-1998, Chính phủ ra Nghị định số 44/1998/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, nhằm xúc tiến mạnh hơn việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Đến cuối năm 1998, đã cổ phần hoá 116 doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 104/1998/QĐ-TTg phê duyệt dự án Tổng thể ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng ở 20 xã biên giới Việt - Lào tỉnh Sơn La; Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và Quyết định số 111/1998/QĐ-TTg thành lập Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương.
Trong 2 ngày 29 và 30-6-1998, Chính phủ đã họp kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm và ra Nghị quyết về các giải pháp điều hành kế hoạch 6 tháng cuối năm.
Ngày 11-7-1998, Chính phủ ra Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Từ ngày 6 đến 16-7-1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) đã họp tại Hà Nội. Hội nghị đã bàn về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xem xét tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 và xác định những giải pháp lớn nhằm triển khai thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 1998 và kế hoạch 5 năm 1996-2000, đồng thời quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Hội nghị Trung ương lần thứ 5 đã thông qua Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Ngày 17-7-1998, theo đề nghị của Chính phủ, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 1998, trong đó:
- Tốc độ tăng trưởng GDP từ 6% đến 7%;
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 10% đến 11%;
- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 3% đến 3,5%;
- Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu bằng khoảng 19% kim ngạch xuất khẩu;
- Mức lạm phát dưới 10%;
- Bội chi ngân sách không vượt quá 4% GDP.
Ngày 21-7-1998, Chính phủ ra Nghị định số 53/1998/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tiếp đó, ngày 31-7-1998, Chính phủ ra Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Cũng trong tháng 7-1998, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; số 127/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán và Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.
Ngày 15-8-1998, Chính phủ ra Nghị định số 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp và Nghị định số 62/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế đầu tư theo Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao; Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh và Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 17-8-1998, Chính phủ ra Nghị định số 63/1998/NĐ-CP về quản lý ngoại hối.
Trong tháng 9-1998, Chính phủ ra Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan và Nghị định số 72/1998/NĐ-CP về bảo đảm an toàn xã hội cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký các Quyết định số 171/1998/QĐ-TTg về áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển kinh tế-xã hội tại một số khu vực cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; số 173/1998/QĐ-TTg quy định về nghĩa vụ bán và quyền mua ngoại tệ của người cư trú là tổ chức, nhằm giảm dần sự mất cân đối nghiêm trọng về ngoại tệ trên thị trường, từng bước khắc phục tình trạng găm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp và Quyết định số 184/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2010.
Tháng 10-1998, Chính phủ đã ra các Nghị định số 81/1998/NĐ-CP về việc in, đúc, bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy tiền giấy, tiền kim loại, bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng; số 82/1998/NĐ-CP ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng và Nghị định số 85/1998/NĐ-CP về tuyển chọn, sử dụng và quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 200/1998/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển kinh tế khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Từ ngày 13 đến 17-10-1998, Hội nghị lần thứ 6 (lần 1) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) đã họp tại Hà Nội. Hội nghị tập trung bàn về tình hình kinh tế-xã hội năm 1998, xác định phương hướng, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 1999 và một số vấn đề quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn. Sau Hội nghị Trung ương 6 (lần 1), ngày 10-11-1998, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 06-NQ/TW về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Ngày 7-11-1998, Chính phủ ra Nghị định số 90/1998/NĐ-CP ban hành quy chế vay và trả nợ nước ngoài, thay cho Nghị định 58-CP trước đây. Tiếp đó ngày 10-11-1998, Chính phủ ra Nghị định số 93/1998/NĐ-CP về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 17-11-1998, Chính phủ ra các Nghị định số 95/1998/NĐ-CP, số 96/1998/NĐ-CP, số 97/1998/NĐ-CP, ban hành chế độ tuyển dụng, sử dụng; chế độ thôi việc; xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất của cán bộ, công chức dựa trên cơ sở Pháp lệnh cán bộ công chức và theo tinh thần đổi mới, đề cao trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ, công chức Nhà nước.
