IV- CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XI (2002-2007)
Từ ngày 19-7 đến 12-8-2002, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI đã bầu:
Chủ tịch nước: Ông Trần Đức Lương
Phó Chủ tịch nước: Bà Trương Mỹ Hoa
Chủ tịch Quốc hội: Ông Nguyễn Văn An
Thủ tướng Chính phủ: Ông Phan Văn Khải
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về cơ cấu tổ chức Chính phủ gồm 20 bộ và 6 cơ quan ngang bộ; đổi tên Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường thành Bộ Khoa học và Công nghệ; Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ thành Bộ Nội vụ; ủy ban Dân tộc và Miền núi thành ủy ban Dân tộc. Thành lập mới: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Bưu chính, Viễn thông; ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ba Phó Thủ tướng là các ông Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Khoan, Phạm Gia Khiêm và 20 Bộ trưởng, 6 thủ tưởng cơ quan ngang bộ.
Thủ tướng Phan Văn Khải và các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007
ra mắt tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI
Ngày 15-8-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 108/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2010.
Ngày 16-8-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 109/2002/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, do Phó Thủ tướng Vũ Khoan làm Trưởng Ban.
Ngày 21-8-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 110/2002/QĐ-TTg về việc thành lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Ngày 23-8-2002, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 698/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và cải tạo lưới điện thành phố Hà Nội giai đoạn 2002-2010, có xét đến năm 2020; số 699/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và cải tạo lưới điện TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2002-2010, có xét đến năm 2020 và số 702/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Đại học Quốc gia Hà Nội trong khu vực các đô thị Miếu Môn-Xuân Mai-Hoà Lạc-Sơn Tây.
Ngày 26-8-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt chi tiết cảng biển Dung Quất đến năm 2010 (thuộc nhóm cảng biển miền Trung) và Quyết định số 709/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng.
Từ ngày 26-8 đến 4-9-2002, Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao về phát triển bền vững tổ chức tại Giôhannexbớc (Nam Phi). Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đề cập đến hậu quả của chất độc màu da cam do cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra đối với môi trường và con người Việt Nam, kêu gọi cộng đồng quốc tế vì lòng nhân đạo và đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ vì trách nhiệm và đạo lý cần có những biện pháp thiết thực hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật, tài chính giúp Việt Nam khắc phục hậu quả lâu dài do chất độc điôxin gây ra.
Ngày 1-9-2002, khởi công xây dựng cầu Bính bắc qua sông Cấm, thành phố Hải Phòng. Cầu Bính thiết kế theo kiểu dây văng đối xứng, dài 1.280 mét, rộng 22,5 mét, chiều cao thông thuyền 25 mét, tổng vốn đầu tư 8,02 tỷ yên từ nguồn vay đặc biệt của Chính phủ Nhật Bản và 141 tỷ đồng Việt Nam.
Ngày 3-9-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020.
Ngày 3 và 4-9-2002, Chính phủ khoá mới, nhiệm kỳ 2002-2007 họp phiên đầu tiên, thảo luận và cho ý kiến về 3 đề án lớn có tác động trực tiếp đến hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ toàn khoá: Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007; Một số vấn đề về đổi mới công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ; Nghị định sửa đổi Nghị định 15/CP của Chính phủ về nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ và cơ quan ngang bộ. Chính phủ xem xét và cho ý kiến về Dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI và năm 2003.
Ngày 4-9-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 113/2002/QĐ-TTg chuyển Tổng cục Hải quan vào Bộ Tài chính và Quyết định số 114/2002/QĐ-TTg thí điểm thực hiện khoán biên chế và chi phí hoạt động đối với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).
Từ ngày 8 đến 13-9-2002, Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 23 Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam á (AIPO-23) với chủ đề tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn 2020 và Chương trình hành động Hà Nội. Các Trưởng đoàn dự kỳ họp đã ký 34 nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức và phụ nữ và bản Thông cáo chung 94 điểm.
Ngày 13-9-2002, Chính phủ ra Nghị định số 76/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 29-12-2000 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng.
Ngày 13-9-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 115/2002/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế cửa khẩu và áp dụng chính sách Khu kinh tế cửa khẩu đối với khu vực Hoành Mô-Đồng Văn và Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 18-9-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 120/2002/QĐ-TTg bổ sung và thay tên xã thuộc Chương trình kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135)
Ngày 19-9-2002, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 121/2002/QĐ-TTg chuyển Cục Hàng không dân dụng Việt Nam vào Bộ Giao thông vận tải; số 122/2002/QĐ-TTg chuyển Ban Vật giá Chính phủ vào Bộ Tài chính và số 123/2002/QĐ-TTg chuyển Học viện Hành chính Quốc gia vào Bộ Nội vụ.
Ngày 20-9-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 825/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo, Chương trình tăng trưởng và giảm nghèo và Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo, do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban.
Từ ngày 20 đến 27-9-2002, Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự Hội nghị cấp cao á-Âu lần thứ 4 (ASEM-4) tại Copenhagen (Đan Mạch), thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Aixơlen, Đại công quốc Lúcxămbua, Vương quốc Bỉ, ủy ban châu Âu (EC).
