II- CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IX (1992-1997)
Từ ngày 20-9 đến 8-10-1992, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX, đã bầu:
Chủ tịch nước: Ông Lê Đức Anh
Phó Chủ tịch: Bà Nguyễn Thị Bình
Chủ tịch Quốc hội: Ông Nông Đức Mạnh
Thủ tướng Chính phủ: Ông Võ Văn Kiệt
Trên cơ sở Hiến pháp 1992, Quốc hội đã thông qua 4 luật tổ chức bộ máy Nhà nước mới (Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Viện Kiểm sát) trong đó có Luật tổ chức Chính phủ; Quyết định cơ cấu tổ chức Chính phủ và phê duyệt đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 1991-1995, nền kinh tế Việt Nam gặp một số khó khăn lớn và thử thách nghiêm trọng: Nền kinh tế chưa ra khỏi tình trạng khủng hoảng và lạm phát, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận và bao vây kinh tế, Liên Xô cũ và các nước Đông Âu khủng hoảng trầm trọng, làm thu hẹp đáng kể các khoản viện trợ cũng như thị trường xuất nhập khẩu. Một số thế lực thù địch đẩy mạnh những hoạt động gây mất ổn định chính trị và bạo loạn lật đổ.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiên trì đường lối đổi mới, ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, vượt qua khó khăn, trở ngại, giành nhiều thắng lợi mới to lớn.
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và các mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra, Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, v.v...
Ngày 16 và 17-10-1992, Chính phủ họp phiên đầu tiên bàn việc triển khai chương trình hoạt động của Chính phủ: Triển khai thực hiện Luật tổ chức Chính phủ, Chương trình hoạt động của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội; xác định những nhiệm vụ công tác cần tập trung chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm; bàn các biện pháp cấp bách chống tham nhũng, chống buôn lậu; làm trong sạch bộ máy hành chính Nhà nước.
Ngày 18-10-1992, Chính phủ ra Nghị định số 1-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Ngày 26-10-1992, Chính phủ ra Nghị định số 2-CP thành lập Ban Vật giá Chính phủ; Nghị định số 3-CP thành lập Tổng cục Bưu điện; Nghị định số 4-CP thành lập Tổng cục Thể dục Thể thao; Nghị định số 5-CP thành lập Tổng cục Du lịch.
Từ ngày 10 đến ngày 12-11-1992, Chính phủ đã họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội và bàn một số đề án quan trọng về nội dung và nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch và ngân sách Nhà nước năm 1993; các dự án về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục, về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, về bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Chính phủ cũng thảo luận và thông qua chương trình xây dựng pháp luật năm 1993.
Ngày 21-11-1992, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 114-TTg về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu.
Ngày 1-12-1992, Chính phủ ra Nghị định số 13-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.
Từ ngày 9 đến ngày 23-12-1992, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá IX, đã thông qua 3 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Từ ngày 29 đến 30-12-1992, Chính phủ đã họp kiểm điểm chương trình hành động năm 1992, quyết định chương trình năm 1993, tập trung vào 10 công tác lớn là:
1- Tiếp tục kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, ổn định nền tài chính tiền tệ và thị trường giá cả, phát triển sản xuất kinh doanh.
2- Thi hành nghiêm pháp luật, thiết lập trật tự trong quản lý kinh tế- xã hội, ngăn chặn và bài trừ một bước quan trọng các tệ tham nhũng, buôn lậu, xoá bỏ tệ nạn mại dâm, khắc phục một bước quan trọng nạn nghiện hút.
3- Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.
4- Tiếp tục đổi mới chính sách, cơ chế quản lý kinh tế đối ngoại.
5- Thực hiện tốt các chương trình giải quyết việc làm, cải cách tiền lương, sửa đổi các chính sách bảo hiểm xã hội.
6- Tiếp tục ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, thể chế hoá và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng về văn hoá-nghệ thuật, giáo dục và đào tạo, dân số và kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phát triển khoa học và công nghệ.
7- Tăng cường chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
8- Tăng cường chỉ đạo các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
9- Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1993.
10- Tiến hành cải cách hành chính và tư pháp.
Ngày 29-1-1993, Chính phủ ra Nghị quyết số 5-CP về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm; Nghị quyết số 6-CP về tăng cường chỉ đạo công tác phòng,chống và kiểm soát ma tuý.