Ngày 18-11-1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC). APEC là khu vực chiếm tới 80% buôn bán, 2/3 đầu tư nước ngoài và 50% viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam. Việc tham gia vào Diễn đàn APEC đánh dấu một bước hội nhập mới của Việt Nam với cộng đồng kinh tế thế giới và tạo ra những cơ hội tìm kiếm đối tác, thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 18-11-1998, Việt Nam gia nhập tổ chức Diễn đàn Hợp tác
kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC)
Từ ngày 28-10 đến 2-12-1998, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá X, đã xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1998, quyết định phương hướng nhiệm vụ năm 1999, tổng quyết toán ngân sách Nhà nước năm 1997, dự toán ngân sách Nhà nước năm 1999. Quốc hội đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá X; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 1999; thông qua Luật giáo dục; Luật khiếu nại, tố cáo; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI tổ chức tại Hà Nội (tháng 12-1998)
Từ ngày 15 đến 16-12-1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI, với chủ đề “Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển đồng đều”, đã nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc thông qua các văn kiện “Tuyên bố Hà Nội” và “Chương trình hành động Hà Nội” của ASEAN cho thời kỳ 1999-2004 đã tạo thêm niềm tin vào triển vọng phát triển và vị thế quốc tế của ASEAN. Thành công của Hội nghị cấp cao các nước ASEAN một lần nữa khẳng định những nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cũng trong tháng 12-1998, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Pari đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong khắc phục khó khăn vượt qua thách thức để tiếp tục phát triển đất nước theo hướng hiệu quả và bền vững, và đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 2,2 tỷ USD và thêm một khoản 500 triệu USD hỗ trợ cho công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong năm 1999, mức cao nhất từ trước tới nay.
Năm 1998, nhờ phát huy mạnh mẽ sức mạnh trí tuệ và vật chất của nhân dân, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo ra động lực đưa đất nước tiến lên, kết hợp với những giải pháp chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường và tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các cấp, các ngành nên tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam không những vẫn trụ vững mà còn tiếp tục phát triển, tuy nhịp độ có chậm hơn các năm trước. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,83% (Kế hoạch điều chỉnh là 6-7%) so với năm 1997.
Trong điều kiện bị thiên tai liên tiếp gây thiệt hại nặng trên nhiều vùng, sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển tương đối toàn diện, đạt mức tăng trưởng 3,6%; sản lượng lương thực đạt 31,85 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với năm 1997. Xuất khẩu 3,8 triệu tấn gạo, tăng 7%. Lương thực bình quân đầu người đạt trên 400 kg.
Được mùa cà phê
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,1% (trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 6,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 180,5 nghìn tỷ đồng (nếu loại trừ yếu tố giá) tăng 4,6%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 9,36 tỷ USD, tăng 2,4%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 11,5 tỷ USD, giảm 1,1% so với năm 1997.
Do sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển và việc điều hành của Chính phủ sát sao hơn nên cả năm 1998 chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 9,2% so với tháng 12-1997, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng cao nhất với mức tăng 12,3%. Giá vàng tăng 0,7%, giá đô la Mỹ tăng 9,6%.
Tổng thu và chi ngân sách Nhà nước đều tăng so với năm 1997, trong đó thu tăng 5,3%, chi tăng 3,5%.
Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 1998 đạt trên 96 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn ODA giải ngân được 1,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 1997. Năm 1998, cấp giấy phép cho 270 dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với số vốn đăng ký là 4,06tỷ USD, giảm 16% về số dự án và 10% về vốn đăng ký so với năm 1997.
Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt được một số kết quả quan trọng. Đến cuối năm 1998, cả nước có 42 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn quốc gia về chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Nhà nước đã đầu tư 50 tỷ đồng để xóa bớt các xã trắng về y tế và triển khai công tác kế hoạch hóa dân số, 40 tỷ đồng phát triển y tế chuyên sâu ở đô thị. Tốc độ tăng dân số trung bình dưới 1,8%, đạt trước 2 năm so với chỉ tiêu năm 2000. Tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm nhất trong lĩnh vực xã hội là tình trạng số người không có việc làm ở khu vực thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn chưa được cải thiện và có xu hướng tăng lên.
Trong hai ngày 30 và 31-12-1998, Chính phủ đã họp phiên tất niên để kiểm điểm những mặt đã làm được và chưa làm được trong hoạt động chỉ đạo điều hành năm 1998 và đề ra chương trình công tác của năm 1999.
Phát biểu trong phiên họp, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh trách nhiệm của Chính phủ và từng thành viên trong chỉ đạo điều hành năm 1999 trên 6 mặt công tác lớn đã được Chính phủ thông qua là:
- Phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế từng bước vững chắc.
- ổn định và ngăn ngừa biến động xấu về tài chính-tiền tệ.
- Phát triển khoa học, giáo dục, văn hoá, xã hội.
- Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
- Cải cách hành chính, thực hiện dân chủ công khai.
- Đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Chính phủ, từng thành viên Chính phủ và từng người trong bộ máy của Chính phủ phải khắc phục cho được những mặt yếu kém còn tồn tại hiện nay, nhất là yếu kém trong tổ chức bộ máy và tổ chức thực hiện, tận tụy với công việc, thật sự lo cho dân, cho nước để cùng nhân dân đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Nhà máy khí hóa lỏng ở Dinh Cố (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Vườn cao su ở Công ty Chư Păh (Gia Lai).