Phát biểu ý kiến tại phiên bế mạc Hội nghị cấp cao á-Âu lần thứ 4 (ASEM-4) Thủ tướng Phan Văn Khải nêu rõ: Với vai trò là điều phối viên và là chủ nhà của ASEM-5, Việt Nam cam kết tích cực hợp tác cùng các điều phối viên để sớm triển khai các nội dung đã thảo luận trong Hội nghị này. Về vấn đề chống khủng bố và an ninh quốc tế, Thủ tướng cho rằng tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật pháp quốc tế, tăng cường đối thoại là cơ sở để tìm kiếm tiếng nói chung cho các giải pháp chống khủng bố và gìn giữ an ninh thế giới. Thủ tướng khẳng định quá trình hợp tác á-Âu sẽ phát triển tốt đẹp và cam kết Việt Nam sẽ tích cực chuẩn bị và hẹn các nhà lãnh đạo ASEM vào năm 2004 tại Hà Nội.
Ngày 26-9-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 125/2002/QĐ-TTg thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 27-9-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 126/2002/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Huế và Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 27-9-2002 phê duyệt hướng quy hoạch chung xây dựng tuyến đường Láng-Hoà Lạc đến năm 2020.
Ngày 30-9 và 1-10-2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9-2002 nghe Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2002 và định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2003; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2001, đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2002 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2003; Báo cáo bổ sung về dự án thuỷ điện Sơn La.
Ngày 1-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 868/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Thanh Hoá, với tổng mức đầu tư 1.582,824 tỷ đồng.
Ngày 4-10-2002, Chính phủ ra Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Nghị định số 79/2002/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Công ty Tài chính.
Ngày 4-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 130/2002/QĐ-TTg phê duyệt chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế giai đoạn 2002-2010 và Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng chính sách xã hội.
Ngày 8-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên, nhằm bảo đảm cho đồng bào sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp có đất sản xuất và đất ở để ổn định và từng bước nâng cao đời sống.
Ngày 9-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma tuý tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển.
Ngày 10-10-2002, Chủ tịch nước ký Quyết định số 694/2002/QĐ-CTN tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 3 tập thể và 5 cá nhân, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.
Ngày 14-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 135/2002/QĐ-TTg công nhận thành phố Thái Nguyên thuộc tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II.
Ngày 15-10-2002, Chính phủ ra Nghị định số 80/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/1998/NĐ-CP ngày 15-9-1998 về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển.
Ngày 15-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 137/2002/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế cửa khẩu và áp dụng chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình; số 138/2002/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Răng-Hàm-Mặt trên cơ sở Khoa Răng-Hàm-Mặt của Trường Đại học Y khoa Hà Nội và Viện Răng-Hàm-Mặt Hà Nội và số 139/2002/QĐ-TTg về khám, chữa bệnh cho người nghèo.
Ngày 17-10-2002, Chính phủ ra Nghị định số 81/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ; Nghị định số 82/2002/NĐ-CP thành lập thành phố Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Lạng Sơn.
Ngày 21-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 141/2002/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2010 và Quyết định số 142/2002/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020.
Ngày 24-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 145/2002/QĐ-TTg thành lập khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 146/2002/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày 22 đến 30-10-2002, Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 10 tại Lốt Cabốt (Mêhicô) và thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Chi Lê, Cộng hoà Cuba.
Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 10 (được tiến hành trong hai ngày 26 và 27-10-2002). Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề xuất một số ý kiến cụ thể về nhu cầu ổn định tài chính trong khu vực, vai trò của thương mại và đầu tư đối với phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững; nhấn mạnh yêu cầu tăng cường thương mại trong khối để thu hẹp khoảng cách phát triển; đề nghị các nước thành viên mở cửa hơn nữa cho hàng hoá của các nước thành viên đang phát triển, nhất là hàng nông sản, hải sản, dệt may. Về tiến trình đàm phán gia nhập WTO, Thủ tướng đề nghị các thành viên APEC có biện pháp ủng hộ thiết thực để Việt Nam sớm trở thành thành viên của tổ chức này. Trong cuộc thảo luận về nội dung hợp tác chống khủng bố, Thủ tướng Phan Văn Khải tán thành quan điểm chống mọi hành động khủng bố, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác quốc tế trước mắt cũng như lâu dài, phù hợp luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc; ủng hộ việc ra một tuyên bố mới của các nhà lãnh đạo về hợp tác chống khủng bố.
Ngày 30 và 31-10-2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10-2002 nghe trình dự thảo Đề án về Cải cách tiền lương và chính sách xã hội; Báo cáo tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và các giải pháp cấp bách để khắc phục; Báo cáo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận tại Hội nghị Trung ương 6 (Khoá IX) về khoa học, công nghệ và về giáo dục, đào tạo. Tại phiên họp, Chính phủ còn xem xét góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và chuyển đổi công ty, doanh nghiệp nhà nước theo mô hình công ty mẹ - công ty con; Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo quý III và nhiệm vụ thanh tra quý IV; Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2002.