Ngày 2-3-1993, Chính phủ ra Nghị định số 12-CP ban hành bản Quy định về sắp xếp lại tổ chức và đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước; Nghị định số 13-CP ban hành bản Quy định về công tác khuyến nông; Nghị định số 14-CP ban hành bản Quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn, phát triển sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.
Nhà máy thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai
Một góc khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh)
Ngày 5-5-1993, Chính phủ ra Nghị quyết số 20-CP về đẩy mạnh công tác phòng chống nhiễm HIV/SIDA.
Ngày 27-5-1993, Chính phủ ra Nghị định số 29-CP về những biện pháp khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước.
Từ ngày 16-6 đến ngày 14-7-1993, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá IX, đã thông qua: Luật đất đai; Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp; Các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu, lợi tức, tiêu thụ đặc biệt, xuất khẩu, nhập khẩu; Luật dầu khí; Luật xuất bản.
Ngày 30 và 31-7-1993, Chính phủ đã họp đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 3 năm 1991-1993, bàn định hướng phát triển kinh tế-xã hội hai năm còn lại của kế hoạch 5 năm 1991-1995, và bàn chương trình của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới kinh tế-xã hội nông thôn.
Ngày 30-8-1993, Chính phủ ra Nghị định số 58-CP về việc ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài.
Ngày 24-9-1993, Chính phủ ra Nghị định số 63-CP về việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng.
Từ ngày 23 đến ngày 25-9-1993, Chính phủ đã triệu tập Hội nghị toàn quốc về phát triển kinh tế-xã hội miền núi, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Quyết định số 72-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Hội nghị đã đề ra các giải pháp và biện pháp thiết thực để phát triển kinh tế-xã hội miền núi.
Mỏ dầu Bạch Hổ trên biển Đông
Ngày 27-9-1993, Chính phủ ra Nghị định số 64-CP ban hành bản Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
Ngày 17-11-1993, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 07-NQ/TW về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất. Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các cấp, các ngành, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò quan trọng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động để thực sự là một tổ chức tập hợp khối đoàn kết toàn dân, nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nơi thống nhất hành động giữa các thành viên, tham gia với chính quyền trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trong việc thực hiện dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ chính quyền, tham gia quản lý xã hội, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đó là những nhiệm vụ trọng đại của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ngày 22-11-1993, Chính phủ ra Nghị định số 85-CP ban hành bản Quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Ngày 23-11-1993, Chính phủ ra Nghị định số 87-CP ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (B.O.T).
Từ ngày 16-12 đến ngày 30-12-1993, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá IX, đã thông qua Nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu; thông qua: Luật bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật toà án nhân dân và Luật phá sản doanh nghiệp.
Ngày 6-1-1994, Chính phủ đã họp kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành công tác năm 1993, bàn chương trình công tác năm 1994, nêu rõ 6 ưu điểm nổi bật cùng 6 mặt thiếu sót cần khắc phục trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; quyết định 7 nhóm công tác lớn trong năm 1994 và một số quyết định mới của Chính phủ về kinh tế đối ngoại.
Ngày 15-1-1994, Chính phủ ra Nghị định số 2-CP ban hành bản Quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dự lễ khởi công xây dựng đường dây 500kV xuyên Việt, tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình (ngày 5-4-1992).
Đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam đoạn qua huyện Nam Đàn (Nghệ An), quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ ngày 20-1 đến ngày 25-1-1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng đã họp để tiến hành kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, tổng kết một bước thực tiễn đổi mới, xác định những chủ trương và giải pháp lớn nhằm giữ gìn đất nước vững vàng trong mọi tình thế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII. Hội nghị đã nêu bật ba thành tựu quan trọng, ba mặt yếu kém và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và khẳng định: “Mặc dù còn nhiều mặt yếu kém phải khắc phục, những thành tựu quan trọng đã đạt được đang tạo ra những tiền đề đưa đất nước chuyển dần sang một thời kỳ mới, thời kỳ đẩy tới một bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Hội nghị đã nêu lên bốn nguy cơ thách thức lớn và những cơ hội lớn, đồng thời khẳng định: “Trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, phải động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng tâm nhất trí, nỗ lực vượt bậc, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, mở rộng hợp tác quốc tế, thực hành cần kiệm liêm chính, ra sức khai thác thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát mà Đại hội VII đã đề ra cho kế hoạch 5 năm 1991-1995, thúc đẩy nhanh nhịp độ thực hiện những mục tiêu của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.