Tàu nước ngoài vào nhận than tại Cảng Cửa Ông (Quảng Ninh).
Năm 1998, Việt Nam xuất khẩu 3,8 triệu tấn gạo.
Ảnh: Xuất khẩu gạo tại Cảng Hải Phòng.
Năm 1999, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn lớn. Xu hướng giảm sút tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất từ các năm trước chưa được khắc phục. Đầu năm hạn hán diễn ra gay gắt ở một số vùng. Hai tháng cuối năm mưa lũ lớn xảy ra ở các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại hết sức nặng nề: hơn 700 người bị chết, thiệt hại về vật chất lên tới trên 4.500 tỷ đồng. Thêm vào đó là tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính khu vực còn lớn. Nguồn đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm mạnh. Một số vấn đề xã hội diễn ra gay gắt, đặc biệt là tình trạng thiếu việc làm trầm trọng kéo theo nhiều tệ nạn xã hội và làm tăng một số tội phạm.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều quyết sách đúng đắn, các giải pháp tích cực, kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, động viên sức mạnh của toàn dân, vượt qua khó khăn thử thách và đã giành được những thành tựu to lớn: Tình hình chính trị, kinh tế-xã hội vẫn giữ được ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Sản xuất nông nghiệp được mùa lớn. Xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra. Công tác xoá đói giảm nghèo và các lĩnh vực hoạt động văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao có những tiến bộ, quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa X (từ 28-10 đến 2-12-1998) đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 1999 là:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 5% đến 6%.
- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 3,5% đến 4%.
- Sản lượng lương thực quy thóc 32 triệu tấn.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 10% đến 11%.
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng từ 4% đến 5%.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% đến 10%.
- Lạm phát dưới 10%.
- Bội chi ngân sách khoảng 3,5% GDP.
- Tạo việc làm mới từ 1 triệu đến 1,2 triệu người.
- Nâng số tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ lên 50 tỉnh.
- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,08%.
Ngay trong tháng đầu năm 1999, Chính phủ đã triệu tập các Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1999 ở tất cả các vùng trong cả nước, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phan Văn Khải và các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Từ ngày 6 đến ngày 7-1-1999, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập Hội nghị triển khai “Chương trình quốc gia xoá đói, giảm nghèo” và “Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa”.
Trong tháng 1-1999, Chính phủ ra Nghị định số 03/1999/NĐ-CP về quản lý hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính và Nghị định số 04/1999/NĐ-CP về phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước.
Ngày 3-2-1999, Chính phủ ra Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân. Ngày 13-2-1999, Chính phủ ra Nghị định 07/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở các doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định số 21/1999/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, điều hành “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; số 22/1999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án điện nông thôn; số 23/1999/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch do Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm làm Trưởng ban và Quyết định số 24/1999/QĐ-TTg về xếp hạng đặc biệt doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 23-2-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 27/1999/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo xây dựng “Tầm nhìn đến năm 2020” và Quyết định số 28/1999/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.
Trong tháng 3-1999, Chính phủ đã ra các Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang; số 11/1999/NĐ-CP ban hành các Quy định về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; số 12/1999/NĐ-CP ban hành các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; số 13/1999/NĐ-CP ban hành các Quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam; số 16/1999/NĐ-CP ban hành các quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan; số 17/1999/NĐ-CP ban hành các quy định về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, kế thừa quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định số 38/1999/QĐ-TTg ban hành các Quy định về đối tượng và tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; số 39/1999/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp Thanh Hoá; số 40/1999/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp Thừa Thiên-Huế; số 42/1999/QĐ-TTg về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các xã làm công tác xoá đói giảm nghèo; số 49/1999/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp Bình Định; số 50/1999/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999-2000 và Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Ngày 19-3-1999, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 17-QĐ/CTN bổ nhiệm ông Đoàn Mạnh Giao, Quyền Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Cùng ngày, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 18-QĐ/CTN miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Lại Văn Cử vì lý do sức khoẻ.
Ngày 19-3-1999, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp gỡ và đối thoại với gần 800 đại biểu đại diện cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước. Thủ tướng nêu rõ hai vấn đề có ý nghĩa chiến lược để phát triển là: Phải huy động cho được nội lực, khai thác và phát huy sức mạnh của cả dân tộc vào công cuộc phát triển kinh tế. Các cơ chế chính sách đều phải hướng vào mục tiêu nói trên để tạo thành một động lực mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện yêu cầu cấp bách và có tính quyết định này. Trong điều kiện mở cửa hội nhập nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư thiết bị, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng và phát triển sản xuất những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, có lợi thế so sánh, từng bước mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp đó, ngày 25-3-1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài. Tại cuộc gặp, Thủ tướng nêu lên một số giải pháp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh mà trọng tâm nhằm vào ba hướng chủ yếu là:
1- Trực tiếp giảm bớt chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất-kinh doanh.
2- Đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục, giảm phiền hà và tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
3- Mở ra những điều kiện ưu đãi mới dành cho các nhà đầu tư nào đạt được các tiêu chuẩn về tỷ lệ xuất khẩu cao, hàng xuất khẩu có hàm lượng nội địa hoá cao, sử dụng nhiều lao động...
Ngày 1-4-1999, tiến hành cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trên phạm vi toàn quốc. Theo kết quả điều tra, nước ta có 76.327.921 người, tăng 11,9 triệu người so với cuộc Tổng điều tra lần trước (1-4-1989).
Trong tháng 4-1999, Chính phủ ra các Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ban hành các quy định về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá; số 21/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau; số 22/1999/NĐ-CP ban hành các quy định về đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam; số 23/1999/NĐ-CP về chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K (miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia) thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử ở lại miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954; số 24/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, thị trấn; số 26/1999/NĐ-CP ban hành các quy định về các hoạt động tôn giáo và Nghị định số 27/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai.
Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; số 105/1999/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2020; số 402/QĐ-TTg về thành lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng (giai đoạn I) khu công nghiệp Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi; số 106/1999/QĐ-TTg công nhận thành phố Nha Trang là đô thị loại II và số 107/1999/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp Nghệ An.
Từ ngày 4-5 đến ngày 12-6-1999, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá X đã thông qua Luật doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một phần Bộ Luật hình sự.
Trong tháng 5-1999, Chính phủ đã ra Nghị định số 32/1999/NĐ-CP ban hành các Quy định về khuyến mại, quảng cáo thương mại và hội chợ, triển lãm thương mại. Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định số 116/1999/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phân vùng khôi phục rừng ngập mặn (vùng dự án) thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; số 120/1999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đê điều đến năm 2010; số 123/1999/QĐ-TTg thành lập ban Chủ nhiệm Chương trình kỹ thuật-kinh tế và công nghệ thông tin.
Ngày 11-6-1999, Chủ tịch nước đã ký các Quyết định số 201, 202, 203, 204, 205-KT/CTN tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động cho 289 đơn vị và 35 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và trong thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay.
Trong tháng 6-1999, Chính phủ đã ra các Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ban hành Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; số 40/1999/NĐ-CP về Công an xã và Nghị định số 43/1999/NĐ-CP về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg quy định về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam; số 140/1999/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá thuộc tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020; số 645/QĐ-TTg về việc triển khai thực hiện một số hạng mục, công trình của Dự án khu công nghệ cao Hoà Lạc trong năm 1999; số 142/1999/QĐ-TTg thành lập Ban quản lý Làng văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam; số 144/1999/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch về kiểm soát và sử dụng nước lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2010 và số 145/1999/QĐ-TTg ban hành Quy chế bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày 2-7-1999, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 230/KT/CTN tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 3 tập thể và 1 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ ngày 5 đến ngày 6-7-1999, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 kiểm điểm tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và bàn biện pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm: Chính phủ đã đề ra bảy nhóm giải pháp lớn là:
1- Các giải pháp “kích cầu” đầu tư và tiêu dùng nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.
2- Các giải pháp nhằm khuyến khích xuất khẩu.
3- Các giải pháp về tài chính và tiền tệ.
4- Các giải pháp về ổn định môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước.
5- Các giải pháp tập trung chỉ đạo công tác xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn.
6- Các giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy hoạt động trên các lĩnh vực xã hội.
7- Các giải pháp về chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ kinh tế-xã hội từ nay đến cuối năm.
Cũng trong phiên họp này, Chính phủ đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 38/CP của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính; bàn và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Trong tháng 7-1999, Chính phủ đã ra các Nghị định số 48/1999/NĐ-CP ban hành các quy định về Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài; số 49/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán; số 50/1999/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển; số 51/1999/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi); số 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; 62/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định số 150/1999/QĐ-TTg về việc Tổng kiểm kê tài sản và xác định lại giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước; số 152/1999/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020; số 153/1999/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển muối; số 155/1999/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý chất thải nguy hại.
Từ ngày 9-8 đến ngày 16-8-1999, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) đã thông qua Nghị quyết “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách Nhà nước” và Nghị quyết “Về việc triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng”.
Trong tháng 8-1999, Chính phủ đã ra Nghị định số 81/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận và Nghị định số 86/1999/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định: số 773/QĐ-TTg phê duyệt Dự án giáo dục kỹ thuật và dạy nghề; số 168/1999/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất bông vải; số 170/1999/QĐ-TTg khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước; số 172/1999/QĐ-TTg về việc các tổ chức tín dụng thành lập công ty Chứng khoán và tham gia niêm yết chứng khoán.