Từ ngày 3 đến 5-11-2002, Thủ tướng Phan Văn Khải dự Hội nghị cấp cao ASEAN-VIII và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 tổ chức tại Phnôm Pênh (Campuchia). Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải nêu lên những hướng chính trong hợp tác chính trị và hợp tác phát triển; đánh giá cao sự hỗ trợ của các nước có trình độ phát triển cao hơn trong thực hiện sáng kiến ASEAN cũng như thái độ của các nước đối tác ASEAN đã luôn coi trọng quan hệ với tổ chức Hiệp hội này. Thủ tướng đề nghị gia tăng buôn bán, mở rộng đầu tư, mong muốn các nước Đông á tạo điều kiện cho các nước ASEAN xuất khẩu hàng hoá, khuyến khích các công ty đầu tư vào ASEAN, tăng cường cung cấp ODA cho các nước thành viên mới của ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ngày 5-11-2002, Chính phủ ra Nghị định số 86/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, các cơ quan ngang bộ và Nghị định số 87/2002/NĐ-CP về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ tư vấn.
Ngày 6-11-2002, Chủ tịch nước ký Quyết định số 745/2002/QĐ-CTN tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 642 nhà giáo. Ngày 7-11-2002, Chủ tịch nước ký Quyết định số 767/2002/QĐ-CTN tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 52 nhà giáo.
Ngày 7-11-2002, Chính phủ ra Nghị định số 88/2002/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm không nhằm mục đích kinh doanh và Nghị định số 89/2002/NĐ-CP quy định việc in, phát hành, sử dung, quản lý hoá đơn.
Từ ngày 7 đến 9-11-2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) họp Hội nghị lần thứ 7 tại Hà Nội. Hội nghị tập trung thảo luận việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2002; Định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2003 và nghe Báo cáo về một số vấn đề cụ thể của Dự án thuỷ điện Sơn La.
Ngày 11-11-2002, Chính phủ ra các Nghị định số 90/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông; số 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; số 92/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hoá; số 93/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 196/CP ngày 31-12-1994 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thoả ước lao động tập thể; số 94/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; số 95/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 Nghị định số 76/2002/NĐ-CP ngày 13-9-2002 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29-12-2000 quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng.
Ngày 11-11-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 154/2002/QĐ-TTg về chính sách cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và hộ dân cư thuộc diện chính sách ở các tỉnh Tây Nguyên mua trả chậm nhà ở.
Từ ngày 12-11 đến 16-12-2002, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XI xem xét tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế-xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2002, thông qua phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2003; Phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2001. Quốc hội thông qua 2 luật: Luật ngân sách Nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội; Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI và năm 2003.
Ngày 14-11-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 157/2002/QĐ-TTg về thành lập và áp dụng chính sách đối với Khu khuyến khích phát triển kinh tế-thương mại Chân Mây thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ngày 15-11-2002, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 158/2002/QĐ-TTg quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi Olympic quốc gia, Olympic quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia, kỹ năng nghề quốc tế; số 159/2002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học; số 160/2002/QĐ-TTg thành lập Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh; số 161/2002/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non và số 162/2002/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Ngày 18-11-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 164/2002/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Ngày 18-11-2002, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 20-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010.
Ngày 19-11-2002, Chính phủ ra Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông.
Ngày 19-11-2002, Chính phủ ra Nghị định số 96/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan.
Ngày 21-11-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1113/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học.
Ngày 30-11-2002, Thủ tướng Phan Văn Khải dự lễ và phát lệnh khởi công xây dựng cầu Thanh Trì (Hà Nội) bắc qua sông Hồng. Đây là cầu bê tông vĩnh cửu lớn nhất Việt Nam, được xây dựng bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, với tổng đầu tư là 410 triệu USD. Cầu chính dài 3.084 mét, rộng 33,1 mét cho 6 làn xe cao tốc.
Ngày 2-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 173/2002/QĐ-TTg về thay đổi tổ chức Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và Quyết định số 174/2002/QĐ-TTg về tổ chức hoạt động của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 3-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020 và số 176/2002/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2001-2005.
Ngày 4-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1157/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng Ban.
Ngày 6-12-2002, Chủ tịch nước ký Quyết định số 874/2002/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.
Ngày 6-12-2002, Chính phủ ra Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ngày 10-12-2002, Chủ tịch nước ký Quyết định số 878/2002/QĐ-CTN tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Bệnh viện Bạch Mai vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới; Quyết định số 879/2002/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Phạm Văn Cường, Trung uý, cán bộ Phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý, Công an tỉnh Lai Châu đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh chống tội phạm ma tuý.
Ngày 10 và 11-12-2002, Hội nghị lần thứ 10 nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2002 (CG-2002) họp tại Hà Nội, với sự tham dự của 47 đoàn đại biểu các nước, các tổ chức tài chính, tiền tệ thế giới và các tổ chức phi chính phủ. Các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho Việt Nam 2,5 tỷ USD trong năm 2003, tăng 4,5% so với mức cam kết năm 2002.