Ngày 29-1-1994, Chính phủ ra Nghị định số 7-CP ban hành Quy chế về kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân.
Ngày 25-2-1994, Chính phủ ra Nghị định số 13-CP ban hành Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam.
Ngày 7-3-1994, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 90-TTg về việc tiếp tục sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và Quyết định số 91-TTg về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh.
Ngày 15-3-1994, Chính phủ ra Nghị định số 20-CP về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Ngày 4-5-1994, Chính phủ ra Nghị quyết số 38-CP về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.
Từ ngày 26-5 đến ngày 23-6-1994, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá IX, đã thông qua các luật: Bộ Luật lao động, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi); Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất; Luật khuyến khích đầu tư trong nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp tư nhân. Quốc hội cũng đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Ngày 29 và 30-6-1994, Chính phủ đã họp xem xét việc triển khai Nghị quyết 38-CP và bàn một số vấn đề kinh tế-xã hội cần tập trung chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm.
Ngày 5-7-1994, Chính phủ ra Nghị định số 60-CP về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở tại đô thị; Nghị định số 61-CP về việc mua bán và kinh doanh nhà ở.
Ngày 26-7-1994, Chính phủ ra Nghị định số 72-CP ban hành Quy chế phát hành các loại trái phiếu Chính phủ.
Từ ngày 25 đến ngày 30-7-1994, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) đã họp và ra Nghị quyết về Phát triển công nghiệp, công nghệ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới, nhằm thực hiện nhiệm vụ đẩy tới một bước sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ đã đề ra.
Ngày 8-8-1994, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.
Ngày 17-8-1994, Chính phủ ra các Nghị định: Nghị định 87-CP Quy định khung giá các loại đất; Nghị định 88-CP về quản lý và sử dụng đất đô thị; Nghị định 89-CP về việc thu tiền sử dụng đất và lệ phí địa chính; Nghị định 90-CP ban hành Quy chế về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng; Nghị định 91-CP ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị.
Ngày 17-12-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Quyết định tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 19.879 Bà mẹ của 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Tiếp đó, ngày 20-12-1994, Chủ tịch nước cũng đã ký Quyết định tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 237 tập thể và 76 cá nhân có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến trước đây, (từ 1954 đến 1975) và 6 tập thể, 1 cá nhân trong thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến 1994).
Ngày 19-12-1994, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 763-TTg về một số chính sách đối với kinh tế hợp tác xã (tiểu, thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại và dịch vụ).
Ngày 28-12-1994, Chính phủ ra Nghị định số 191-CP ban hành Quy chế Hình thành, thẩm định và thực hiện Dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, và Nghị định 192-CP ban hành Quy chế khu công nghiệp.
Ngày 4-1-1995, Chính phủ ra Nghị định số 1-CP ban hành Quy định về giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản trong doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 5-1-1995, Chính phủ ra Nghị định số 2-CP Quy định về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước.
Từ ngày 16 đến ngày 23-1-1995, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VII) đã họp và ra Nghị quyết về việc “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cải cách một bước nền hành chính Nhà nước”.
Tháng 3-1995, Chính phủ đề ra kế hoạch tiến hành cải cách một bước nền hành chính Nhà nước với mục tiêu xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh và có đủ năng lực. Năm 1995, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ cụ thể về cải cách thể chế hành chính gồm các việc: Cải cách thủ tục hành chính. Chấn chỉnh và lập lại trật tự, kỷ cương xã hội, trọng tâm là lĩnh vực quản lý đô thị và trật tự, an toàn giao thông, nhất là ở các thành phố lớn. Giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các khiếu kiện của dân, áp dụng nhiều hình thức thích hợp để thông tin cho dân biết và góp ý kiến vào chính sách, pháp luật, công việc Nhà nước. Đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng lập pháp, lập quy, nghiêm chỉnh thi hành luật. Bộ máy hành chính Nhà nước được tiến hành điều chỉnh từng bước tinh gọn, phù hợp với cơ chế mới, sắp xếp và chấn chỉnh quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, bỏ quan hệ chủ quản đối với các doanh nghiệp. Ban hành và thực hiện nghiêm chỉnh các Quy chế về quản lý tài sản công, tài chính công, chế độ tiết kiệm, chế độ kế toán, chế độ kiểm toán. Điều chỉnh bộ máy theo hướng thu gọn các đầu mối, tập trung sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ nhanh nhạy, có hiệu lực cao.
