MƯỜI TÁM NĂM ĐỔI MỚI (1986 - 2003)
Từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích những sai lầm, khuyết điểm, rút ra bốn bài học kinh nghiệm lớn và đề ra đường lối đổi mới toàn diện, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mở ra bước ngoặt mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đổi mới toàn diện ở Việt Nam bắt đầu từ đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế để đi đến xác định một mô hình mới về chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới. Đổi mới tư duy được xác định trên cơ sở phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để có nhận thức đúng về chủ nghĩa xã hội khoa học và vận dụng nó trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản, phù hợp với đặc điểm tình hình của Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986)
Trong quá trình đổi mới, Việt Nam coi đổi mới kinh tế là cơ bản, đổi mới về chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa phải làm đồng thời nhưng có bước đi vững chắc, đồng thời phải sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phá hoại công cuộc đổi mới. Trong đổi mới về kinh tế, Việt Nam khẳng định sự nhất quán phải đổi mới cơ bản về chính sách và cơ chế quản lý kinh tế, từng bước tạo lập trật tự và cơ chế kinh tế mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Mục tiêu bao trùm đặt ra cho công cuộc đổi mới được Đại hội VI xác định là: “ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”, từng bước đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và đi lên, củng cố vững chắc quốc phòng và an ninh.
Tư tưởng chủ đạo của đường lối đổi mới kinh tế là: giải phóng mạnh mẽ mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác tốt và có hiệu quả mọi khả năng của đất nước, của mọi thành phần kinh tế; trên cơ sở phát huy các nguồn lực trong nước là chính, mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút mạnh mẽ và có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài; hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và đổi mới quan hệ sản xuất (cả về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối) nhằm bảo đảm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Mọi sự tăng trưởng và phát triển đều hướng tới “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”.
Đại hội VI xác định những mục tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là:
1- Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích luỹ;
2- Bước đầu tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất;
3- Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất;
4- Tạo ra chuyển biến tốt về mặt xã hội;
5- Bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh.
Đại hội VI, Đại hội của sự đổi mới, là mốc đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình kế thừa và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.