Ngày 11-12-2002, Chính phủ ra Nghị định số 102/2002/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp đối với bệnh binh hoặc công nhân, viên chức nghỉ việc đang hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Ngày 13-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 178/2002/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm cải cách hành chính tại các cảng biển thuộc khu vực các tỉnh, thành phố: Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Ngày 17-12-2002, Chính phủ ra Nghị định số 103/2002/NĐ-CP quy định chế độ đền bù và trợ cấp đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma tuý bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản.
Ngày 17-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1194/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật giai đoạn II khu công nghiệp Xuyên á, tỉnh Long An.
Ngày 18-12-2002, Chính phủ ra Nghị định số 104/2002/NĐ-CP chia tách huyện A Yun Pa thành hai huyện Ia Pa và A Yun Pa, tỉnh Gia Lai.
Ngày 19-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng chính sách xã hội và Quyết định số 1224/QĐ-TTg phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 20-12-2002, Chính phủ ra Nghị định số 106/2002/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận Hải An và các phường trực thuộc, mở rộng và thành lập phường thuộc quận Lê Chân và đổi tên huyện An Hải thành huyện An Dương thuộc thành phố Hải Phòng.
Ngày 22-12-2002, khởi công xây dựng Nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang tại thị trấn Na Hang, có công suất lắp đặt 342 MW, sản lượng điện hàng năm 1,295 tỷ kWh với tổng vốn đầu tư 7.522 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng công trình thuỷ điện
Tuyên Quang (ngày 22/12/2002)
Ngày 23-12-2002, Chủ tịch nước ký Quyết định số 910/2002/QĐ-CTN tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 3 tập thể đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.
Ngày 23-12-2002, Chính phủ ra Nghị định số 107/2002/NĐ-CP quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vị khác vi phạm pháp luật hải quan.
Ngày 25-12-2002, Chính phủ ra Nghị định số 108/2002/NĐ-CP về việc bãi bỏ quy định khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo tỷ lệ (%) đối với một số hàng hoá, dịch vụ.
Ngày 25-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 184/2002/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Y-Dược Cần Thơ.
Ngày 26-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020.
Ngày 27-12-2002, Chính phủ ra Nghị định số 109/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31-12-1994 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và Nghị định số 110/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/CP ngày 20-1-1995 quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Ngày 30 và 31-12-2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12-2002 để xem xét tình hình kinh tế-xã hội tháng 12 và cả năm 2002, kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2002 và bàn Chương trình công tác năm 2003; thảo luận Dự thảo Quy chế làm việc của Chính phủ (sửa đổi) và kế hoạch tổ chức SEA Games 22 tại Việt Nam vào năm 2003.
Chính phủ nhận định, năm 2002, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động theo hướng xấu, thiên tai liên tiếp xảy ra ở nhiều khu vực trong nước, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, tăng cao so với năm 2001.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,04% so với năm 2001, đứng đầu khu vực ASEAN và thứ hai ở châu á. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,5%. Giá trị các ngành dịch vụ tăng 7%. Sản lượng một số sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp quan trọng phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu đều bằng hoặc vượt mức kế hoạch sản xuất của các năm trước: Sản lượng lúa đạt 34,1 triệu tấn, không những đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo; sản lượng điện tăng 16%; thép cán tăng 27,7%; xi măng tăng 25,8%; thuỷ sản chế biến tăng 25,2%; quần áo may sẵn tăng 26,1%; vải lụa tăng 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 16,53 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2001. Kim ngạch nhập khẩu đạt 19,3 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2001. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,3%. Thu nhập của dân cư được nâng lên, sức mua tăng khá, giá cả ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4%. Đào tạo nghề cho 980.000 người. Tạo việc làm mới cho 1,4 triệu người. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống còn 14,3%. Tỷ lệ sinh giảm 0,042%.
Cùng với những thành tựu nổi bật trên, mặt tồn tại được chỉ rõ là: Những hạn chế về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó đáng lưu ý là hiệu quả đầu tư và tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; những hạn chế, bất cập trong xử lý tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông đòi hỏi các cấp, các ngành cần sớm có giải pháp xử lý kiên quyết và hữu hiệu.
Chính phủ xác định 4 mặt công tác lớn cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong năm 2003 là: Phát triển kinh tế-xã hội; Bảo đảm an ninh trật tự xã hội; Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chỉnh đốn kỷ cương trong bộ máy Nhà nước.
Năm 2003 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2001-2005). Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XI xác định nhiệm vụ và mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2003 là: Bảo đảm duy trì tốc độ phát triển cao và bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm có thị trường, có sức cạnh tranh cao. Huy động tối đa nội lực để phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác tốt thị trường trong nước. Tiếp tục thực hiện xoá đói, giảm nghèo. Giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt là tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông. Đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống. Mở rộng quan hệ đối ngoại.
Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 7% đến 7,5%;
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5%;
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 14% đến 14,5%;
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng từ 7% đến 7,2%;
- Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5% đến 8%;
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GDP;
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 5%;
- Tạo việc làm mới cho 1,5 triệu người;
- Đào tạo nghề cho trên 1 triệu người;
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12,5%;
- Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 28%;
- Giảm tỷ lệ sinh 0,04%.
Ngày 6-1-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 04/2003/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tỉnh Hưng Yên trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật I.
Ngày 7 và 8-1-2003, Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách năm 2003. Hội nghị nghe 5 báo cáo của các Bộ và địa phương là: Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2003; Mục tiêu, nhiệm vụ và một số giải pháp tài chính, ngân sách chủ yếu nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2003; Chủ trương và biện pháp đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, biện pháp và kinh nghiệm tổ chức quản lý, phát triển đô thị ở địa phương; Một số kinh nghiệm trong triển khai thực hiện xoá đói giảm nghèo và thực hiện Chương trình 135; Giải quyết tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Ngày 17-1-2003, Chính phủ ra Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2003.
Ngày 9-1-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/2003/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) về giáo dục và đào tạo.
Ngày 10-1-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 08/2003/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 09/2003/QĐ-TTg mở rộng phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Ngày 13-1-2003, Chủ tịch nước ký Quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 6 đơn vị; truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Phạm Xuân Phong, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, và tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Đại tá Trần Bang, Giám đốc Công ty 20, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng).
Từ ngày 13 đến 21-1-2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX họp Hội nghị lần thứ 7 (phần 2) thông qua 4 Nghị quyết: Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Về Công tác dân tộc; Về Công tác tôn giáo và Nghị quyết về Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ngày 15-1-2003, Chính phủ ra Nghị định số 03/2003/NĐ-CP điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới cơ chế quản lý tiền lương.
Ngày 16-1-2003, Chính phủ ra Nghị định số 04/2003/NĐ-CP quy định về khen thưởng đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong phòng, chống ma tuý.
Ngày 17-1-2003, khởi công xây dựng cầu Thuận Phước bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng), dài 1.855 m, rộng 18 m với tổng vốn đầu tư 598 tỷ đồng.
Ngày 21-1-2003, Chính phủ ra Nghị định số 05/2003/NĐ-CP về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý.
Ngày 22-1-2003, Chính phủ ra Nghị định số 06/2003/NĐ-CP về phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngày 23-1-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 17/2003/QĐ-TTg chuyển Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Xây dựng.
Ngày 28-1-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 18/2003/QĐ-TTg chuyển Trường Đại học Dân lập Công nghệ Tôn Đức Thắng sang loại hình trường bán công và đổi tên thành Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng, trực thuộc ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 19/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đến năm 2005.
Ngày 29-1-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 20/2003/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn 2003-2010 xét đến năm 2020 và Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg về việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp đối với các hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước.
Ngày 30-1-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 22/2003/QĐ-TTg về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc, khám chữa bệnh và đấu tranh với những đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS.
Từ ngày 7 đến 9-2-2003, Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn công tác của Chính phủ thăm và kiểm tra tình hình xây dựng cụm, tuyến dân cư, nhà ở tại các vùng ngập sâu của các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang. Thủ tướng nêu ý kiến chỉ đạo các tỉnh và bộ, ngành liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư ở vùng ngập lũ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 9-2-2003, khởi công xây dựng Nhà máy giấy và bột giấy tại xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, công suất 60.000 tấn giấy và 50.000 tấn bột giấy/năm (giai đoạn đầu), với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Ngày 10-2-2003, Chính phủ ra Nghị định số 08/2003/NĐ-CP về hoạt động của cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghiã Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Ngày 12-2-2003, Chính phủ ra Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học. Theo Nghị định: Các hành vi mang thai hộ, sinh sản vô tính bị Nhà nước nghiêm cấm. Con được sinh ra nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu thừa kế, không được quyền nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, noãn, phôi.
Ngày 17-2-2003, khởi công xây dựng Nhà máy đóng tàu Dung Quất giai đoạn 1, tại Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi), với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Đây là nhà máy đóng tàu lớn nhất Việt Nam, có khả năng đóng mới và sửa chữa các loại tàu biển, tàu chở dầu từ 100.000 đến 400.000 tấn.
Ngày 17-2-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 26/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và đào tạo đến năm 2005.
Ngày 19-2-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.
Ngày 19-2-2003, Chính phủ ra các Nghị định số 13/2003/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ; số 14/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 15/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ.
Ngày 20-2-2003, Chính phủ ra Nghị định số 17/2003/NĐ-CP về việc thành lập các huyện Chơn Thành, Bù Đốp thuộc tỉnh Bình Phước và Nghị định số 18/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.
Ngày 21-2-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 30/2003/QĐ-TTg ban hành Quy chế làm việc của Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế-thương mại quốc tế.
Ngày 26-2-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 225/QĐ-TTg phê duyệt Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu.