Tháng 4-1995, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt hai cho 7.922 bà mẹ.
Ngày 29-5-1995, Chính phủ ra Nghị định 36-CP về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.
Ngày 12-7-1995, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt đã ra Tuyên bố về việc Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clintơn quyết định bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
Ngày 17-7-1995, Việt Nam đã ký Hiệp định khung về hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 28-7-1995, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các nước Đông-Nam á (ASEAN), và sau đó, ngày 19-9-1995, là thành viên chính thức của Tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông-Nam á (AIPO).
Lễ kết nạp Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông - Nam Á (ASEAN) tại Brunây (28-7-1995).
Các vị đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN trong buổi lễ khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 5 tại Brunây (12-1995)
Ngày 26-7-1995, Chính phủ ra Nghị định số 49-CP Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.
Ngày 3-10 đến ngày 28-10-1995, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá IX, đã thông qua Nghị quyết về việc:
- Thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thuỷ lợi;
- Thành lập Bộ Công nghiệp trên cơ sở hợp nhất Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng;
- Thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở hợp nhất ủy ban Kế hoạch Nhà nước và ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.
- Phê chuẩn việc bổ nhiệm và miễn nhiệm một số thành viên của Chính phủ.
Ngày 12-12-1995, Chính phủ ra Nghị định số 87-CP về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Ngày 14-12-1995, Chính phủ ra Nghị định số 88-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội.
Trong kế hoạch 5 năm 1991-1995, nền kinh tế-xã hội của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng sau:
1- Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm:
Nhịp độ tăng bình quân hàng năm về tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8,2% (so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 5,5-6,5%). Trong đó năm 1991 tăng 6,0%; năm 1992 tăng 8,6%; năm 1993 tăng 8,1%; năm 1994 tăng 8,8%; năm 1995 tăng 9,5%.
Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp bình quân mỗi năm tăng 4,5% (mức đề ra là 3,7-4,5%). Sản lượng lương thực từ mức bình quân 13,3 triệu tấn/năm trong những năm 1976-1980; 17,0 triệu tấn/năm những năm 1981-1985 và 19,5 triệu tấn/năm những năm 1986-1990 đã tăng lên đạt gần 22,0 triệu tấn năm 1991; 24,2 triệu tấn năm 1992; 25,5 triệu tấn năm 1993; 26,2 triệu tấn năm 1994 và 27,5 triệu tấn năm 1995. Lương thực bình quân đầu người tăng từ 280,7kg năm1987 lên 324,4 kg năm 1990 và 371,8 kg năm 1995. Trong 5 năm 1991-1995, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo.
Giá trị tổng sản lượng công nghiệp bình quân mỗi năm trong 5 năm 1991-1995 đạt tốc độ tăng 13,5% (so với kế hoạch đề ra 7,5-8,5%).
Kim ngạch xuất khẩu 5 năm 1991-1995 đạt 17 tỷ USD (so với kế hoạch 12-15 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu đạt 22,1 tỷ USD (so kế hoạch 16 tỷ USD). Cơ cấu kinh tế có bước chuyển đổi; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP từ 22,6% năm 1990 lên 29,1% năm 1995; dịch vụ từ 38,6% lên 41,9%. Bắt đầu có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế. Vốn đầu tư cơ bản toàn xã hội năm 1990 chiếm 15,8% GDP; năm 1995 là 27,4% (trong đó nguồn đầu tư trong nước chiếm 16,7% GDP). Đến cuối năm 1995, tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt trên 19 tỷ USD, gần 1/3 đã được thực hiện. Lạm phát từ mức 67,1% năm 1991 giảm xuống còn 12,7% năm 1995.
Hoạt động khoa học và công nghệ gắn bó hơn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, thích nghi dần với cơ chế thị trường. Quan hệ sản xuất được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của lực lượng sản xuất . Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng.
2- Tạo được một số chuyển biến tích cực về mặt xã hội:
Đời sống vật chất của phần lớn nhân dân được cải thiện. Trình độ dân trí và mức độ hưởng thụ văn hoá của nhân dân được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao, thông tin đại chúng, công tác kế hoạch hoá gia đình và nhiều hoạt động xã hội khác có những mặt phát triển và tiến bộ. Lòng tin của nhân dân vào chế độ và tiền đồ của đất nước, vào Đảng và Nhà nước được nâng lên.
3- Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh.
4- Thực hiện có kết quả một số đổi mới quan trọng về hệ thống chính trị:
Cùng với việc ban hành Hiến pháp năm 1992, đã sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, tiến hành cải cách một bước nền hành chính Nhà nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đạt hiệu quả thiết thực hơn. Quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng, văn hoá được phát huy. Các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc đoàn kết, gắn bó trong sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.
5- Phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, phá thế bao vây cấm vận, tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng quốc tế:
Việt Nam đã triển khai tích cực và năng động đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá. Khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt với Lào; xây dựng quan hệ tốt với Campuchia; phát triển quan hệ với các nước trong khu vực, trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức ASEAN; củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với nhân dân nhiều nước, từng bước đổi mới quan hệ với Liên bang Nga, các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập và các nước Đông Âu, mở rộng quan hệ với các nước công nghiệp phát triển; bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ; thiết lập và mở rộng quan hệ với nhiều nước Nam á, Nam Thái Bình Dương, Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh; mở rộng quan hệ với phong trào Không liên kết, các tổ chức quốc tế và khu vực.
Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các Đảng cộng sản và công nhân, các phong trào độc lập dân tộc, các tổ chức và phong trào tiến bộ trên thế giới; thiết lập quan hệ với các Đảng cầm quyền ở một số nước; mở rộng hoạt động đối ngoại của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội. Phát triển quan hệ với các tổ chức phi chính phủ trên thế giới.
Đến cuối 1995, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước, có quan hệ buôn bán với trên 100 nước. Các công ty của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nhiều Chính phủ và tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay để phát triển...
Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, nguy cơ tụt hậu xa hơn còn lớn. Việc xây dựng quan hệ sản xuất mới có phần vừa lúng túng, vừa buông lỏng. Tài chính, tiền tệ chưa ổn định và thiếu lành mạnh. Các mặt văn hoá-xã hội còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng từ ngày 28-6 đến 1-7-1996 đã tổng kết thành tựu 10 năm đổi mới, đưa đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đánh giá tổng quát 10 năm đổi mới, Đại hội VIII chỉ rõ: Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn thành về cơ bản.
Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc.
Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển mạnh sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đại hội VIII của Đảng đã nêu lên những bài học chủ yếu; mục tiêu đến năm 2000 và năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 1996-2000. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, do ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên cơ sở nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xây dựng nước Việt Nam thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Phấn đấu đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Đại hội VIII đã đề ra nhiệm vụ tổng quát và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1996-2000 là: Tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được đề ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000: Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững, đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau.
Ngày 3-1-1996, Chính phủ ra Nghị định số 1-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.
Trong hai ngày 29 và 30-1-1996, Chính phủ đã họp bàn biện pháp thực hiện một số công tác trọng tâm của quý I-1996: Xem xét sáu vấn đề đang nổi cộm trong quá trình tiến hành cải cách thủ tục hành chính và nền hành chính là:
1- Sửa đổi và bổ sung một số quy định trong Nghị định 61-CP để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, mua bán nhà, giải toả một số ách tắc tạo điều kiện cho việc mua bán kinh doanh trong lĩnh vực này được bình thường.
2- Sửa đổi một số quy định trong Nghị định số 177-CP và Nghị định số 190-CP của Chính phủ về Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng; về Quy chế hình thành, thẩm định và thực hiện các dự án đầu tư của nước ngoài, để khắc phục một số vướng mắc, trì trệ, giảm phiền hà cho nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam.
3- Sửa đổi một số quy định trong Nghị định 178-CP về tổ chức quản lý ngành tài chính, bảo đảm tính thống nhất của bộ máy quản lý ngành tài chính quốc gia và mối quan hệ với các địa phương, tăng cường quyền quản lý của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trên địa bàn lãnh thổ.
4- Sửa đổi một số quy định trong Nghị định số 13-CP và 15-CP của Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, xoá bỏ dần chế độ bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản đối với doanh nghiệp Nhà nước.
5- Sửa đổi và bổ sung một số quy định trong Nghị định số 45-HĐBT về công chứng Nhà nước.
6- Triển khai một số công việc nhằm tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, chức danh, ngạch bậc công chức Nhà nước, ban hành quy định về thi tuyển công chức, xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, ban hành chế độ trách nhiệm và kỷ luật hành chính đối với công chức Nhà nước.