Trong tháng 8-1999, Chủ tịch nước đã ký các Quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập cho 167 tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vì đã có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Ngày 1-9-1999, Chính phủ ra các Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế đấu thầu; số 89/1999/NĐ-CP ban hành Quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam và số 90/1999/NĐ-CP thành lập thị xã Đồng Xoài thuộc tỉnh Bình Phước. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 18/1999/QĐ-TTg về việc thành lập và phê duyệt dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sông Công I, tỉnh Thái Nguyên. Ngày 3-9-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 182/1999/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999-2010.
Ngày 4-9-1999, Chính phủ ra Nghị định số 92/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải. Ngày 7-9-1999, Chính phủ ra Nghị định số 93/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Ngày 10-9-1999, Chính phủ ra Nghị định số 103/1999/NĐ-CP về việc giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.
Từ ngày 12 đến ngày 13-9-1999, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu, đã dự Hội nghị cấp cao lần thứ VII Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC) họp tại Ôclen (Niu Dilân) và đã đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị. Những khuyến nghị của Việt Nam đối với nội dung hoạt động sắp tới của APEC được ghi nhận và hoan nghênh. Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao Niu Dilân, Nga, Vương quốc Brunây và nhiều nước khác, lãnh đạo các nước nhiệt liệt chào mừng thành tựu đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương với Việt Nam, thỏa thuận những biện pháp cùng Việt Nam đưa quan hệ hợp tác phát triển lên bước mới, đạt kết quả to lớn hơn nữa.
Ngày 16-9-1999, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 186/1999/QĐ-TTg công nhận thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là đô thị loại II; số 187/1999/QĐ-TTg về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh. Ngày 17-9-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg Quy định chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần đối với cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính,sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, bắt đầu thực hiện từ ngày 2-10-1999.
Ngày 18-9-1999, Chính phủ ra Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ban hành một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động khoa học và công nghệ.
Ngày 20-9-1999, Chính phủ ra Nghị định số 152/1999/NĐ-CP quy định việc người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 189/1999/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng Quy hoạch chung xây dựng khu thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị đến năm 2020.
Trong hai ngày 6 và 7-10-1999, Chính phủ họp thảo luận và quyết định về: Chiến lược tổng thể hội nhập kinh tế quốc tế; Tình hình thực hiện kế hoạch năm 1999 và phương hướng kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2000; Tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 1999 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2000. Cũng trong phiên họp Chính phủ đã ra Nghị quyết về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII).
Ngày 12-10-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010.
Ngày 18-10-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 204/1999/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo xây dựng khu kinh tế mở Chu Lai, do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban.
Ngày 20-10-1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dự cuộc gặp không chính thức giữa Thủ tướng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại Viêng Chăn (Lào), nhằm tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống và hợp tác vì lợi ích ở khu vực Đông Nam á và thế giới.
Ngày 25-10-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ban hành một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người Việt Nam gắn bó chặt chẽ với quê hương, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước; Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc triệu tập Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI vào cuối năm 2000 tại Thủ đô Hà Nội.
Từ ngày 4 đến 11-11-1999, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) tập trung bàn ba nội dung quan trọng, trong đó có việc kiểm điểm tình hình kinh tế-xã hội năm 1999 và quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2000.
Ngày 9-11-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và duy trì sự phát triển an toàn lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Ngày 11-11-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 219/1999/QĐ-TTg về chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Ngày 16-11-1999, Chính phủ ra Nghị định số 163/1999/NĐ-CP về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định vào mục đích lâm nghiệp và Nghị định số 164/1999/NĐ-CP về quản lý cán cân thanh toán quốc tế tại Việt Nam.
Ngày 17-11-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1073/QĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả lũ lụt tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Từ ngày 18-11 đến ngày 21-12-1999, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá X đã xem xét, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 1999, quyết định phương hướng, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2000 và thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2000; Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2000 và phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách Nhà nước năm 1998.
Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất; Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi) và xem xét Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2000.
Quốc hội đã xem xét và phê chuẩn ông Nguyễn Tấn Dũng được thôi nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tập trung thực hiện nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ; bổ nhiệm ông Lê Đức Thúy giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ của ông Ngô Xuân Lộc vì thiếu trách nhiệm về quản lý Nhà nước trong vụ sốt giá xi măng và vụ Thuỷ cung Thăng Long.
Ngày 19-11-1999, Chính phủ ra Nghị định số 165/1999/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 166/1999/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng.