Ngày 4-3-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 34/2003/QĐ-TTg thành lập Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Liên hiệp Đường sắt Việt Nam.
Ngày 5-3-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 35/2003/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp soạn thảo các dự án Luật, pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI và năm 2003 và Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg phê duyệt Đề án một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002-2010.
Ngày 7-3-2003, Chính phủ ra Nghị định số 19/2003/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hôị Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước.
Ngày 10-3-2003, Chính phủ ra Nghị định số 21/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
Ngày 11-3-2003, Chính phủ ra Nghị định số 22/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ủy ban Thể dục Thể thao.
Ngày 11-3-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 12-3-2003, Chính phủ ra Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.
Ngày 13-3-2003, Chính phủ ra Nghị định số 24/2003/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo.
Ngày 13-3-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 277/QĐ-TTg phê duyệt Dự án tổ chức các đội trí thức trẻ tình nguyện, tham gia phát triển nông thôn, miền núi.
Ngày 19-3-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 297/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp do vi rút.
Ngày 20-3-2003, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về việc nhà cầm quyền Mỹ, Anh phát động chiến tranh chống Irắc. Tuyên bố nêu rõ: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam cực lực phản đối mọi hành động quân sự của nhà cầm quyền Mỹ, Anh chống nhân dân Irắc và mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu chấm dứt ngay các hành động đó, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Irắc, khôi phục hoà bình ở khu vực và sự ổn định trên thế giới”.
Ngày 20-3-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 311/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn đến năm 2010.
Ngày 22-3-2003, khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Thái Nguyên, tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, có công suất 4000 tấn clanhke/ngày, tương đương 1,5 triệu tấn xi măng/năm, với tổng vốn đầu tư 2.755 tỷ đồng.
Ngày 24 và 25-3-2003, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phan Văn Khải gặp gỡ đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị với Thủ tướng những biện pháp cấp bách và lâu dài để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, giúp các doanh nghiệp thực sự làm ăn có hiệu quả. Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách cởi mở và những nỗ lực mới của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng đây là một việc làm tốt cần được phát huy nhằm góp phần nâng cao vai trò vị trí của các doanh nghiệp; thúc đẩy hơn nữa khả năng cạnh tranh và hiệu quả của các doanh nghiệp và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ngày càng có hiệu lực hơn.
Ngày 27 và 28-3-2003, tại thành phố Vũng Tàu, Hội nghị tổng kết tình hình hoạt động của các Khu công nghiệp và khu chế xuất toàn quốc. Tính đến hết tháng 2-2003, đã có 2.319 dự án đầu tư có hiệu lực trong các Khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 55.850.000 tỷ đồng và 9.868 triệu USD.
Ngày 31-3-2003, Chính phủ ra Nghị định số 28/2003/NĐ-CP Quy định phát hành Công trái giáo dục xây dựng Tổ quốc năm 2003, nhằm huy động nguồn vốn hỗ trợ các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và các tỉnh có nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu không còn phòng học ba ca, không còn phòng học tranh tre, nứa lá, kiên cố hoá trường học và Nghị định số 29/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Ngày 1-4-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 44/2003/QĐ-TTg thành lập ủy ban Quốc gia chuẩn bị và tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác á-Âu lần thứ 5 (ủy ban Quốc gia về ASEM 5) diễn ra tại Hà Nội vào năm 2004.
Ngày 1-4-2003, Chính phủ ra Nghị định số 30/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan thuộc Chính phủ.
Ngày 2-4-2003, Chính phủ ra Nghị định số 33/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP ngày 6-7-1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.
Ngày 3-4-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 371/QĐ-TTg về việc đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Bình Phước, có công suất thiết kế 2 triệu tấn xi măng/năm, với tổng vốn đầu tư 4.749,38 tỷ đồng.
Ngày 4-4-2003, Chính phủ ra các Nghị định số 34/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải; số 35/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và số 36/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Ngày 5-4-2003, khởi công xây dựng Công trình thuỷ điện Sê San 3A tại xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, có công suất thiết kế 108 MW, với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.
Từ ngày 6 đến ngày 12-4-2003, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm và làm việc tại Nhật Bản.
Ngày 10-4-2003, Chính phủ ra Nghị định số 37/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh.
Ngày 14-4-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 49/2003/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Tây và Quyết định số 50/2003/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 15-4-2003, Chính phủ ra Nghị định số 38/2003/NĐ-CP về việc chuyển đổi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần.
Ngày 17-4-2003, Cơ quan đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã cùng Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo công bố Báo cáo điều tra kinh tế-xã hội khu vực châu á-Thái Bình Dương năm 2003 do ủy ban Kinh tế-Xã hội châu á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) soạn thảo. Báo cáo nhấn mạnh: Việt Nam được đánh giá là nước đã đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực giảm nghèo, thị trường lao động được cải thiện đáng kể, hoạt động thương mại theo định hướng thị trường đạt những bước tiến nhanh. Báo cáo dự đoán mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7% năm 2003.
Ngày 18-4-2003, Chính phủ ra Nghị định số 39/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm.