Ngày 29-1-1996, Chủ tịch nước ký Quyết định truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 327 tập thể và 40 cá nhân, trong đó có 274 tập thể và 13 cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng, 53 tập thể và 27 cá nhân thuộc lực lượng công an nhân dân.
Từ ngày 1 đến 2-3-1996, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, đã dự cuộc gặp cấp cao á-Âu lần thứ nhất (ASEM-1) tại Băng Cốc (Thái Lan). Trong các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhiều vị nguyên thủ quốc gia các nước tại ASEM-1 đều nhấn mạnh khả năng của Việt Nam đóng góp vào việc xây dựng và phát triển á-Âu và ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Từ ngày 2-3 đến ngày 20-3-1996, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá IX, đã thông qua 3 đạo luật: Luật ngân sách Nhà nước; Luật hợp tác xã; Luật khoáng sản.
Ngày 20-3-1996, Chính phủ ra Nghị định số 19-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan.
Ngày 17-4-1996, Chính phủ ra Nghị định số 22-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Ngày 18-4-1996, Chính phủ ra Nghị định số 24-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Quốc phòng.
Ngày 26-4-1996, Chính phủ ra Nghị định số 26-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
Tháng 4-1996, Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 2.842 bà mẹ.
Ngày 7-5-1996, Chính phủ ra Nghị định 28-CP về việc chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần.
Ngày 25-6-1996, Chính phủ ra Nghị định số 38-CP, quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.
Ngày 5-7-1996, Chính phủ ra Nghị định số 39-CP về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; Nghị định 40-CP về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ.
Ngày 6-8-1996, Chính phủ ra Nghị định số 46-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về y tế.
Ngày 28-8-1996, Chính phủ ra Nghị định số 50-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 10-9-1996, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một cho 77 công trình, cụm công trình, cụm tác phẩm đặc biệt xuất sắc về khoa học và kỹ thuật, văn học và nghệ thuật.
Từ ngày 5-10 đến ngày 12-11-1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX, đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm một số thành viên của Chính phủ; chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh:
- Chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh: Bắc Kạn và Thái Nguyên.
- Chia tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh: Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
- Chia tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh: Bắc Giang và Bắc Ninh.
- Chia tỉnh Hải Hưng thành 2 tỉnh: Hải Dương và Hưng Yên.
- Chia tỉnh Hà Nam thành 2 tỉnh: Nam Định và Hà Nam.
- Chia tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
- Chia tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh: Bình Dương và Bình Phước.
- Chia tỉnh Minh Hải thành 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu.
Trên cơ sở nhiệm vụ tổng quát và những mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch 5 năm 1996-2000, với nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu là:
1- Tập trung sức cho mục tiêu phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm 9-10%, trong đó:
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm 4,5-5%. Đến năm 2000 sản xuất lương thực khoảng 30-32 triệu tấn.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14-15%.
- Đến năm 2000 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 34-35% trong GDP; nông, lâm, ngư nghiệp đạt khoảng 19-20%; dịch vụ đạt khoảng 45-46%; tỷ lệ đầu tư phát triển trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân khoảng 30% GDP; GDP bình quân đầu người gấp đôi năm 1990.
2- Tăng nhanh khả năng và tiềm lực tài chính của đất nước, lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia:
- Huy động 20-21% GDP vào ngân sách Nhà nước.
- Bội chi ngân sách không quá 3,5% GDP.
- Lạm phát dưới 10%.
3- Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại; giảm nhập siêu.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 27-28%.
- Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 22-24%.
4- Giải quyết tốt một số vấn đề về xã hội.
5- Bảo đảm vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh.
6- Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác quốc tế và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá.
7- Tích cực chuẩn bị và tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000.
Để hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề cập đến 11 chương trình và lĩnh vực phát triển. Đó là các chương trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; phát triển công nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển kinh tế dịch vụ; phát triển kinh tế đối ngoại; phát triển giáo dục và đào tạo; giải quyết các vấn đề về văn hoá-xã hội; phát triển các vùng lãnh thổ; phát triển kinh tế-xã hội miền núi và vùng đồng bào các dân tộc; chương trình xóa đói giảm nghèo.
Ngày 28-11-1996, Chính phủ ra Nghị định số 75-CP thành lập ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngày 19-11-1996, Chính phủ ra Nghị định số 77-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và Nghị định số 78-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Từ ngày 16 đến ngày 24-12-1996, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) đã họp tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị Trung ương 2 đã ra Nghị quyết về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000”, và Nghị quyết về “Định hướng chiến lược phát triển khoa học-công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000”.