Ngày 28-11-1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tham dự Hội nghị cấp cao không chính thức ASEAN lần thứ 3 tổ chức tại Manila (Philíppin) và đã phát biểu về vấn đề an ninh khu vực.
Ngày 7-12-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 223/1999/QĐ-TTg quy định: Các dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Từ ngày 14 đến 15-12-1999, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 7 nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 1999 với chủ đề “tấn công vào đói nghèo”, đã đánh giá cao kết quả của Việt Nam trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo giai đoạn 1993-1998. Các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ 2,1 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2000 và cung cấp thêm một khoản 700 triệu USD khác nhằm hỗ trợ chương trình đẩy nhanh cải cách của Chính phủ.
Ngày 15-12-1999, Chính phủ ra Nghị định số 175/1999/NĐ-CP về điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 234/1999/QĐ-TTg tăng thêm lương hưu đối với người về hưu trước ngày 1-9-1985.
Ngày 17-12-1999, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 230/1999/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hành chính đối với một số cơ quan thuộc thành phố Hồ Chí Minh; số 231/1999/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển và số 232/1999/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ phát triển.
Ngày 20-12-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 233/1999/QĐ-TTg ban hành Quy chế Bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.
Ngày 21-12-1999, Chính phủ ra Nghị định số 176/1999/NĐ-CP về lệ phí trước bạ đối với nhà, đất, phương tiện vận tải, súng săn, súng thể thao. Ngày 22-12-1999, Chính phủ ra Nghị định số 177/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện.
Ngày 29-12-1999, Chính phủ ra Nghị định số 178/1999/NĐ-CP về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.
Ngày 30-12-1999, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Đường Gia Triền thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là một sự kiện quan trọng đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc cũng như đối với khu vực.
Lễ ký Hiệp định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (ngày 30-12-1999)
Năm 1999, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường đổi mới và thu được những thành tựu đáng kể: Nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, không để xảy ra những biến động lớn trong môi trường kinh tế vĩ mô:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 1999 ước đạt 399.942 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 1998 (kế hoạch đề ra là 5% đến 6%). GDP bình quân đầu người đạt 374 USD.
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 6,3% (kế hoạch đề ra là 3,5% đến 4%). Sản lượng lương thực quy thóc đạt 34,3 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,4%, trong đó khu vực công nghiệp nhà nước tăng 4,5%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20%; Các ngành dịch vụ tăng 3%. Có 23 trong số 32 sản phẩm chủ yếu đạt tốc độ tăng trưởng từ 0,9% đến 45,3%.
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 11,54 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 1998. Kim ngạch nhập khẩu đạt 11,62 tỷ USD, tăng 1% về giá trị so với năm 1998. Tỷ lệ nhập siêu xấp xỉ 1% kim ngạch xuất khẩu. Cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện rõ rệt.
- Tổng đầu tư toàn xã hội đạt 103.900 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 1998, trong đó nguồn vốn trong nước chiếm 65%, nguồn vốn ngoài nước chiếm 35%.
- Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 74.200 tỷ đồng, vượt 6,8% so với dự toán năm 1999 và tăng 1,7% so với năm 1998.
- Bội chi ngân sách 4,97%.
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-1999 chỉ tăng 0,1% so với tháng 12-1998.
- Năm 1999, cả nước có 275 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép và số vốn đăng ký là 1.744 triệu USD. Số dự án tăng vốn có 123 dự án, với số vốn 554 triệu USD. Tính chung cả 2 nguồn cấp mới và tăng vốn, tổng số vốn đăng ký trong năm là 2.298 triệu USD. Vốn thực hiện 1.519 triệu USD, bằng 74,8% vốn đăng ký.
- Số hộ nghèo đói giảm 340.000 hộ (kế hoạch đề ra là 300.000 hộ). Chương trình quốc gia xoá đói, giảm nghèo được phát động từ năm 1992. Qua 7 năm thực hiện, tỷ lệ hộ đói nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể: từ 30% dân số năm 1992, giảm xuống còn 15,7% năm 1998 và 13% dân số vào cuối năm 1999.
- Tạo việc làm mới cho 1,2 triệu người (kế hoạch đề ra là 1 đến 1,2 triệu người).
- Đến cuối năm 1999, cả nước có 58/61 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ (kế hoạch là 50 tỉnh).
- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,05% (kế hoạch là 0,08%).
Đến cuối năm 1999, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 167 nước, quan hệ thương mại với 154 nước. Nhiều công ty của 70 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với số vốn đăng ký trên 36 tỷ USD.
Trong hai ngày 30 và 31-12-1999, Chính phủ đã họp phiên cuối cùng của năm 1999 để đánh giá tình hình thực hiện và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước tháng 12 và cả năm 1999 và bàn phương hướng quý 1 và năm 2000.
Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu kiểm điểm sự điều hành của Chính phủ trong năm 1999, phân tích rõ các khuyết điểm chủ quan thuộc chức năng và trách nhiệm của Chính phủ; nhấn mạnh những vấn đề có tính chất đột phá trong chương trình công tác của Chính phủ năm 2000 là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thủ tướng nêu rõ những vấn đề mà Chính phủ cần tập trung giải quyết trong năm 2000 là:
1- Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc làm ăn của dân và của các doanh nghiệp nhằm giải phóng và phát triển sản xuất, tạo khí thế mới trong đầu tư kinh doanh của toàn xã hội.
2- Xây dựng và triển khai thực hiện phương án (hoặc chương trình phát triển) giải quyết đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu (kể cả dịch vụ), trước hết là những sản phẩm có lợi thế, có sức cạnh tranh hoặc có điều kiện vươn lên nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiến trình hội nhập quốc tế.
3- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước kết hợp với thực hiện xã hội hoá trong hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, chống tệ nạn xã hội...
4- Đổi mới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trong đó tiến hành ngay việc phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm trong một số lĩnh vực đã rõ; tập trung nâng cao chất lượng xây dựng thể chế và tăng cường công tác kiểm tra.
Năm 2000 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 1996-2000, năm có nhiều sự kiện trọng đại đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời là năm chuyển giao của thế kỷ XX và thế kỷ XXI.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá X (từ ngày 18-11 đến ngày 21-12-1999) đã thông qua mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu chủ yếu của năm 2000 là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn năm 1999, ngăn chặn đà giảm sút nhịp độ tăng trưởng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, về phát triển khoa học-công nghệ, về bồi dưỡng nguồn nhân lực và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của các tầng lớp nhân dân. Bảo đảm ổn định chính trị-xã hội. Mở rộng quan hệ đối ngoại. Củng cố quốc phòng-an ninh.
Các chỉ tiêu chủ yếu về tăng trưởng kinh tế trong năm 2000:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 5,5% đến 6%.
- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 3,5% đến 4%.
- Sản lượng lương thực quy thóc đạt 33,5 triệu tấn đến 34 triệu tấn.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 10,5% đến 11%.
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng từ 5% đến 5,5%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 11% đến 12%.
- Lạm phát khoảng 6%.
- Bội chi ngân sách không vượt quá 5% GDP.
- Tạo việc làm mới cho 1,2 triệu đến 1,3 triệu lao động.
- Đào tạo nghề cho 780.000 người.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 11%.
- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,05%.
Cuộc họp Chính phủ ngày 30 và 31-12-1999
Ngày 13-1-2000, Chính phủ ra Nghị định số 01/2000/NĐ-CP ban hành Quy chế Phát hành trái phiếu Chính phủ.
Ngày 17-1-2000, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 08/2000/QĐ-TTg về việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hộ kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ; số 61/QĐ-TTg phê duyệt dự án xây dựng cầu Cần Thơ trên quốc lộ 1A.
Ngày 18-1-2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 10/2000/QĐ-TTg thành lập Ban quản lý khu công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Tây) trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Trong tháng 1-2000, Chính phủ đã tổ chức các hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2000 ở tất cả các vùng trong cả nước.
Ngày 28-1-2000, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ông Nguyễn Mạnh Cầm để tập trung thực hiện nhiệm vụ Phó Thủ tướng; bổ nhiệm ông Nguyễn Dy Niên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại của ông Trương Đình Tuyển để nhận công tác khác; bổ nhiệm ông Vũ Khoan, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Ngày 3-2-2000, Chính phủ ra Nghị định số 02/2000/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh và Nghị định số 03/2000/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp.
Ngày 3-2-2000, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 16/2000/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải Đường sông Việt Nam đến năm 2020; số 18/2000/QĐ-TTg về đầu tư Dự án xây dựng Đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1), dài 1.676 km, bắt đầu từ Hoà Lạc (Hà Tây) và kết thúc tại ngã tư Bình Phước (thành phố Hồ Chí Minh), với tổng mức vốn đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng; số 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ các loại giấy phép trái với Quy định của Luật Doanh nghiệp; số 20/2000/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở.
Ngày 3-2-2000, Chủ tịch nước ký Quyết định số 27b/KT-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 7 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới 1998-1999, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Cùng ngày, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Văn Ơn, đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 11-2-2000, Chính phủ ra Nghị định số 04/2000/NĐ-CP về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai.