Ngày 23 và 24-4-2003, tại thành phố Cần Thơ, Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 21 và sơ kết thực hiện Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường bảo đảm an ninh-quốc phòng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tập trung chăm lo về vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số tốt hơn nữa, phấn đấu đến năm 2004 người dân vùng ngập lũ có nơi cư trú an toàn, không phải di dời trong mùa mưa lũ. Đồng bằng sông Cửu Long cần được xây dựng để trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.
Ngày 28-4-2003, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4-2003. Chính phủ nghe Báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2002 và tình tình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2003; Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2002 và triển khai nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2003; Tờ trình Chính phủ về dự thảo Chiến lược phát triển toàn diện hệ thống pháp luật của Việt Nam đến năm 2010; nghe bản tổng hợp các ý kiến về các dự án Luật chuẩn bị trình Quốc hội; xem xét tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân quý I-2003. Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế và các địa phương trong việc chống bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS), nhắc nhở cần chủ động phòng ngừa, chủ động ngăn chặn SARS.
Ngày 2-5-2003, Chính phủ ra Nghị định số 42/2003/NĐ-CP về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và Nghị định số 43/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản.
Từ ngày 3-5 đến 16-6-2003, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XI tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2002; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2003.
Quốc hội thông qua 8 đạo Luật: Luật kế toán; Luật thống kê; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội; Luật biên giới quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Quốc hội cho ý kiến 9 dự án Luật; Thảo luận và thông qua Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.
Ngày 5-5-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 83/2003/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Tây trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương I.
Thủ tướng Phan Văn Khải chụp ảnh chung với các vận động viên
và huấn luyện viên tiêu biểu năm 2002
Ngày 6-5-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 84/2003/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 87/2001/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm khoán thu, khoán chi cho Đài Truyền hình Việt Nam áp dụng trong năm 2003 và Quyết định số 85/2003/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ tài chính đối với Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngày 7-5-2003, Chủ tịch nước ký Quyết định số 225/2003/QĐ-CTN tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho 5 đơn vị và 1 cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.
Ngày 9-5-2003, Chính phủ ra các Nghị định số 44/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về hợp đồng lao động; số 45/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ và số 46/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Nhà nước.
Ngày 9-5-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 91/2003/QĐ-TTg về việc áp dụng hạn ngạch thuế đối với 7 mặt hàng nhập khẩu và Quyết định số 92/2003/QĐ-TTg công nhận Thành phố Hải Phòng là đô thị loại I.
Ngày 10-5-2003, khởi công xây dựng Nhà máy thuỷ điện Đại Ninh, tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, công suất 300 MW, với tổng vốn đầu tư 440 triệu USD; Khởi công xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang tại xã Kỳ Nam,huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, trên quốc lộ 1A.
Ngày 12-5-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 93/2003/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống cháy rừng.
Ngày 13-5-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 95/2003/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn I Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương.
Ngày 15-5-2003, Chính phủ ra Nghị định số 49/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Ngày 18-5-2003, khởi công xây dựng cầu Bãi Cháy bắc qua eo biển Cửa Lục, trên quốc lộ 18. Đây là cây cầu dây văng bê tông thép dự ứng lực một mặt phẳng lớn, dài 903 m, cao 50 m trên mặt biển, rộng 25,3 m, gồm 4 làn xe chạy, 2 làn cho xe thô sơ và người đi bộ, với tổng vốn đầu tư 1.514 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.
Ngày 19-5-2003, Chính phủ ra Nghị định số 52/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị định số 54/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngày 19-5-2003, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), khánh thành công trình đúc tượng đồng và dâng hương tưởng niệm các Vị Vua: Lý Thánh Tông (1023-1072), Lý Nhân Tông (1066-1127), Lê Thánh Tông (1442-1497) và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (1292-1370) những người đã có công sáng lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phát triển nền giáo dục Việt Nam.
Ngày 28-5-2003, Chính phủ ra Nghị định số 55/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp và Nghị định số 56/2003/NĐ-CP thành lập huyện Pác Nặm thuộc tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 28 và 29-5-2003, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5-2003, thảo luận Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về công tác dân tộc; Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công; Sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước và tăng đầu tư phát triển; thảo luận một số văn bản Luật và dưới luật quan trọng khác.
Từ ngày 28 đến 30-5-2003, Hội thảo quốc tế “Việt Nam-Châu Phi - Những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ XXI” được tổ chức tại Hà Nội.
Ngày 29-5-2003, Chính phủ ra Nghị định số 58/2003/NĐ-CP quy định cụ thể và hướng dẫn kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Ngày 4-6-2003, Chính phủ ra Nghị định số 59/2003/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công với cách mạng đã mất trước ngày 1-1-1995.
Ngày 5-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 6-6-2003, Chính phủ ra các Nghị định số 60/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; số 61/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và số 62/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Ngày 9-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 112/2003/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban.
Ngày 10-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 114/2003/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Phước.