Ngày 31-12-1996, Chính phủ ra Nghị quyết số 88-CP về chương trình khoa học và công nghệ vật liệu ở Việt Nam đến năm 2010.
Về tổ chức các đơn vị hành chính, từ ngày 1-1-1997, cả nước chia thành 61 đơn vị hành chính bao gồm 57 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 10-1-1997, Chính phủ ra Nghị định số 4-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.
Ngày 21-2-1997, Chính phủ ra Nghị định số 15-CP về chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã và Nghị định số 16-CP về chuyển đổi, đăng ký Hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã.
Ngày 24-2-1997, Chính phủ ra Nghị định số 18-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngày 26-3-1997, Chính phủ ra Nghị định số 25-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28-CP ngày 7-5-1996 về chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần.
Ngày 28-3-1997, Chính phủ ra Nghị quyết số 27-CP về ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Nghị định số 28-CP về đổi mới quản lý tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 23-4-1997, Chính phủ ra Nghị định số 35-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Ngày 24-4-1997, Chính phủ ra Nghị định số 36-CP ban hành Quy chế Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Ngày 28-4-1997, Chính phủ ra Nghị định số 38-CP về sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 50-CP ngày 28-8-1996 về thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 29-4-1997, Chính phủ ra Nghị định số 41-CP ban hành Điều lệ mẫu Hợp tác xã Thương mại; Nghị định số 42-CP ban hành Điều lệ mẫu Quỹ Tín dụng nhân dân; Nghị định số 43-CP ban hành Điều lệ mẫu Hợp tác xã Nông nghiệp; Nghị định số 44-CP ban hành Điều lệ mẫu Hợp tác xã Công nghiệp và Xây dựng; Nghị định số 45-CP ban hành Điều lệ mẫu Hợp tác xã Giao thông vận tải và Nghị định số 46-CP ban hành Điều lệ mẫu Hợp tác xã Thuỷ sản.
Ngày 5-5-1997, Chính phủ ra Nghị định số 48-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị.
Ngày 10-5-1997, Chính phủ ra Nghị định số 50-CP ban hành Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương; Nghị định số 51-CP về đăng ký và quản lý hộ khẩu.
Từ ngày 2-4 đến ngày 10-5-1997, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX, đã thông qua: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật Thương mại; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự.
Ngày 23-5-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 343-TTg về việc xây dựng “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020”.
Ngày 31-5-1997, Chính phủ ra Nghị định số 57-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá.
Ngày 7-6-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 386-TTg về việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Từ ngày 9 đến ngày 18-6-1997, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) đã họp tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị Trung ương 3 đã ra Nghị quyết về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch vững mạnh” và Nghị quyết về “Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Ngày 18-6-1997, Chính phủ ra Nghị định số 77-CP ban hành bản Quy chế đầu tư theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (B.O.T) áp dụng cho đầu tư trong nước; Nghị định số 78-CP quy định quân hiệu, cấp hiệu, lễ phục, quân kỳ, phù hiệu kiểm soát, biển công tác, cờ hiệu, giấy chứng minh của Bộ đội biên phòng.
Ngày 19-6-1997, Chính phủ ra Nghị định số 79-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.
Ngày 7-7-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 498-TTg thành lập ủy ban Quốc gia về an ninh lương thực. Ngày 8-7-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 500-TTg về Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam đến năm 2020.
Ngày 12-7-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 532-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996-2010.
Ngày 21-8-1997, Chính phủ ra Nghị quyết số 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa.
Ngày 22-8-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 668-TTg về phương hướng, biện pháp giảm nhẹ thiên tai và những chương trình chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh ven biển miền Trung. Ngày 23-8-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 677-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 1996-2010.
Ngày 25-8-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 686-TTg thành lập ủy ban Quốc gia phòng, chống ma tuý.
Ngày 30-8-1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 712-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc thời kỳ 1996-2010.
Tiếp đó, trong tháng 9-1997, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định: số 739-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế thời kỳ 1996-2010; số 740-TTg phê duyệt Quy hoạch khu kinh tế đô thị Đồng Đăng-Lạng Sơn thời kỳ từ 1997 đến 2010; số 747-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thời kỳ 1996-2010; số 761-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ thời kỳ 1996-2010.