Từ ngày 12 đến 13-2-2000, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu, đã dự Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển lần thứ 10 (UNCTAD X) họp tại Băngcốc (Thái Lan). Đây là dịp để Việt Nam bày tỏ lập trường của mình đối với các vấn đề toàn cầu hoá và các vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay; tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với công cuộc xây dựng và phát triển ở Việt Nam; gia tăng sự hội nhập của Việt Nam thông qua việc củng cố vị trí trong khối ASEAN và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Ngày 16-2-2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 21/2000/QĐ-TTg về việc chỉ định thầu đối với công tác xây dựng, tu bổ đê điều.
Ngày 21-2-2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 25/2000/QĐ-TTg phê duyệt Dự án khả thi bảo vệ và phát triển những vùng đất ngập nước ven biển miền Nam Việt Nam tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh.
Ngày 23-2-2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Ngày 3-3-2000, Chính phủ ra Nghị định số 05/2000/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Ngày 3-3-2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/2000/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung thị xã và khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang thời kỳ từ năm 2000 đến 2020.
Ngày 6-3-2000, Chính phủ ra Nghị định số 06/2000/NĐ-CP về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Thủ tướng Phan Văn Khải dự Hội nghị UNCTAD X (ngày 12-2-2000)
Ngày 9-3-2000, Chính phủ ra Nghị định số 07/2000/NĐ-CP về chính sách cứu trợ xã hội nhằm giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật nặng, người gặp rủi ro do thiên tai và những lý do bất khả kháng.
Ngày 10-3-2000, Chính phủ ra Nghị định số 08/2000/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm, quy định về việc đăng ký cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản; về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Từ 14 đến 15-3-2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp mặt đại diện 450 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước. Thủ tướng đã trao bằng khen cho 60 nhà quản lý giỏi, đạt kết quả sản xuất, kinh doanh xuất sắc năm 1999.
Ngày 21-3-2000, Chính phủ ra Nghị định số 09/2000/NĐ-CP về ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN cho năm 2000.
Lễ giỗ tổ Hùng Vương ngày 14-2-2000 tại xã Hy Cương (Lâm Thao, Phú Thọ)
Thủ tướng Phan Văn Khải dự lễ động thổ xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) tại Quảng Bình (ngày 5-4-2000)
Ngày 6-4-2000, tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức trọng thể lễ khởi công xây dựng Đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1). Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến dự và phát lệnh khởi công xây dựng công trình.
Ngày 21-4-2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 49/2000/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh (Nghệ An) đến năm 2020.
Ngày 28-4-2000, Chủ tịch nước ký các Quyết định số 159/KT-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 13 tập thể và 5 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới 1989-1999, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; số 160/KT-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 304 tập thể và 9 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước; số 161-KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 9 liệt sĩ có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và 57 liệt sĩ có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 3-5-2000, tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã được bầu vào ủy ban nhân quyền (nhiệm kỳ 2001-2003) và ủy ban phát triển xã hội (nhiệm kỳ 2001-2004) của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC).
Ngày 3-5-2000, Chính phủ ra Nghị định số 11/2000/NĐ-CP ban hành Quy chế Bảo đảm an ninh hàng không dân dụng. Ngày 5-5-2000, Chính phủ ra Nghị định số 12/2000/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08-7-1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Đấu thầu, ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 của Chính phủ.
Từ ngày 9-5 đến ngày 9-6-2000, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá X đã thông qua 5 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Hôn nhân và gia đình.
Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
Ngày 10-5-2000, Chính phủ ra Nghị định số 16/2000/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.
Ngày 12-5-2000, nhà máy thủy điện Yaly đã đưa tổ máy số 1 vào chạy thử tải và hoà lưới điện quốc gia. Đây là công trình thuỷ điện lớn thứ hai sau thuỷ điện Hoà Bình (gồm 4 tổ máy, với công suất thiết kế 720 MW) và là công trình thuỷ điện lớn đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế và thi công.
Toàn cảnh tuyến áp lực công trình thủy điện Yaly
Kinh tế trang trại
Ngày 19-5-2000, Chủ tịch nước ký Quyết định số 193/KT-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 10 tập thể và 4 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 21-5-2000, khánh thành cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, trên quốc lộ 1A, nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong 2 dự án viện trợ lớn của chính phủ Ôxtrâylia dành cho Việt Nam.
Ngày 26-5-2000, Chính phủ ra Nghị định số 17/2000/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chứng khoán.
Ngày 29-5-2000, Chính phủ ra Nghị định số 18/2000/NĐ-CP ban hành các quy định về Cờ truyền thống, Hải quan hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và trang phục Hải quan Việt Nam.
Từ ngày 31-5 đến 1-6-2000, Chính phủ đã họp dưới sự chủ toạ của Thủ tướng Phan Văn Khải để xem xét: Đề án “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hoá để phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn”; Đề án “Phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005”; Bàn và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.