Ngày 11-6-2003, Chính phủ ra Nghị định số 63/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá-Thông tin và Nghị định số 65/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật.
Ngày 11-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 118/2003/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.
Ngày 12-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) về công tác dân tộc.
Ngày 13-6-2003, Chính phủ ra Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Ngày 16-6-2003, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông,lâm trường quốc doanh.
Ngày 17-6-2003, Chính phủ ra Nghị định số 70/2003/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.
Ngày 17-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 124/2003/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2010.
Ngày 19-6-2003, Chính phủ ra Nghị định số 71/2003/NĐ-CP về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp Nhà nước.
Ngày 20-6-2003, Chính phủ ra Nghị định số 72/2003/NĐ-CP chia tách huyện Hiên thành các huyện Đông Giang và Tây Giang, huyện Trà My thành các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 23-6-2003, Chính phủ ra Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
Ngày 26-6-2003, Chính phủ ra Nghị định số 74/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực và Nghị định số 75/2003/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin.
Ngày 27-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 687/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm Trưởng Ban.
Ngày 30-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg bảo vệ tiền Việt Nam, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn việc làm tiền giả, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả và phá hoại tiền Việt Nam.
Ngày 30-6 và 1-7-2003, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2003, thảo luận, đánh giá về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2003 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2003; tham gia ý kiến về các dự thảo Nghị định về thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, Luật Thanh tra nhà nước, Pháp lệnh Kiểm toán nhà nước, đồng thời thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2003, các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Chính phủ nhận định: Tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2003 tiếp tục có những chuyển biến tích cực nên đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,9%, cao hơn cùng kỳ năm 2002 là 0,4% (6 tháng đầu năm 2002, GDP tăng 6,5%). Trong đó nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2002. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 32,6% so với cùng kỳ, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 48,7% GDP. Thị trường trong nước và sức mua của dân cư có nhiều cải thiện, góp phần tiêu thụ tốt hàng hoá trên thị trường. Nguồn vốn đầu tư phát triển tiếp tục được huy động khá, tăng hơn 23% so với cùng kỳ và bằng 36,8% GDP, trong đó vốn trong nước chiếm hơn 70%. Thu ngân sách Nhà nước tăng 9,5% so với cùng kỳ và đạt 51,6% dự toán. Một số vấn đề xã hội đã có những chuyển biến tích cực, nhất là việc khống chế và kiểm soát được bệnh SARS, giải quyết có kết quả bước đầu tình trạng ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm còn bộc lộ những yếu kém cần sớm được khắc phục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tuy đạt mức cao hơn (6,9%) so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn 6 tháng cuối năm 2002 (6 tháng cuối năm 2002 là 7,5%) và chưa đạt mức kế hoạch đề ra là 7% - 7,5%. Sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa khắc phục được những yếu tố thời tiết, khí hậu; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt thấp, chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ. Các hoạt động dịch vụ như du lịch, vận tải tăng trưởng chậm, giá trị các ngành dịch vụ chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch cả năm đề ra là 7% - 7,2%. Đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn tín dụng đạt thấp, chỉ bằng 32,8% kế hoạch; vốn giải ngân ODA chỉ đạt 25%. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc...
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá việc thực hiện chương trình công tác và chỉ đạo điều hành của Chính phủ có nhiều tiến bộ, đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và bám sát những vấn đề cấp bách nên đã tạo ra được những chuyển biến tốt. Về phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm, Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc sâu sát nhằm đạt tốc độ tăng trưởng (GDP) 7,3%; huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển kinh tế; tập trung giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách như: xoá đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh hoạt động phòng, chống tệ nạn ma tuý, tệ nạn xã hội. Đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát lại nhiệm vụ của bộ máy và tổ chức, sắp xếp lại theo hướng một việc chỉ nên có một người, một tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm.
Đúng 9 giờ sáng ngày 7-11- 2003, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đào Đình Bình đã phát lệnh thông hầm Hải Vân, hầm đường bộ dài và hiện đại nhất Đông Nam Á
Đường xuyên Á, đoạn qua quận 12 thành phố Hồ Chí Minh
Khánh thành sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (2/9/2003)
Thay lời kết
Gần 60 năm qua, trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lập nhiều kỳ tích, viết thêm những trang sử mới hào hùng của dân tộc. Trong suốt chặng đường vẻ vang đó, Chính phủ Việt Nam - từ Uỷ ban Dân tộc giải phóng đến Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ngày nay là Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quản lý điều hành đất nước với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thể hiện rõ nét nhất bản chất của một Chính phủ của dân, do dân, vì dân.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thông qua Quốc hội và các tổ chức chính trị-xã hội khác, trên cơ sở Hiến pháp và Pháp luật, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục đổi mới hoạt động và tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực và hiệu quả công tác để đáp ứng những nhiệm vụ và thách thức mới của thời đại trong việc quản lý và điều hành đất nước, nhằm đưa đất nước Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đem lại hạnh phúc cho mọi người.
Mùa vàng trên vùng cao Mù Căng Chải (Yên Bái)